ClockThứ Hai, 11/07/2016 14:06

Định hướng, chứ không chọn thay con

TTH - Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia kết thúc, đây là thời điểm thí sinh chờ điểm để đăng ký vào các ngành đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mình yêu thích. Tuy nhiên, không ít thí sinh và phụ huynh băn khoăn, thậm chí dẫn đến xung đột trong việc chọn ngành học.

Ngày thi cuối nghiêm túc, tỷ lệ vắng và kỷ luật không tăng

Cùng con chọn ngành

Nhiều học sinh sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia cho biết, phải đối mặt với những lo âu trong chọn ngành học. Nhiều em quyết định chọn ngành theo tiêu chí “thời thượng”, “hot”, tuy nhiên cũng có một số em tùy theo năng lực mà chọn các ngành ở một số trường có điểm số vừa phải, phù hợp với lực học. Điều đáng nói, các em đang bị áp lực tâm lý từ gia đình khi mà phụ huynh cũng tham gia khá sâu vào việc chọn ngành nghề của con. Nhiều phụ huynh yêu cầu con em mình chọn ngành theo truyền thống của gia đình với lý do ra trường dễ kiếm việc làm, an nhàn…

Thí sinh hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế

Chị Nguyễn Thị Loan có con gái Trần Thị Hồng Nhi, học sinh Trường THPT Bình Điền (xã Bình Điền, thị xã Hương Trà) vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia kể, trước khi đi thi, gia đình đã thảo luận và quyết định để con gái chọn nộp đơn vào ngành theo ý con gái đó là ngành Bác sĩ đa khoa – ĐH Y Dược (ĐH Huế). “Ban đầu gia đình định hướng con theo ngành giáo viên mầm non. Thế nhưng, thấy lực học, cũng như đam mê với ngành y nên chúng tôi tôn trọng quyết định của cháu”, chị Loan tâm sự.

Không phải ai cũng giống như chị Loan. Nhiều phụ huynh vì ép con chọn ngành theo mình khiến các em không mấy mặn mà bỏ học thi lại giữa chừng. Chị Nguyễn Thị Vinh (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) năm nay rút kinh nghiệm, chỉ tư vấn và sau đó cho cô con gái út tự chọn ngành. Cách đây hai năm, cô con gái đầu của chị Vinh vì bị gia đình ép theo ngành kinh tế mà phải bỏ học để thi lại. Chị Vinh nhớ lại: “Thời điểm đó cháu mê ngành dược, nhưng trong nhà ai cũng làm kinh doanh nên ép cháu học quản trị kinh doanh. Vào TP. Hồ Chí Minh thi, đậu nhưng chỉ học được một năm cháu quyết định bỏ và giấu gia đình thi lại ngành mình yêu thích”. Hệ quả vừa tốn kém, vừa mất thời gian. “Không chỉ xem xét nhu cầu xã hội, mà cần phải biết được học lực, tôn trọng đam mê của con mình, từ đó mới tư vấn, phụ huynh và con cùng ngồi lại để tìm một hướng đi tốt trong việc chọn ngành, trường”, nhiều phụ huynh nhìn nhận.

Phụ huynh chỉ nên hỗ trợ

Kỳ thi năm nay ở cụm thi 33 do Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế tổ chức có gần 3.700 thí sinh đăng ký tham gia. Điều này một lần nữa khẳng định việc các thí sinh hiểu rõ được năng lực của mình, rằng chỉ để thi tốt nghiệp sau đó nộp vào một trường trung cấp hoặc chọn nghề yêu thích để theo đuổi. Em Phan Văn Huy (THPT Thuận An) vừa kết thúc kỳ thi tự tin đậu tốt nghiệp và sẽ chọn học nghề điện lạnh ở một trường trung cấp. “Gia đình muốn dự thi cụm ĐH để nộp đơn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhưng em biết rõ lực học của mình nên chọn thi như vậy sẽ an toàn. Với lại, học gì cũng được, miễn nỗ lực đam mê và quyết tâm theo đuổi thì cơ hội việc làm, thành công trên đường đời sẽ luôn mở cửa”, Huy tự tin.

Một số phụ huynh từng có kinh nghiệm chia sẻ, việc chọn ngành nghề cho con em mình phải làm sao để chính các em có cơ hội theo đuổi, phát triển và mang lại niềm vui trong công việc chứ không đơn thuần hướng đến một công việc để làm, thu nhập ổn định. Từ đó, cha mẹ là người định hướng, chứ không nên áp đặt, dễ dẫn đến tâm lý bế tắc, bực bội cho con cái.

Theo Th.s Nguyễn Văn Thu, Trưởng bộ môn Tâm lí – Giáo dục học Trường cao đẳng Sư phạm Huế, việc định hướng ngành nghề của phụ huynh với con rất cần thiết, thế nhưng chỉ mang tính hỗ trợ, cung cấp thông tin, còn quyền quyết định nên giao cho con mình. Cùng với đó, phụ huynh không nên ép con chọn nghề theo ý chủ quan, như vậy dễ dẫn đến ảnh hưởng tương lai sau này của con. Riêng với các em, trước khi chọn ngành, cần phải nắm chắc vấn đề hướng nghiệp như khả năng của bản thân, nhu cầu xã hội, thị trường lao động…Trường hợp “mâu thuẫn” với cha mẹ về việc chọn ngành nghề, các em phải cố gắng chứng minh được năng lực, niềm đam mê với ngành mà mình quyết định chọn học, theo đuổi, sau khi ra trường có thể làm tốt ngành học mình chọn.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top