ClockThứ Sáu, 01/04/2016 09:05

DN mất một nguồn vay vốn rẻ

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện đơn hàng xuất khẩu thường vay đô la Mỹ và bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng sử dụng trong nước cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhằm hưởng lãi suất thấp từ vay ngoại tệ. Tuy nhiên, từ ngày 1/4, việc này sẽ không được phép thực hiện, theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN.


Từ ngày 1/4, DN  không được vay đô la Mỹ rồi chuyển sang VND để hưởng lãi suất thấp. Ảnh minh họa: TL TBKTSG.

Theo quy định trong Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, việc cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/3/2016. Quy định này nhằm mục đích chống đô la hóa, giảm áp lực về ngoại tệ, nhưng dù muốn hay không chi phí lãi vay của doanh nghiệp chắc chắn tăng.

Tuy nhiên, ba đối tượng khác vay ngoại tệ vẫn được thực hiện vay vốn bằng đô la Mỹ bình thường. Thứ nhất là vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai là cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Thứ ba là cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Theo Tổng giám đốc của một công ty may xuất khẩu có trụ sở tại TPHCM, với doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng, lâu nay doanh nghiệp này vẫn vay ngắn hạn đô la Mỹ rồi chuyển thành tiền đồng, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có trả lương cho công nhân.

Vị này cho biết, sau khi tính toán cụ thể, số tiền lãi suất vay mà công ty phải trả thêm khi không được vay với hình thức như trên là 3 tỉ đồng/năm.

Ông này cũng nói thêm, công ty có nguồn thu đô la Mỹ khá lớn từ xuất khẩu hàng may mặc, nên nếu không được vay đô la Mỹ để chuyển đổi sang tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh, công ty sẽ không phải dùng đô la Mỹ để trả khoản vay này. Do đó, công ty sẽ bán khoản đô la Mỹ dư ra và có thể vẫn bù được chênh lệch lãi suất vay giữa tiền đồng và đô la Mỹ nếu tiền đồng tiếp tục được phá giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu tỷ giá USD/VND không tăng cao, doanh nghiệp này sẽ không được lợi, và trước mắt vẫn phải trả thêm số tiền 3 tỉ đồng/năm.

Vị tổng giám đốc này cho rằng, doanh nghiệp vẫn được vay đô la Mỹ với lãi suất thấp để trả tiền nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhưng phải vay tiền đồng với lãi suất cao hơn nếu muốn mua nguyên phụ liệu trong nước. Việc này vô hình trung khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu hơn là mua nguyên phụ liệu trong nước. Hiện công ty này nhập khẩu 50% nguyên phụ liệu và mua trong nước 50% để sản xuất quần áo xuất khẩu.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn khi được hỏi cho biết lâu nay họ không được vay đô la Mỹ để chuyển sang tiền đồng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất như trên, có thể là do họ có quy mô, doanh thu và nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu không lớn. 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến khoảng giữa tháng 3/2016, lãi suất cho vay ngắn hạn ngoại tệ phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền đồng trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, với quy định trong Thông tư 24, khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng tiền đồng, và do lãi suất cho vay bằng tiền đồng cao hơn sẽ dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, mặt bằng lãi suất vay bằng tiền đồng đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất vay giữa hai đồng tiền hiện nay không quá lớn.

Ngoài ra, với quy định mới, nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm và các ngân hàng cũng không cần đẩy mạnh các hoạt động để huy động ngoại tệ.

Ông Hải cho biết thêm, Thông tư 24 nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đô la hóa nền kinh tế. NHNN muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của tiền đồng và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.

Được trích ý kiến trên cổng thông tin của NHNN hôm 31/3, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bùi Quốc Dũng cho rằng doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu không có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán, mà chỉ vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước; mục tiêu là họ muốn hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ.

Trước đây có quy định cho vay ngoại tệ với nhóm doanh nghiệp này là để hỗ trợ cho họ, và NHNN quy định nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ, được hưởng mức lãi suất thấp của khoản vay ngoại tệ, sau đó họ bán lại cho ngân hàng cho vay để lấy tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước.

Tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay, trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi, ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, theo ông Dũng, nhóm đối tượng doanh nghiệp này hiện nay vay ngoại tệ cũng không được lợi như giai đoạn trước, vì muốn hưởng chênh lệch lãi suất thì bản thân chênh lệch lãi suất phải lớn hơn nhiều so với kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá. Nhưng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, cầu về ngoại tệ tăng lên, kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá cũng phải lớn hơn. Do đó cái lợi cho doanh nghiệp hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy nhóm đối tượng vay như thế này hiện còn ít.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm

Ngân hàng Nhà nước vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm
Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 100% thao tác có thể được thực hiện trên kênh số như: thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay,… Việc thực hiện giao dịch trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp.

Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Công điện nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”
Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 22/8, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự “lệch pha” của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp.

Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’
Tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng sau khi Fed tăng lãi suất

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất chính sách lên mức cao nhất trong vòng 22 năm và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục có một đợt tăng lãi suất khác, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 27/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.736 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.

Tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng sau khi Fed tăng lãi suất
Return to top