ClockThứ Ba, 27/03/2018 09:08
VỤ “NHÀ DI SẢN” 117 LÊ THÁNH TÔN, PHƯỜNG THUẬN LỘC:

Điều chỉnh để đưa vào hoạt động

TTH - Sau một thời gian tạm ngừng thi công công trình “Nhà di sản” số 117 (số cũ 73) Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc (TP. Huế) để làm trung tâm thể dục thể thao, đến thời điểm này công trình này đang gấp rút hoàn thành, đưa vào hoạt động mà vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Tạm dừng thi công trung tâm thể thao trong khuôn viên “Nhà di sản” 117 Lê Thánh TônCần đảm bảo giá trị kiến trúc để phục vụ nghiên cứuGóp thêm tư liệu cho “nhà di sản”Kiểm tra, xử lý vụ việc “Nhà di sản”Tiếc cho “nhà di sản”

Khi bắt đầu thi công vào cuối năm 2017, công trình vấp phải nhiều ý kiến phản ứng cho rằng không nhất quán trong việc bảo vệ nhà rường, nhà di sản khi mà TP. Huế đang triển khai, đầu tư trùng tu nhiều nhà cổ khác trên địa bàn. Ngay sau đó, UBND TP. Huế đã có quyết định tạm dừng để xem xét, cân nhắc, điều chỉnh các phương án về quy hoạch – kiến trúc cho phù hợp.

UBND TP. Huế cũng giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì cùng với Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường Thuận Lộc và nhà đầu tư xem xét, đề xuất phương án điều chỉnh thiết kế phù hợp với cảnh quan và kiến trúc ngôi nhà để UBND TP. Huế xem xét;  yêu cầu phường Thuận Lộc bảo quản, vệ sinh, sắp xếp và sử dụng hợp lý để phát huy giá trị ngôi nhà.

Trải qua hơn 3 tháng, theo ghi nhận của chúng tôi, công trình này vẫn không thay đổi nhiều về mặt thiết kế. Khối nhà được xây dựng kiên cố bằng sắt, 2 tầng, rộng hơn 300m2 vẫn án ngữ toàn bộ khu đất phía trước “Nhà di sản”. Công trình cơ bản hoàn thành và đã được lắp kính bên ngoài, các trang thiết bị liên quan đến thể thao cũng được đưa vào bên trong để chuẩn bị hoạt động.

Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc nói rằng công trình đã có điều chỉnh hài hòa. Cụ thể, chiều cao tòa nhà từ 9,5 còn xuống 9m, bỏ bớt 8 trụ sắt tầng 2 và 4 trụ sắt ở tầng 1, thay đổi các kiến trúc bê tông, cốt thép và sắt sang các vật liệu nhẹ để đảm bảo hài hòa cảnh quan. Thời gian tới, sẽ tiến hành trồng cây xanh để tạo sự mềm mại cho công trình. “Chủ đầu tư cam đoan sẽ thực hiện đầy đủ các yêu cầu của UBND phường. Trong quá trình hoạt động khai thác, nếu có những ý kiến về việc cần thay đổi đảm bảo hài hòa cảnh quan xung quanh sẽ nghiêm túc chấp hành”, bà Cúc cho hay và dẫn giải bằng một đơn trình bày của chủ đầu tư về việc tiếp tục thực hiện công trình.

Theo quan sát của chúng tôi, UBND phường Thuận Lộc yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ bớt một nhà vệ sinh ở tầng 1, với diện tích 26m2 để làm lối đi vào. Đến thời điểm này, thay vì đi vào chính diện đường Lê Thánh Tôn qua một khoảng sân rộng để vào ngôi nhà, bây giờ nếu để đi vào, phải đi theo đường kiệt luồn phía sau. Như thế, về mặt kiến trúc không gian ngôi nhà vẫn không có sân vườn, một yếu tố gắn liền với ngôi nhà cổ để tạo nên kết cấu nhà – vườn không thể tách rời. Bà Cúc nói thêm, sẽ cho tổng dọn vệ sinh xung quanh, sau đó sơn sửa lại và làm không gian tủ sách cho mọi người đến đọc và luôn có người trông giữ, bảo vệ.

Khi được hỏi việc thay đổi kết cấu kiến trúc công trình này đã được UBND TP. Huế đồng ý hay chưa, bà Cúc cho hay đã có biên bản làm việc giữa các phòng ban của TP với phường và đã thống nhất. Phường và TP. Huế đã nghiên cứu, kiểm tra thực tế và cảm thấy hài hòa. “Chúng tôi sẽ có báo cáo với UBND TP. Huế để xin thông qua cho công trình hoạt động trong thời gian tới”, bà Cúc khẳng định.

Cần được ứng xử như một công trình có giá trị truyền thống cao

Như Báo Thừa Thiên Huế cuối năm 2017 đã nhiều lần phản ánh về việc một chủ đầu tư xây dựng trung tâm thể dục thể thao với hình thức xã hội hóa ở khuôn viên phía trước “Nhà di sản” số 117 Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc. Ngay lập tức, các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu Huế đã lên tiếng phản ứng.

UBND TP. Huế sau đó đã họp và đưa ra kết luận, căn cứ hồ sơ lưu trữ tại UBND phường Thuận Lộc, Phòng Tài chính Kế hoạch và Trung tâm Hợp tác Quốc tế thể hiện khu nhà và đất tại 117 (số cũ 73) Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc, TP. Huế thuộc sở hữu của một người dân. Sau đó gia đình này bán lại cho phường Thuận Lộc. Năm 1997, trong khuôn khổ hợp tác giữa TP. Huế và Hội đồng Vùng Nord Pas de Calais, Cộng đồng đô thị Lille (Pháp), ngôi nhà này được giao cho Ban Đối ngoại TP. Huế (nay là Trung tâm Hợp tác quốc tế) để thí điểm tu bổ và làm văn phòng dự án tu bổ các ngôi nhà truyền thống Huế. Ngôi nhà này được gắn bảng “Nhà di sản” và được coi là mô hình trùng tu nhà truyền thống thí điểm để triển khai tu bổ các công trình khác.

Theo UBND TP. Huế, quy trình, thủ tục đầu tư đầy đủ, đúng quy định. Ngôi nhà không thuộc trong danh mục các công trình di tích lịch sử văn hóa, nhà vườn được quản lý theo quy định. Tuy nhiên, UBND TP. Huế thừa nhận, mặc dù không phải là công trình được công nhận di tích, nhà vườn phải bảo tồn nhưng ngôi nhà có giá trị về kiến trúc truyền thống và đã được các đối tác của Pháp trước đây quan tâm đầu tư, tu bổ, giữ gìn. Vì thế, ngôi nhà cần được giữ gìn, bảo quản, sử dụng khai thác hợp lý, trân trọng và cần được ứng xử như một công trình có giá trị truyền thống cao.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top