ClockThứ Bảy, 19/03/2022 06:38

Đó mới là đô thị di sản

TTH - Thông tin UBND tỉnh có ý tưởng thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TP. Hồ Chí Minh di dời biệt thự 26 Lê Lợi - Huế sang khu đất đối diện cạnh bờ sông Hương đang gây sự quan tâm của nhiều người. Không chỉ giới chuyên môn kiến trúc - quy hoạch, giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà, mà rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh cũng đã tỏ ra hồ hởi với tin vui này.

Đầu tư cho văn hóa di sảnDi sản của di sảnTP. Huế nghiên cứu phương án di dời biệt thự ở số 26 Lê Lợi

Trục đường Lê Lợi được quy hoạch dành cho các mục tiêu phát triển du lịch - dịch vụ. Ảnh: TÂM HUỆ

Họ quan tâm bởi đây là một cách ứng xử rất đẹp, với một công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mà suốt bốn năm qua nhiều người lo ngại nó sẽ bị phá bỏ như nhiều công trình tương tự trước đó. Đó cũng là một biểu hiện cụ thể của sự nỗ lực để chứng minh Huế là đô thị di sản.

Theo tin từ UBND tỉnh, việc mời “thần đèn” di dời chỉ là một trong những giải pháp ban đầu được đưa ra mà thôi. Hiện tại, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP. Huế nghiên cứu để chọn phương án di dời ngôi biệt thự này. Đến thời điểm hiện tại cũng chưa chắc chắn việc di dời có thực hiện được hay không, bởi đây là một việc rất khó. Nhưng dù thế nào thì ý tưởng di dời thay vì phá bỏ cũng cho thấy một thái độ ứng xử tích cực với di sản từ chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Bởi vì, giải quyết hài hòa “bảo tồn và phát triển” vẫn là bài toán khó của Huế từ lâu nay. Và câu chuyện nóng hổi của Huế vẫn là chuyện ứng xử với di sản.

Đó cũng là điều đương nhiên của một vùng đất “nhìn xuống là gặp di tích, nhìn lên cũng thấy di sản”. Vì vậy, nếu không xem việc bảo tồn là nền tảng, là động lực để phát triển, thì di sản sẽ trở thành “chướng ngại vật”. Cũng chính điều đó đòi hỏi phải giải bài toán khó một cách chính xác, từ nhận thức về di sản cho đến thái độ ứng xử và hành động bảo tồn di sản. Bởi vì, di sản là những thứ của quý nhưng rất mong manh, chỉ một ứng xử sai là “một đi không trở lại”.

Tòa nhà số 26 Lê Lợi từng là trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế suốt hơn 40 năm

Ngôi biệt thự 26 Lê Lợi ra đời vào khoảng từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, gắn liền với khu phố Tây ở bờ nam sông Hương, mà đường Lê Lợi là điển hình của là kiểu phố phường Âu châu (Quartier Européen). Theo TS. Nguyễn Ngọc Tùng - Trưởng khoa Kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế, ngôi biệt thự này là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc có sự giao thoa với kiến trúc bản địa. Gần ba mươi năm trước (tháng 4/2003), UBND TP. Huế, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức hội nghị chuyên gia “Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế”. Tại hội nghị đó, các chuyên gia đã kiểm kê tài sản kiến trúc đô thị Huế có sáu nhóm. Trong đó, nhóm “kiến trúc thời Pháp thuộc” có vai trò đặc biệt trong quỹ kiến trúc của Huế, góp phần định đoạt diện mạo đô thị Huế, là điểm tựa quy hoạch và thẩm mỹ để Huế lan tỏa về phía nam ở những thời kỳ tiếp theo. GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, khu phố Tây ấy là “quỹ kiến trúc thứ hai của Huế”, đòi hỏi phải có sự cư xử đặc biệt.

Ngôi biệt thự này cũng từng là trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế suốt hơn 40 năm, được gọi là “mái nhà văn nghệ Huế”, lưu dấu ấn của bao lớp văn nghệ sĩ Việt Nam. Phải nhìn thấy đầy đủ những giá trị vật chất, tinh thần của ngôi biệt thự ấy, mới hiểu vì sao nhiều người mong mỏi phải tìm cách để bảo tồn, thay vì phá dỡ - một giải pháp quá ư đơn giản.

Việc các cơ quan hành chính của tỉnh di chuyển để dành khu đất của toàn tuyến đường Lê Lợi cho hoạt động du lịch - dịch vụ là quá đúng với công thức “bảo tồn để phát triển”. Tỉnh cũng đã quy hoạch trục đường Lê Lợi từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền là không gian văn hóa nghệ thuật, thì việc bảo tồn tối đa các giá trị văn hóa - nghệ thuật của khu vực này là việc phải làm. TS Nguyễn Ngọc Tùng cho rằng, trước tình trạng kiến trúc Pháp ở Huế mất đi rất nhiều thì việc bảo tồn các công trình thể loại này là điều cấp bách, giải pháp kỹ thuật đều nằm trong tầm tay của các nhà chuyên môn kiến trúc, xây dựng.

Nếu biệt thự 26 Lê Lợi được bảo tồn bằng một ứng xử đẹp như thế, thì đó sẽ là một tiền lệ tốt cho mọi ứng xử về sau với di sản. Một đô thị di sản không chỉ là có nhiều di sản, mà quan trọng nhất là thái độ ứng xử rất đúng mực kính trọng và trân quý của người dân bản địa với di sản.

Bài: MINH TỰ - Ảnh: HỒNG TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top