ClockThứ Năm, 01/12/2011 10:00

Đô thị & vấn nạn thoát nước

TTH - Hễ cứ vào mùa mưa là hình ảnh ngập nước ở các thành phố, đô thị hiện ra. Đường phố ngập úng do mưa mà cứ ngỡ như lũ lụt tràn vào. Hệ thống thoát nước ở các đô thị của nước ta hình thành từ thời kỳ thuộc địa, bị chiến tranh phá hoại khá nhiều. Sau khi đất nước thống nhất, hệ thống này được khôi phục lại, nhất là gần 2 thập kỷ qua, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Hệ thống thoát nước ở các đô thị được quan tâm đầu tư nhiều hơn với nhiều chương trình, dự án lớn. Tuy nhiên, phải thấy rằng, quá trình đô thị hóa, mật độ cư dân thành thị ngày càng gia tăng, việc xây dựng công sở, nhà ở, nhiều công trình phúc lợi, nhà máy, xí nghiệp nhiều hơn càng làm cho vấn đề thoát nước ở đô thị trở nên bất cập. Bất cập dễ nhận ra là quá trình đô thị hóa nhanh mà công tác thiết kế, quy hoạch, mở rộng hệ thống thoát nước không chạy theo kịp. Thứ hai là phương thức quản lý chưa có sự đổi mới theo tiến tình phát triển ồ ạt đô thị, thị tứ, thị trấn... Một thực tế hiện rõ là nước thoát tập trung toàn đô thị vào một hệ thống, dùng chung đường cống cho cả nước mưa và nước thải. Ở một số khu vực hầu như chưa có hệ thống thoát nước nên nước mưa, nước thải xả thẳng vào ao hồ và kênh mương cạnh đó.

 
Ở Thừa Thiên Huế, đáng chú ý là thành phố Huế, hình như mỗi năm chuyện ngập nước do mưa diễn ra nhiều hơn trên các tuyến phố. Tại những khu quy hoạch mở rộng như Kiểm Huệ, Vỹ Dạ... nhiều tuyến đường chưa mưa đã ngập nước.
Ở kinh thành Huế, ai cũng biết dưới triều nhà Nguyễn, thủy hệ được quản lý và tu bổ thường xuyên. Chính vì vậy, thủy hệ hoạt động khá hoàn hảo, kinh thành Huế rất ít khi bị ngập úng. Phải thừa nhận rằng, hệ thống tiêu thủy dưới thời Nguyễn được quy hoạch rất tốt. Hình ảnh ao hồ trong nội thành, ngoại thành, hệ thống sông ngòi chằng chịt bao gồm cả những con sông tự nhiên được chỉnh trị như sông Như Ý, An Cựu, Phổ Lại, Đại Giang và một số sông đào như Kẻ Vạn, Đông Ba, An Hòa càng thấy rõ tính quy hoạch, chỉnh trị sông hồ phục vụ tiêu thủy hết sức tuyệt vời. Nó không chỉ là thoát nước mà còn tạo cho cảnh quan môi trường nên thơ, hài hòa giữa cuộc sống với thiên nhiên.
Hệ thống tiêu úng này có nơi do không được đầu tư nghiên cứu để khơi thông nên theo thời gian hình như bị tắc nghẽn, nhiều khu vực do việc lấn chiếm xây dựng nhà ở lấp luôn nhiều đường cống thoát nước. Và, một thực tế đáng quan tâm là khi cuộc sống phát triển, nhiều hồ ao trong thành phố bị san lấp để mở rộng khu dân cư. San lấp ao hồ nhưng không có phương án thoát nước đi kèm. Đó là lý do tại sao nhiều tuyến đường xưa nay vốn không hề ngập nước thì nay là “rốn nước” vào mùa mưa.
Thực trạng của tình hình này ngày càng báo động về chuyện ngập úng trong thành phố, chương trình cải thiện môi trường nước thành phố Huế được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Hiện, dự án thoát nước trên địa bàn thành phố Huế đang được thực hiện ở giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng (thông qua nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản). Đây là giai đoạn triển khai các hạng mục như xây dựng 250km cống thoát nước hỗn hợp, 30km cống thu gom nước thải; xây dựng trạm bơm; nạo vét một phần sông An Cựu, Phác Lát, Như Ý... Thực hiện dự án này nhằm tăng cường năng lực và thực hiện thu gom, xử lý nước thải. Sau khi kết thúc giai đoạn I, giai đoạn II của dự án sẽ được triển khai tại khu vực phía Bắc của thành phố. Hoàn chỉnh dự án này mới mong giải quyết được vấn nạn ngập úng phố phường vào mùa mưa.
Xây dựng hệ thống thoát nước là vấn đề quan trọng, tốn kém công của, sức lực, nhưng xây dựng phương thức quản lý hệ thống lại đặt ra cho các nhà quản lý với những thay đổi mới sao cho phù hợp với sự phát triển và duy trì tốt hệ thống thoát nước nội, ngoại thành. Quản lý hệ thống thoát nước đô thị ngày nay có nội dung bao quát từ quy hoạch đến phát triển, đầu tư, thiết kế, xây dựng đến làm sạch đường ống, quét dọn các rãnh nước mưa, nạo vét kênh mương định kỳ và không định kỳ...
Quản lý hệ thống thoát nước ngày nay cần tuyên truyền; quảng bá giá trị của nó cho người dân hiểu, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được trách nhiệm của mình, làm cho cộng đồng nhận thức sâu sắc giá trị của nó gắn bó thiết thực với đời sống của họ. Đó là cải thiện môi trường sống, phòng chống lũ lụt; xây dựng môi trường sống trong lành... để cộng đồng cùng tham gia quản lý.
Đất nước ta đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 theo hướng mở rộng quy mô của nền kinh tế, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, xem xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và các đô thị là một trong ba khâu đột phá. Sự tăng trưởng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước. Do vậy, quản lý nước thải đô thị đang ở vào thời điểm đáng quan tâm khẩn cấp. Không có cách nào khác, chúng ta phải từng bước tiếp cận dần với xu hướng mới trong quản lý nước thải đô thị. Đó là chuyển sang phương thức quản lý cung ứng dịch vụ. Quản lý và phát triển dựa vào sự tiếp cận, tham dự của cộng đồng, người tiêu dùng, người hưởng lợi tham gia chi trả phí dịch vụ.
Muốn chuyển phương thức quản lý từ quản lý tài sản sang cung ứng dịch vụ cần có sự chuẩn bị, tập dượt, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để trong tương lai, vấn đề thoát nước đô thị đáp ứng sự phát triển bền vững của một thành phố văn minh, hiện đại.
 

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top