ClockChủ Nhật, 10/06/2018 09:03

Điều quan trọng nhất

TTH - Tôi nhớ đã có lần mẹ nói với bố trong những ngày cuối cùng bố còn vật lộn vì căn bệnh ung thư dạ dày, rằng trên cuộc đời này không có thứ gì quý giá hơn chính con người cả.

Đường về...Nếp nhà

Đấy chính là lúc bao nhiêu sóng gió đều đổ ập vào gia đình nhỏ bé của tôi. Đầm nuôi cá sau một cơn lũ mất trắng tay. Bao nhiêu vốn liếng cắm sổ đỏ vai nợ ngân hàng và vay nặng lãi trên huyện đã trôi sạch theo cơn lũ. Bố bị bệnh nặng, nằm trên chiếc giường ọp ẹp cũng không được yên vì chủ nợ đến đòi suốt ngày. Bốn đứa con, đứa nào cũng chưa đóng một đồng học phí trong khi năm học đã sắp hết. Buổi chào cờ nào nhà trường cũng réo tên mấy anh em lên và còn dọa sẽ không tổng kết điểm, không cho lên lớp nếu không có tiền nộp ngay. Sau mỗi lần như thế, thằng út lại chạy về nhà trốn lên rừng khóc thút thít.

Trong lúc ấy mẹ là người đứng lên gạt nước mắt để gồng gánh gia đình. Dù hoàn cảnh lúc ấy dễ khiến tất cả chúng tôi đều có thể bật khóc bất cứ lúc nào nhưng trước mặt bố con tôi, bao giờ mẹ cũng luôn tươi cười. Sau này khi tất cả mọi chuyện đã qua đi, bố tôi cũng đã yên giấc ngàn thu, trước mặt chúng tôi không khi nào mẹ khóc. Và cho dù các con có va vấp bao nhiêu lần trên chặng đường đời thì mẹ cũng không khi nào la mắng nặng lời. Bởi với mẹ điều quan trọng nhất trong cuộc đời vẫn không có gì quý giá hơn con người cả. Bài học tưởng chừng như ai cũng hiểu, vậy mà mãi cho đến khi đi hết một phần ba cuộc đời tôi mới nghiệm ra.

Chị đến ở với tôi cơ duyên chắc cũng chỉ một lý do hết sức đơn giản là tìm nhà trọ ở Hà Nội càng ngày càng quá khó khăn. Trong khi thu nhập của cả tôi và chị đều thấp. Tôi thuê được một căn phòng trong xóm trọ xây theo kiểu cũ, phòng không rộng lắm nhưng vẫn có thể ở được hai người. Phần vì muốn nhẹ gánh bớt tiền thuê trọ, phần vì ở một mình buồn quá nên tôi đăng tin lên mạng tìm người ở ghép. Không hiểu sao giữa hàng trăm cuộc điện thoại tôi lại chọn chị. Có phải vì cái giọng trầm buồn, nghe như thấy nước đang mòng mọng trong khóe mắt ấy không nữa. Chị dọn đồ về ở cùng tôi dù tôi chẳng biết tí gì về chị ngoài việc chị làm nghề trang điểm cô dâu.

Chị lo cơm nước cho tôi hàng ngày bằng thái độ ân cần như một người chị cả trong gia đình. Dù chị ít nói nhưng có chị tôi thấy bớt hiu quạnh hơn nhiều. Ít ra thì cũng có người ngồi nghe tôi thao thao bất tuyệt đủ loại chuyện trên trời dưới biển. Chị nói với tôi bằng ánh mắt nhiều hơn ngôn từ. Mắt chị buồn thăm thẳm, thi thoảng lại gợn lên một nỗi hoài nghi mơ hồ đến lạ. Có lần, trong một đêm bão về thành phố, chị ngồi nghiêng nghiêng bên cửa sổ, mắt không rời những hạt mưa xiêu vẹo táp vào cửa kính. Chị bảo tôi:

- Quê chị chắc là mưa to lắm, nhà dột nát hết rồi.

Tôi còn nghe rất rõ tiếng thở dài của chị. Tiếng mưa vẫn lộp độp rơi trên mái tôn, cái lạnh của hơi nước và gió khiến những người xa quê thêm bé nhỏ. Tôi bảo chị ngủ đi, ngày mai còn rất nhiều việc để làm. Chị lại nhìn tôi bằng ánh mắt buồn thăm thẳm.

* * *

Bỗng một ngày chán cái công việc văn phòng tôi bỏ việc và tính đến chuyện kinh doanh. Ai cũng phản đối gay gắt chỉ có mẹ là không mắng tôi một lời nào. Mẹ chỉ bảo tôi khi nào chưa đi làm công việc khác thì về quê chơi với mẹ một thời gian.

Tôi rủ chị kinh doanh, chị nhìn tôi hoài nghi rồi cũng gật đầu. Sau một thời gian tính toán, chúng tôi quyết định đi đến mở cửa hàng cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu. Đấy cũng là nhờ gợi ý của chị:

- Bây giờ xã hội phát triển, cưới xin cũng cầu kì hơn ngày trước nhiều. Nhu cầu cưới hỏi ở thành phố này cũng lớn, bỏ vốn ra một lần sau này thu dần. Chị thấy nghề này làm ăn được nhưng cũng cần kha khá vốn.

Thế là hai chị em có bao nhiêu tiền tích cóp sau bấy nhiêu năm làm ăn đều dồn hết vào. Nhưng cũng chỉ đủ tiền thuê cửa hàng, trả một cục một năm cũng mất vài chục triệu. Nghĩ mà mướt cả mồ hôi. Mẹ lại một lần nữa mang sổ đỏ thế chấp để vay lãi ngân hàng cho con gái làm ăn. Lúc cầm tiền của mẹ đi tôi đã khóc như con nít, tôi bảo mẹ:

- Nhỡ con làm ăn thua lỗ thì sao hả mẹ? Hay là con không lấy tiền của mẹ nữa đâu.

Mẹ vỗ về tôi, sổ đỏ bị cắm rồi mà mẹ vẫn cười hơn hớn như bắt được của không bằng.

- Mẹ vay tiền cho con làm ăn chứ có phải đi chuộc đồ hay đi phá bĩnh đâu mà con khóc. Làm ăn thắng thua là chuyện bình thường, nhưng nếu cứ sợ mãi thì đến bao giờ mới khá lên được, đúng không? Mẹ già rồi không làm được gì, chỉ giúp các con được có vậy thôi.

Tiền vốn có bao nhiêu tôi đưa chị hết. Chị thì không có nhiều tiền nhưng chịu khó chạy ngược chạy xuôi, một mình chị đôn đáo, còn tôi chỉ đâu đánh đấy. Khoảng nửa tháng sau thì công việc chuẩn bị cũng tạm ổn. Chỉ còn thiếu vài mẫu váy và cần phải thuê thêm nhân viên trang điểm. Đùng một, cái chị nhận được điện thoại ở quê, báo có việc quan trọng phải về gấp, ngay đêm đó chị bắt taxi về quê. Tôi ở lại ruột nóng như lửa đốt, chị về quê đã được một tuần không thấy xuống mà điện thoại thì không liên lạc được. Tôi lại không biết rõ địa chỉ của chị nên không biết làm gì ngoài chờ đợi. Chị vẫn bặt vô âm tín không chỉ một tuần mà là một tháng, hai tháng. Tôi bắt xe về quê chị hỏi thăm, ai cũng lắc đầu bảo:

- Cả một huyện rộng như thế này làm sao tìm được một người.

Tôi đành ngủ trọ tại bến xe rồi sáng hôm sau về thành phố mà trong lòng vừa lo vừa giận chị ghê ghớm lắm. Cả đống tiền vay lãi hàng tháng bỏ ra mà cuối cùng đành để đấy. Bao nhiêu vốn liếng đều đưa tất cho chị, tôi thậm chí còn không có cả tiền thuê trọ chứ đừng nói tiền thuê nhân viên để hoạt động cửa hàng. Tôi không biết làm gì ngoài gọi điện về khóc tu tu với mẹ. Mẹ trước sau gì cũng chỉ khuyên tôi cứ từ từ chờ đợi vì có thể chị đang gặp khó khăn gì đấy. Vậy là, tôi lại nằm chờ.

Sau cái đợt tôi về tận quê chị tìm thì hai tuần sau thì chị xuống thành phố. Gặp chị, tôi vừa mừng vừa giận, không nói được câu gì chỉ biết khóc thôi. Chị gầy rộc đi, mới đầu tôi còn không nhận ra chị. Xanh xao, hốc hác, thậm chí có thể nói là tiều tụy. Suốt một đêm chị chỉ ôm tôi khóc, hỏi gì cũng không nói, mãi cho đến lúc tôi bảo chị:

- Chị xuống rồi, nghỉ ngơi hai ba hôm rồi khai trương cửa hàng chị nhé. Thuê về mà cứ để thế em sót ruột lắm.

Lúc này chị mới khóc lóc thú thật với tôi rằng vì mẹ chị bị bệnh nặng nên số vốn liếng còn lại chị đều mang đóng tiền viện phí rồi thuốc thang cho mẹ. Thế là hết, mấy chục triệu để duy trì cửa hàng chứ có ít ỏi gì. Bây giờ tôi biết phải làm sao? Sổ đỏ của mẹ thì mang thế chấp, tiền lãi hàng tháng mẹ tôi vẫn phải chạy vạy xoay xở cho tôi. Chỉ bấy nhiêu ý nghĩ thôi cũng đủ làm tôi tức điên người và sẵn sàng trút mọi tức giận lên đầu chị.

Sáng hôm sau chị mang gom hết đồ đạc đi bán, kể cả máy tính, chiếc xe máy cũ và mấy bộ quần áo rét mua năm trước. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại không ngăn cản chị, trái lại tôi còn nghĩ chị cần phải có trách nhiệm với cửa hàng, với tôi sau từng ấy việc xảy ra. Tối ấy chị đã bỏ đi chỉ để lại một bức thư và số tiền chị bán đồ được. Mãi mãi sau này không khi nào tôi quên được cảm giác tội lỗi và ân hận của mình lúc ấy.

* * *

Mẹ bảo với tôi rằng những lúc con người ta thấy chơi vơi nhất thì đấy chính là khi người ta cần đến cần đến một bờ vai, một lời an ủi, một chỗ dựa dù là chênh vênh cũng tốt. Tôi nghĩ đến chị, đến những lời mắng mỏ, giận dỗi của tôi hôm ấy mà thấy mình tệ hại vô cùng. Sau này tình cờ tôi biết được mẹ chị đã mất trong thời gian điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Lúc xuống đây hẳn là chị đã rất cần một bờ vai như mẹ tôi vẫn nói. Nhưng cuối cùng cái bờ vai hờ hững ấy lại đuổi chị đi xa, lại dồn chị vào sâu những buồn tủi, cơ cực của cuộc đời. Tôi không biết chị đã đi đâu giữa thời buổi người khôn của khó này. Chỉ thi thoảng mẹ báo với tôi là đã nhận được tiền của chị gửi về. Lần nào nghe mẹ báo vậy tôi cũng khóc. Vắng chị rồi tôi mới biết chị quan trọng trong cuộc sống của tôi đến nhường nào. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi thấy nhớ nôn nao tách cafe chị pha cho tôi, hai chị em vẫn ngồi bên chiếc bàn đã tróc sơn nhâm nhi cho đến khi đến giờ đi làm mới thong thả đứng lên.

Buổi tối, đêm nào tôi cũng thấy trống vắng. Nhất là những ngày ốm nằm một mình, tôi đắng họng khi nhận ra rằng chị đã từng rất thương yêu tôi. Thế đấy… Có phải đã quá muộn khi tôi nhận ra điều này, khi bài học của hơn mười năm trước mà mẹ đã dạy chúng tôi “ở đời thứ quan trọng nhất đối với con người không phải tiền bạc, là địa vị, danh vọng… mà chính là con người”. Sao đến tận bây giờ tôi mới nhận ra điều ấy. Tôi biết tìm chị ở đâu trong dải đất này?

BÙI QUANG DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh

Trong năm qua, nhiều hoạt động của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở, nền tảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành hơn 150 nghị quyết (NQ), đó là những nội dung xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh
Return to top