Thế giới

DMZ TOUR & khát vọng thống nhất của người dân hai miền Triều Tiên

ClockChủ Nhật, 18/03/2018 18:08

Hàn Quốc sẽ tăng cường phối hợp chính sáchTân Tổng thống Hàn Quốc cam kết xây dựng "đất nước mới"

Đầu máy xe lửa chi chít vết đạn chiến tranh trưng bày ở Imjingak

1. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 38 độ Bắc làm ranh giới. Phía nam ranh giới này là Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc), phía bắc là Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên), hai nước độc lập, phát triển theo hai thể chế khác nhau.

Trên đất liền, đường biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên dài 248 km. Từ đường biên này lùi vào lãnh thổ của mỗi nước 1,6 km, là Khu phi quân sự (Demilitarized Zone: DMZ), được thiết lập sau khi hai nước ký Hiệp ước đình chiến vào tháng 7/1953.

DMZ trên bán đảo Triều Tiên được coi là một trong những nơi canh phòng nghiêm cẩn nhất và là “địa điểm đáng sợ nhất trên thế giới” (theo lời của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khi ông đến thăm nơi này vào năm 2006), với những người lính của cả hai phía, tay ôm chặt súng ngày đêm tuần tiễu dọc theo hàng rào thép gai, bên cạnh những bãi mìn chi chít cờ báo hiệu nguy hiểm.

Chuông Hòa Bình ở Imjingak

Tuy nhiên, do tính “bất khả xâm phạm” này, nên DMZ đã trở thành thiên đường trú ngụ và sinh trưởng của hơn 3.000 loài động, thực vật hoang dã, trong đó có những loài quý hiếm bậc nhất Hàn Quốc, như: rái cá, hươu xạ hương, cừu núi, đại nhân sâm… Chính vì thế, từ năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc đã lập dự án đề nghị UNESCO công nhận DMZ là một trong 500 khu bảo tồn sinh quyển của thế giới.

Sau nhiều năm canh phòng cẩn mật, đến cuối năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc quyết định cho mở cửa một phần DMZ bên phía Hàn Quốc để du khách có cơ hội tham quan địa điểm lịch sử nổi danh này, và mong muốn biến nơi này thành một khu du lịch sinh thái tiêu biểu của Hàn Quốc. Park Mee-ja, một quan chức của Bộ Môi trường Hàn Quốc nói với hãng tin AFP: “DMZ đã không có người lui tới trong hàng thập kỷ, do đó vẫn bảo tồn được trạng thái hoàn hảo cho một khu du lịch sinh thái. Vùng đất này chứa nhiều điều hơn là một quá khứ buồn về cuộc chiến tranh. Du khách có thể đi bộ ngay bên cạnh hàng rào thép của khu phi quân sự, nhìn về phía lãnh thổ Triều Tiên và quan sát các di tích chiến tranh đã bị bỏ hoang từ nhiều thập kỷ nay”. Đầu năm 2013, tour du lịch DMZ chính thức mở cửa, mỗi ngày đón khoảng 3.000 du khách đến tham quan “vùng đất chết chóc” này.

Hàng vạn dải băng ghi lời cầu mong đất nước thống nhất và đoàn tụ gia đình treo trên “tường rào cầu nguyện” ở Imjingak

2. Tôi mua tour tham quan DMZ từ một khách sạn ở Seoul vào tối hôm trước. 7h sáng hôm sau, một chuyến xe bus 50 chỗ đến từng khách sạn để đón khách đi tour. 8h xe bus chở chúng tôi rời khỏi Seoul đi ngược lên phía bắc. Sau 40 phút, chúng tôi đã đi vào vùng biên giới, theo con đường chạy dọc con sông Imjingang (Lâm Tân giang), nơi có những hàng rào kẽm gai dày đặc cao quá đầu người và những vọng gác kiên cố nơi có những người lính biên phòng Hàn Quốc đêm ngày dõi theo sát sao mọi động tĩnh của Triều Tiên ở bên kia sông.

Sau khi vượt qua chốt gác (check-point) đầu tiên với hộ chiếu cầm tay để xuất trình cho lính biên phòng Hàn Quốc kiểm soát, chúng tôi đi thêm 10 phút thì đến khu vực Imjingak (Lâm Tân các), điểm tham quan đầu tiên ở DMZ. Đây là một khu kiến trúc phức hợp được xây dựng từ năm 1971, làm nơi trưng bày những hiện vật và hình ảnh gợi nhớ quá khứ đau buồn của chiến tranh và khát vọng thống nhất đất nước của người dân hai miền Triều Tiên.

Hòa vào dòng du khách đông đúc, tôi đi thăm Quảng trường Thống Nhất, tham quan đài tưởng niệm những người đã mất trong cuộc chiến Triều Tiên; thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh, nơi trưng bày một chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước từ thời chiến với chi chít vết đạn bắn vào thân tàu; thăm “tường rào cầu nguyện” nơi treo hàng vạn dải băng ghi lời cầu mong đất nước thống nhất và đoàn tụ gia đình, mà những người Hàn Quốc vẫn còn người thân ở lại Triều Tiên sau khi đất nước bị chia cắt, đã treo lên đây từ bao năm qua.

Tôi cũng viếng thăm cầu Tự Do bắc ngang sông Imjingang nối hai bờ bắc - nam. Tên của cây cầu bắt nguồn từ những tiếng hô “Tự do! Tự do” của những người tù binh được trao trả sau khi Hiệp định ngừng bắn được ký kết vào tháng 7/1953, khi họ đặt những bước chân đầu tiên lên cầu, sau khi trở về từ bên kia chiến tuyến. Phần lớn cây cầu đã bị phá hủy, chỉ còn giữ được một đoạn, được coi là điểm tận cùng của đất nước Hàn Quốc. Một quả chuông Hòa Bình khổng lồ được đúc và treo trong tòa gác gỗ nằm sát biên giới. Mỗi khi tiếng chuông vang lên, người dân hai miền ở cạnh vĩ tuyến 38 đều nghe được tiếng chuông vang vọng. Bên cạnh chuông Hòa Bình là bức tường có gắn 86 viên đá mang về từ 64 quốc gia đã từng hứng chịu nỗi đau chiến tranh. Nơi đó có một viên đá, được đánh số 81, đến từ Việt Nam, đất nước từng chịu nỗi đau bởi chiến tranh và chia cắt nhưng đã giành được độc lập và thống nhất đất nước.

Rời Imjingak, xe đưa chúng tôi đi thăm Đường hầm số 3. Đây là một trong 4 đường hầm bí mật do Triều Tiên cho đào xuyên qua các dải núi nằm trên biên giới giữa hai nước, để tìm cách đưa quân xâm nhập vào Hàn Quốc. Tháng 9/1974, một người lính Triều Tiên tên là Kim Bu-seong đã đào thoát khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc, và cung cấp thông tin về các đường hầm bí mật do Triều Tiên cho đào xuyên qua biên giới. Từ năm 1974 đến năm 2012, Hàn Quốc đã phát hiện 4 đường hầm bí mật, trong đó đường hầm số 3, phát hiện vào tháng 10/1978 là đường hầm quy mô và kiên cố nhất và cũng là đường hầm duy nhất mở cửa để đón khách du lịch đến tham quan. Đường hầm được đào xuyên qua lớp đá hoa cương, nằm cách mặt đất 73m, dài 1.635m, trong đó có 435m nằm ở trên lãnh thổ Hàn Quốc. Miệng của đường hầm số 3 chỉ cách Seoul 44km.

Tôi và những người đồng hành được phát một người một chiếc nón bảo hộ để vào thăm đường hầm trong khoảng một giờ. Lòng đường hầm cao khoảng 1,5 - 1,7m, theo thông tin từ phía Triều Tiên thì có thể cho 30.000 binh sĩ di chuyển trong một giờ, từ phía bắc xâm nhập vào Seoul. Tuy nhiên, âm mưu này của Triều Tiên đã bị bại lộ và đường hầm số 3 trở thành địa điểm du lịch được ưa thích của du khách khi họ đến DMZ. Ngay trước cửa đường hầm này, phía Hàn Quốc cho dựng một tác phẩm điêu khắc mang tên “Một trái đất”, coi đây là biểu tượng thể hiện ý nguyện thống nhất hai miền của người dân Hàn Quốc.

Địa điểm thứ ba trong hành trình du lịch DMZ là Đài quan sát Dora . Tại đây, thông qua một loạt các kính thiên văn nhỏ đặt trên đài quan sát ở trên đỉnh núi, du khách có thể nhìn thấy cảnh quan làng Hòa Bình ở trên lãnh thổ Triều Tiên và tượng đài cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung ở giữa một quảng trường rộng lớn. Bên cạnh Đài quan sát Dora là một khán phòng dùng làm nơi chiếu phim tư liệu về cuộc chiến Triều Tiên 1950 - 1953 và những sự kiện chính về mối quan hệ giữa hai miền từ năm 1953 đến nay. Phía trước khán phòng này, người Hàn Quốc dựng một gác chuông và một biểu trưng ghi dòng chữ “Chấm dứt chia cắt, bắt đầu thống nhất” bằng các thứ tiếng: Hàn, Anh, Trung và Nhật.

Trên hành trình trở về Seoul sau khi tham quan làng Panmunjeom (Bàn Môn Điếm) và Tòa nhà Tự Do, nơi mà du khách có thể tận mắt chứng kiến những người lính Triều Tiên đang đứng gác ở bên kia biên giới, cùng với những hoạt động lực lượng Hàn Quốc tại Khu vực An ninh chung (JSA) do Liên Hiệp Quốc thành lập, đoàn của chúng tôi ghé thăm ga Dorasan (Đô La sơn) - biểu tượng và cũng là hành động đích thực mà phía Hàn Quốc thực hiện nhằm hiện thực hóa khát vọng thống nhất hai miền Triều Tiên.

Đây là nhà ga cuối cùng nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc, nối với ga Panmun của Triều Tiên, thông qua tuyến đường sắt liên Triều. Từ ga Dorasan đến ga Pyeongchang (Bình Nhưỡng) là 205km, đến ga Seoul là 56km. Cuộc chiến Triều Tiên đã phá hủy tuyến đường sắt này cùng với cây cầu nối thông hai miền. Năm 2004 chiếc cầu đường sắt nối hai miền được xây dựng. Năm 2007, ga Dorasan mới được hoàn thành, hiện đại và tiện nghi với hình ảnh mái nhà được thiết kế cách điệu hình hai bàn tay nắm lấy nhau. Cũng trong năm này, chuyến tàu liên vận đầu tiên được khởi hành từ ga Dorasan, tiến về phía bắc, là hình ảnh đẹp cho khát vọng thống nhất đất nước mà người Hàn Quốc bày tỏ với người Triều Tiên. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, do quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng sau khi chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung bị ngưng trệ, ga Dorasan bị đóng cửa, trở thành một địa điểm tham quan trong tour du lịch DMZ.

3. Tháng 2 năm nay, Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông tại thành phố Pyeongchang (Bình Xương) thuộc tỉnh Gangwon. Triều Tiên đã cử đoàn vận động viên và nghệ sĩ sang tham dự Thế vận hội Pyeongchang. Cánh cửa biên giới liên Triều đã mở trở lại và những chuyến tàu nối ga Dorasan (Hàn Quốc) với ga Panmun (Triều Tiên) đã lăn bánh đôi lần. Ước vọng của những người điều hành ga Dorasan và của cô hướng dẫn viên người Hàn Quốc mà tôi đã gặp trong chuyến du lịch DMZ vừa rồi đã trở thành hiện thực. Trong lễ khai mạc, đoàn vận động viên của cả hai miền đã diễu hành chung dưới lá cờ màu xanh in hình bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Bài, ảnh: Nhật Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc đến Huế tham gia phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ

​Ngày 2/4, đoàn chuyên gia thẩm mỹ đến từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc triển khai phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho 14 bệnh nhân tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế. Trước đó, các bác sĩ đã khám, tư vấn miễn phí về thẩm mỹ và hàm mặt cho hơn 40 người có nhu cầu đến từ Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Đăklak, Gia Lai…

Chuyên gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc đến Huế tham gia phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ
Return to top