ClockThứ Năm, 17/09/2015 14:56

Diệu kỳ methadone

TTH - Cơ sở điều trị methadone thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS hoạt động vào giữa tháng 11/2014. Ngày 27/11/2014 khởi liều đầu tiên cho 12 bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (TTPC HIV/AIDS) cho biết, sau hơn 9 tháng hoạt động, cơ sở tiếp nhận điều trị hơn 150 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện ở TP Huế, Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền, đạt tỷ lệ 75% so với chỉ tiêu được giao năm 2015, đứng vị trí thứ 6 toàn quốc.

Ý chí của bệnh nhân, tận tâm của thầy thuốc

Buổi làm việc với bác sĩ Lê Minh Tâm, phụ trách cơ sở điều trị methadone thường xuyên bị dừng lại bởi bệnh nhân đến để tư vấn và điều trị. Sau khi cho bệnh nhân uống thuốc, bác sĩ Tâm tận tình tư vấn cho từng bệnh nhân và gia đình về tâm lý xã hội, tuân thủ điều trị, cung cấp các thông điệp về giảm nguy cơ, gồm: tình dục an toàn, nguy cơ sử dụng đồng thời các chất ma túy khác…
- Điều trị methadone thành công, phải đảm bảo đúng nguyên tắc và không phải là vấn đề đơn giản - Tôi băn khoăn.
- Cần có 4 nguyên tắc cơ bản, đó là: Thuốc methdone; nhóm hỗ trợ kỹ thuật, quyết tâm của bệnh nhân, hỗ trợ của gia đình và người thân. Bác sĩ Tâm nói. Trong đó quyết tâm của bệnh nhân là hàng đầu. Bệnh nhân phải là người tự nguyện tham gia chương trình, có ý chí và quyết tâm lớn thực hiện việc cai nghiện, đối phó với việc tiêm chích ma túy bất hợp pháp hàng ngày. Phải có ý chí để từ chối sự rủ rê, lôi kéo việc tái sử dụng ma túy của bạn nghiện. Nỗ lực vươn lên để đạt được mục tiêu: từ bỏ ma túy, ổn định cuộc sống, làm người hữu ích, tìm kiếm việc làm, gia đình hạnh phúc. Về phía bác sĩ, chúng tôi luôn lấy chữ tâm để điều trị “tâm bệnh” cho người nghiện.
Thừa Thiên Huế có gần 500 trường hợp nghiện các chất thuốc phiện được quản lý và mỗi năm, ngân sách Nhà nước lo cho công tác chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ cai nghiện những đối tượng này không nhỏ. Do đó, việc triển khai chương trình điều trị bằng methadone cho người nghiện các chất thuốc phiện ở tỉnh ta như một mũi tên trúng nhiều đích. Đó là hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV, giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình, giảm nguy cơ phạm pháp, ổn định trật tự an ninh xã hội... Theo đánh giá của Bộ Y tế, sử dụng liệu pháp methadone rẻ hơn 9 lần so với áp dụng mô hình cai nghiện tập trung. Việc triển khai chương trình điều trị methadone góp phần tích cực trong việc giảm nhu cầu sử dụng ma túy và tội phạm có liên quan đến ma túy, ổn định tình hình an ninh trật tự ở một số phường trước đây là điểm nóng.
Để phối hợp chặt chẽ cùng ngành y tế giúp người nghiện cai nghiện ma túy thành công, Công an tỉnh sẽ xây dựng phương án, chỉ đạo các địa phương, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ công an tuyến xã, phường rà soát, phân loại đối tượng theo tiêu chí của chương trình, hỗ trợ động viên người nghiện, vận động gia đình có người nghiện tham gia điều trị, chủ động ngăn chặn những đối tượng lôi kéo, rủ rê bệnh nhân đang điều trị methadone tái sử dụng ma túy, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn và cơ sở điều trị.
Theo thống kê ban đầu, hiện có 75 % người nghiện tham gia điều trị đã ổn định liều, phục hồi chức năng tâm lý, ổn định cuộc sống, có trên 35 người tìm được việc làm. Công việc của họ khá đa dạng. Họ đã và đang tìm lại giá trị sống, biết chăm lo cho gia đình.
Hạnh phúc của bệnh nhân
Anh Nguyễn Chí Hùng và các cán bộ của đơn vị kể cho tôi nhiều câu chuyện cảm động về người nghiện ma túy cai nghiện thành công. Vui nhất là chuyện của hai anh em H và D. Hai anh em đều đã có gia đình. Kinh tế khó khăn, Đ. bán cà phê cóc. H. chạy xe ôm, nhưng cả hai anh em đều nghiện ma túy. Từ ngày được điều trị, ngày nào hai anh em cũng chở nhau đến đơn vị điều trị uống thuốc. Qua hơn 2 tháng điều trị, H. D. đều hoạt bát, tự tin, yêu đời. Ngày đầu tuần tháng 5, sau khi uống thuốc, H. hào hứng chạy vào phòng tư vấn rút ra một xấp tiền polymer khoe: “Bác sĩ ơi ngày hôm qua em trúng mánh, tiền đang còn đây. Nếu mấy tháng trước không bao giờ có tiền bỏ túi, ngày nào cũng tìm mọi kiểu kiếm tiền để chích. Giờ thì không, em đã từ bỏ ma túy rồi. Em đem tiền về cho vợ nuôi con, chỉ giữ lại một ít để đổ xăng, uống cà phê, ăn cơm hộp thôi, sáng mai mời bác ghé quán thằng Đ. uống cà phê”. Nói xong, H. chào mọi người ra về trong niềm vui.
Trong một buổi sinh hoạt hỗ trợ bệnh nhân, ông L. xúc động: “Mấy năm nay, gia đình tôi quá khổ vì thằng con, nghe theo bạn bè rủ rê, hút chích ma túy. Tôi đã dùng nhiều biện pháp cai nghiện tại nhà gần chục lần, từng đưa nó đi cai tại Đồng Nai, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và ở Huế với nhiều phương pháp nhưng đều thất bại. Tính tình ngày càng cáu gắt, nóng nảy, luôn gây căng thẳng, tạo áp lực với gia đình, với mẹ nó để kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện. Đầu tháng ba, tôi đưa cháu đến đây để điều trị. Thú thật lúc đầu tôi cũng rất nghi ngờ hiệu quả của methadone, nhưng gần 2 tháng sau đó tôi thật sự bất ngờ khi cơ sở điều trị methadone đã trả lại cho con tôi những giá trị sống của con người, nó biết chăm lo cho bản thân, biết quan tâm đến gia đình. Điều đáng nói, ngoài việc dùng thuốc, các bác sĩ ở đây đã dùng tâm lý trị liệu để hỗ trợ, dùng tình cảm để cảm hóa, củng cố động lực để làm cho bệnh nhân thay đổi nhận thức và hành vi, cơ sở đã hợp tác tốt với gia đình để kịp thời điều chỉnh hiện tượng tái sử dụng ma túy. Methadone là thuốc diệu kỳ. Tấm lòng của các bác sĩ ở cơ sở này thật sự đáng trân trọng…”.
 PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động của cơ sở điều trị methadone. “Đây là hoạt động đem lại nhiều lợi ích lớn lao đối với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Ngành y tế phối hợp với các ngành công an, lao động thương binh và xã hội xây dựng quy chế hoạt động, cơ sở điều trị, xây dựng môi trường thân thiện với bệnh nhân, hợp tác tốt với người nhà, để chương trình đạt được mục đích: giảm tác hại của ma túy do dùng chung bơm kim tiêm; giảm sử dụng các chất ma túy bất hợp pháp; giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống”.
Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Return to top