ClockThứ Hai, 20/11/2017 17:23

Điều tiết, xả lũ hợp lý: Chủ động ứng phó lũ lụt

TTH.VN - Qua các đợt lũ lớn vừa rồi, các địa phương gần như hoàn toàn chủ động ứng phó, cho thấy tác dụng của các hồ thủy điện trong việc tích nước, điều tiết xả lũ đúng quy trình, hợp lý...

Thủ tướng ra công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 14 và mưa lũ

Giảm lũ, hạn chế nguy hiểm

Ông Lê Văn Thắng ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) nhìn nhận, trước đây không có các hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn tích nước thì mưa đầu nguồn có bao nhiêu đổ về hết hạ du bấy nhiêu. Các trận lũ lớn, nước đổ về rất nhanh, bất ngờ nên người dân thiếu sự chủ động ứng phó. Người dân chỉ kịp sơ tán người, còn tài sản như gia súc, gia cầm, đồ đạc... có khi không chuyển kịp bị thiệt hại.

Lũ lụt những năm gần đây, mới nhất là các trận lũ đầu tháng 11 và lũ ngày 20/11 là rất lớn, nước đổ về hạ du và lên khá nhanh, nhưng công tác ứng phó được người dân hoàn toàn chủ động. Khi nghe trên loa đài truyền thanh địa phương, hay trưởng thôn về tận khu dân cư thông báo các hồ sẽ điều tiết xả lũ, người dân lập tức sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Các đợt lũ vừa rồi tuy rất lớn, ngập sâu nhưng chỉ thiệt hại rau màu, còn gia súc, gia cầm ít bị thiệt hại...

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước-Lê Đức Ưa tỏ ra yên tâm khi công tác phối hợp giữa các chủ hồ đập và chính quyền địa phương rất tốt. Khi có kế hoạch điều tiết xả lũ, các chủ hồ đã thông báo trước cho các địa phương 2-3 giờ, thời gian này đủ để người dân chủ động kê cao, sơ tán vật dụng, gia súc, gia cầm, nhất là trẻ em, người già, phụ nữ đến nơi an toàn. Mọi công tác ứng phó đều chủ động nhờ có thông báo trước về thời điểm xảy ra lũ, cấp độ lũ... Trong các đợt lũ vừa qua xấp xỉ mức lũ lịch sử 1999 nhưng không thiệt hại lớn về người và tài sản.

Các xã Phú Thanh, Phú Mậu (Phú Vang) nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An nên nhiều năm chịu ảnh hưởng rất lớn do lũ lụt và triều cường. Mỗi khi xảy ra mưa lớn, lũ đổ về nhanh, người dân địa phương nhiều lúc không kịp trở tay, cuốn trôi nhiều tài sản, gia súc, gia cầm. Nhiều trận lũ đổ về ban đêm, người dân tất tả sơ tán người và tài sản rất vất vả, nguy hiểm đến tính mạng...

Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu rất ủng hộ các phương án điều tiết, xả lũ của các chủ hồ thủy điện, thủy lợi. Điều mà ông Trai tâm đắc nhất là các hồ đã tích lượng nước rất lớn, hạn chế tối đa ngập lụt vùng hạ du. Các chủ hồ chủ động tích nước và điều tiết, xả lũ vào ban ngày nên hạn chế nguy hiểm đến tính mạng Nhân dân, sơ tán mọi thứ dễ dàng hơn lũ về ban đêm. Các trận lũ dồn dập đầu tháng 11 vừa qua, hay đợt lũ xảy ra ngày 20/11, ngoài bị ngập các diện tích hoa, rau màu vì thấp trũng, còn lại không thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thủy điện Bình Điền xả lũ 

Điều tiết hợp lý, đúng quy trình

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy thủy điện Hương Điền tự tin, chủ hồ luôn chấp hành nghiêm quy định, quy trình vận hành liên hồ chứa của cấp trên và sự chỉ đạo của tỉnh. Trong các trận lũ đầu tháng 11, có thời điểm lưu lượng nước đến hồ Hương Điền lớn nhất là 7.600m3/s, lưu lượng về hạ du lớn nhất 4.699m3/s. Việc điều tiết đảm bảo đúng quy trình, quy định, hợp lý nên không gây lũ bất ngờ, không xả lũ vào ban đêm đã hạn chế tối đa nguy hiểm, thiệt hại cho vùng hạ du.

Đến 10 giờ ngày 20/11, mực nước trong hồ Hương Điền đạt 58m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định tại quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Hương là 2m; lưu lượng nước đến hồ là 1.037m3/s. Để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, theo chỉ đạo của tỉnh, nhà máy đã vận hành điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến (1.500m3/s), đưa dần mực nước về cao trình cao nhất trước lũ là 56m.

Cùng thời điểm, mực nước tại hồ thủy điện Bình Điền đạt 83,2m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 2,6m; lưu lượng nước đến hồ 558,7m3/s. Theo chỉ đạo của tỉnh, chủ hồ Hương Điền đã vận hành điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến (1.500m3/s) để đưa dần mực nước về cao trình cao nhất trước lũ là 80,6m...

Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 5 thông tin, trong đợt lũ đầu tháng 11, khi xảy ra mưa lớn, mực nước trên sông Hương còn thấp, hồ Tả Trạch điều tiết lượng nước về hạ du bằng hoặc lớn hơn mực nước đến. Sau khi mực nước trên sông Hương tại Trạm thủy văn Kim Long đạt trên 1,7m thì hồ Tả Trạch bắt đầu giảm lượng nước xả về hạ du. Thời điểm lưu lượng nước đến hồ lớn nhất là 5.000m3/s, nhưng hồ chỉ xả khoảng 500-600m3/s để giữ lại mực nước trong hồ, thực hiện nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du, nhất là thành phố Huế. Những ngày đầu tháng 11, hồ Tả Trạch giữ lại trong hồ gần 300 triệu m3 nước, chỉ xả khoảng 80 triệu m3 đã giảm ngập lũ rất nhiều cho vùng hạ du.

Hiện tại mực nước trong hồ còn cao hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT). Đây là năm đầu tiên hồ đón trận lũ lớn nhất từ trước đến nay nên để đảm bảo an toàn công trình, theo chỉ đạo của tỉnh, những ngày đến phải điều tiết lượng nước đi bằng lượng nước đến để đưa về ngang bằng MNDBT. Khi mực nước đạt MNDBT thì sẽ tiếp tục giảm lưu lượng xả nhằm đảm bảo mực nước vùng hạ du sông Hương và TP. phố Huế giảm nhanh, sau đó thực hiện điều tiết theo quy trình… Với các phương án điều tiết, xả lũ hợp lý, tính đến thời điểm này tất cả các hạng mục công trình hồ Tả Trạch đều đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phong chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, ngoài sự chấp hành nghiêm của các chủ hồ đập, trước, trong và sau các đợt lũ, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến kiểm tra tại các công trình và chỉ đạo quyết liệt, sâu sát công tác vận hành, điều tiết, xả lũ một cách hợp lý. Tính cả các đợt lũ đầu tháng 11 và ngày 20/11, các hồ đã tích hơn 1 tỷ m3 nước, chỉ xả về hạ du khoảng 500 triệu m3... Việc tích nước, điều tiết xả lũ hợp lý, đảm bảo đúng quy trình nên không gây lũ bất ngờ, lũ không xảy ra ban đêm, cắt lũ và giảm lũ rất lớn cho TP Huế và vùng hạ du.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lũ dâng trên các sông, thủy điện tăng cường điều tiết

Sáng 2/12, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, từ 19 giờ ngày 30/11 đến 7 giờ ngày 2/12 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa, mưa to và mưa rất to, lượng mưa phổ biến 150-300mm có nơi cao hơn như Thủy điện Rào Trăng 4 358mm; Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền) 356mm.

Lũ dâng trên các sông, thủy điện tăng cường điều tiết
Return to top