ClockThứ Hai, 10/10/2016 08:06

Đô thị bị trì kéo

TTH - Rất nhiều khu quy hoạch dân cư đã được xây dựng, rao bán. Người có nhu cầu thì “không đủ sức” cạnh tranh để mua. Người mua được thì “treo”. Các khu quy hoạch do vậy cứ lổ đổ, “hoang hóa” vô thời hạn. Tốc độ đô thị hóa cũng vì vậy mà bị trì kéo rất sốt ruột.

Tuyến đường Võ Văn Kiệt cơ bản là vắng lặng

Có việc phải về Hương Thủy vào buổi tối, từ nhà, tôi chọn lối Minh Mạng- cầu Lim, sau đó rẽ theo đường Võ Văn Kiệt về Thủy Dương cho gần. Từ đường Minh Mạng rẽ vào Võ Văn Kiệt, con đường tối thui không một bóng đèn đường. Suýt nữa thì tôi lụi phải đàn bò mười mấy con đang nhởn nhơ giữa đường. Người em họ ngồi sau xe lẩm bẩm: Đường thành phố mà răng quá tệ. Điện đóm không, súc vật thì chẳng người chăn dắt, thoải mái như ở giữa đồng cỏ...

Đường Võ Văn Kiệt là tên mới đặt, còn trước, nó được biết với cái tên Thủy Dương-Tự Đức, bởi đường được phóng tuyến xây dựng từ xã (nay là phường) Thủy Dương của Hương Thủy nối lên phía lăng Tự Đức. Bước 1 mới chỉ dừng ngang chỗ giao cắt với đường Minh Mạng (QL 49) ở khu vực cầu Lim. Đây là tuyến đường được quy hoạch hoành tráng vào loại sớm nhất của Huế. Mặt cắt giải tỏa phục vụ cho việc làm đường, dải phân cách, lề, đất phân lô 2 bên lên tới hơn 100m. Theo quy hoạch, các lô đất 2 bên đều là đất xây biệt thự, không được cắt lẻ làm nhà ống, nhà hộp. Tuyến đường được khởi công, dân thành phố khấp khởi mơ về một khu đô thị thoáng đãng, sang trọng, ngăn nắp sẽ thành hình trong thời gian không xa. Vậy nhưng, đã mấy nhiệm kỳ đi qua, con đường đã lún, đã nứt, đã phải sửa đi vá lại nhiều chỗ. Song nhà cửa 2 bên thì hầu như chưa có gì đáng kể. Điện chiếu sáng không. Dải phân cách chủ yếu là cỏ dại (Trách gì lũ bò không đến dạo chơi kiếm ăn hết ngày này qua ngày khác). Hoang vắng thế, nhưng đừng tưởng các lô đất hai bên là vô chủ. Thậm chí, giới địa ốc thạo tin còn kháo nhau nhiều lô còn đã được sang qua bán lại đến mấy chủ rồi.

Đất có chủ nhưng không có nhà (và cũng chưa biết đến bao giờ mới có nhà) không chỉ tồn tại ở tuyến đường Võ Văn Kiệt mà gần như phổ biến ở hầu hết các khu quy hoạch. Không tin, hãy thử đánh xe một vòng mà xem. Họa chăng chỉ có một vài khu có vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố, có thâm niên “lâu đời lâu kiếp”, hoặc diện tích không quá lớn như Kiểm Huệ, Trường Bia, Thủy Trường (Trường An) là đã cơ bản lấp kín. Còn ngoài ra, từ Vỹ Dạ, cho đến An Cựu City, Bàu Vá, Cầu Lim, Thủy Xuân, Hương Sơ... tất cả đều trong tình trạng rất rất nhiều lô “vườn không nhà trống”!

Khu An Cựu City cho đến thời điểm này nhà cửa vẫn vô cùng thưa thớt

Ngoài một số người mua được đất thì hết tiền để có thể làm nhà ngay, thì có một nguyên nhân khiến các khu quy hoạch cứ mãi trong tình trạng “hoang hóa” mà không nói ai cũng biết: Đầu cơ!

Một thời buôn đất là nghề hot. Buôn bán hay gửi ngân hàng gì gì cũng đều không lãi bằng buôn đất. Vậy là rất nhiều người tập trung vào hướng làm ăn này. Sau đó, lại một thời gian bất động sản đóng băng. Người trót vay ngân hàng đi buôn đất lo tranh thủ tìm mối “giải phóng” gấp bởi không chịu nóng nổi lãi suất tiền vay. Người mua lại/hoặc không chịu bán, thì hoặc là trường vốn, hoặc có khi có tiền nhàn rỗi nên nếu được giá thì đẩy, không thì “mệ” cứ êm êm để vậy ngó chơi. Thế là các khu quy hoạch lặng lẽ vẫn hoàn lặng lẽ(!)

Hệ lụy của câu chuyện này là gì? Đó là, người có nhu cầu về chỗ ở thực sự thì không có cơ hội, không đủ sức để kiếm một một mảnh đất tử tế để làm nhà tại những nơi đã được quy hoạch cho khu dân cư. Giá đất thì luôn bị “treo” ở mức ngất ngưởng. Còn đô thị thì bị kìm hãm, mãi vẫn không thể nên tấm nên món như ý đồ đã hoạch định từ đầu. Sự vô lý này có lẽ đã đến lúc cần phải được tính toán để có giải pháp, mở đường cho đô thị phát triển.

Năm ngoái có dịp ghé TP. Hồ Chí Minh thăm một người quen. Lúc đó, vợ chồng anh này đang “nhức đầu” vì một lô đất đã mua được ít năm và đang “găm” ở một khu quy hoạch để... chờ thời. Ai dè thành phố có chủ trương ra hạn định đến giờ ấy, ngày ấy là phải xây nhà. Không xây thì cho phép chủ dự án mua lại lô đất ấy với giá gốc để bán cho những người thực sự có nhu cầu. Những trường hợp như vợ chồng anh không phải là hiếm. Vậy là tất cả cùng cuống cuồng. Hoặc là lo gom tiền để làm nhà (mà làm phải đúng như quy hoạch 2 mê 3 tầng chứ không phải “bươi bươi” cho có lệ để đối phó). Hoặc là lo tìm mối để sang gấp, tất nhiên người mua cũng phải chấp nhận triển khai làm nhà ngay chứ không được phép có thời gian chờ. Cả khu quy hoạch bỗng dưng rộn ràng sôi động cả lên, thợ xây không đủ người mà làm. Phát triển như TP. Hồ Chí Minh mà người ta vẫn sốt ruột, vẫn quyết liệt “dẹp treo” để thành phố có thêm những khu đô thị mới, để người dân có thêm cơ hội tiếp cận những nơi cư trú tử tế. Cách làm ấy, liệu có học tập, áp dụng được cho Huế và những khu quy hoạch cũng đang có nhiều lô treo ở các huyện thị?

Nghe tôi kể chuyện và đặt câu hỏi như trên, một anh bạn đang là cán bộ quản lý trong lĩnh vực xây dựng - đô thị cho hay: “Ở ta cũng có đấy, quy định 36 tháng (3 năm) chủ đất phải triển khai xây dựng.”. Nghe, tôi chưng hửng buột miệng: “Có? Mà răng rứa hè...”. “Nhiều cái khó lắm...”- Anh bạn như lẩm bẩm một mình. Ừ, thì khó. Hãy tạm biết vậy đã.- Tôi tự “an ủi” mình...

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top