ClockThứ Bảy, 09/01/2021 06:45

Đô thị vệ tinh: Diện mạo & những phác thảo

TTH - Quyết định 86/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định, phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hạt nhân, đô thị trung tâm là thành phố Huế, đô thị vệ tinh là thành phố mới Chân Mây - Lăng Cô và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Phong Điền.

“Được mùa” thu tiền sử dụng đấtChỉnh trang, khoác “áo mới” cho đô thị Huế

Cầu vượt Thủy Dương góp phần giao thương thuận lợi. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Ngược dòng lịch sử

Thừa Thiên Huế đã trải qua nhiều lần đô thị hóa. Cùng với chợ Đông Ba mới và cầu Trường Tiền được xây dựng, hai bờ sông Hương được nối lại, một đô thị mới là thị xã Huế đã hình thành vào năm 1899. Với khu vực xây dựng mới phần lớn tập trung bên bờ nam sông Hương, một số cơ sở kết cấu của đô thị mới từng bước được hình thành, thị xã Huế cho thấy rõ vai trò là đô thị hạt nhân.

Khi xây dựng, thị xã Huế được đặt trong một không gian đô thị khá rộng lớn. Những công trình quan trọng để phát triển đều mở ra ở khu vực xa trung tâm (nhà máy nước Vạn Niên, sân bay Phú Bài, cảng Thuận An... ). Những nơi đó từng bước hình thành một số thị trấn mới, thúc đẩy quá trình đô thị hoá của vùng đất Thừa Thiên Huế. Một loạt tỉnh lộ nối liền Huế - Tây Thành - Sịa - Phong Lai (Tỉnh lộ 5 cũ), Huế - Long Hồ - Ngọc Hồ (Tỉnh lộ 6 cũ), Huế - A Lưới (Tỉnh lộ 12 cũ), Huế - Chợ Mai - Phú Thứ - Phú Bài, Huế - Thuận An - Tư Hiền, Huế - Phú Mậu - Phú Thanh - Phú Tân... ra đời, là mạch máu nối trung tâm thành phố với các thị trấn, huyện lỵ, các cụm kinh tế - văn hoá và kết nối lại thành một thể thống nhất.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đô thị mới tiếp tục mở hướng phát triển vươn rộng về hướng Phú Bài, Thuận An, Tứ Hạ và tập trung đầu tư cho Chân Mây – Lăng Cô, hình thành một chuỗi các thị trấn, thị tứ ở Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Đa, Sịa... với một hệ thống kết cấu hạ tầng và giao thông đô thị nối các vùng xa về với thành phố Huế và trục Quốc lộ IA.    

Chuyển động đáng ghi nhận

Hơn 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 nêu rõ,  phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hạt nhân, đô thị trung tâm là thành phố Huế, đô thị vệ tinh là thành phố mới Chân Mây - Lăng Cô, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Phong Điền và các thị trấn: Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thanh Hà, Vinh Thanh, Vinh Hưng, A Đớt, Hồng Vân...

QL1A qua trung tâm thị xã Hương Trà được mở rộng. Ảnh: LIÊN MINH

Nhìn lại hành trình 10 năm xây dựng và phát triển, dễ dàng nhận thấy những chuyển động đáng ghi nhận. Tiêu biểu như thị xã Hương Thủy là đô thị vệ tinh phía nam của thành phố Huế. Năm 2020, công nghiệp - xây dựng của Thị xã này có giá trị sản xuất đạt 26.600 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ bình quân hàng năm đạt 19%. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thị xã ước đạt 15.675 tỷ đồng. Trung tâm Y tế thị xã từ hạng 3 lên hạng 2 và trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế.

Cuối năm 2020, dự án mở rộng sân đỗ máy bay Phú Bài được khởi công, giúp tăng công suất sân bay lên 5 triệu khách/năm vào năm 2021. Theo quy hoạch, đến năm 2030 sân bay Phú Bài có công suất 9 triệu hành khách/năm. Sân bay Phú Bài còn được Hãng Hàng không Viettravel Airlines chọn làm sân bay căn cứ. Với sân bay Phú Bài được mở rộng và nâng cấp, thị xã Hương Thủy có điều kiện để phát huy tốt vai trò đô thị vệ tinh của Huế ở cửa ngõ phía nam.

Đặc biệt, sau gần 15 năm thành lập, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút 46 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 80.000 tỷ đồng, trong đó 20 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào năm 2006, được quy hoạch là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô còn được xác định là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng, đồng thời, là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Hướng đi nào?

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ mở rộng địa giới hành chính đô thị Huế, hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực, gồm: thị xã Phong Điền, Thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thuỷ; xây dựng đô thị Chân Mây, phát triển các đô thị nghỉ dưỡng ven biển Điền Lộc, Hải Dương, Thuận An, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh Hiền.

Tại hội thảo khoa học “Thừa Thiên Huế với vai trò thành phố trực thuộc trung ương - cơ hội và thách thức”,  được tổ chức cách đây hơn 10 năm, kiến trúc sư Ngô Trung Hải (Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng) đưa ra mô hình “đô thị đa tâm” với một đô thị hạt nhân và chùm đô thị vệ tinh là xu hướng mới, cho rằng việc mở rộng thủ đô Hà Nội cũng dựa trên xu hướng đó, và đó cũng là mô hình mà thành phố Thừa Thiên Huế hướng tới.

Kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội), một trong những tác giả của đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nêu rõ cụ thể Thừa Thiên Huế với hạt nhân là thành phố Huế, nằm trung điểm trong một mạng lưới các trục phát triển từ đông sang tây, từ nam đến bắc bởi những điểm có thể trở thành đô thị vệ tinh và hệ thống hạ tầng, như cảng biển, sân bay quốc tế, cửa khẩu...

Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế tới năm 2030, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050 xác định không gian đô thị Huế trong tương lai sẽ được mở rộng gấp 5 lần, có đủ địa thế núi, sông, biển, đầm phá... với quy mô khoảng 348 km2.Các đô thị vệ tinh của Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội để làm sao có thể hoạt động độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm.

Sự hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh ở Thừa Thiên Huế được kỳ vọng với nhiều mục tiêu, như tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, giãn dân, liên kết vùng; tạo công cụ quản lý và kiểm soát phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh tại mỗi vùng lãnh thổ gắn với các quy hoạch ngành, lĩnh vực; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực đô thị phù hợp với chương trình phát triển đô thị quốc gia.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo nông thôn mới ở Vinh An

Từ tỷ lệ hộ nghèo gần 18% cách đây hơn 10 năm, đến nay xã ven biển, đầm phá Vinh An (Phú Vang) đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) với tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,8%.

Diện mạo nông thôn mới ở Vinh An
Diện mạo nông thôn mới

Từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng diện mạo nông thôn văn minh, hiện đại... là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Diện mạo nông thôn mới
Phục hồi diện mạo di tích Huế

Với nỗ lực của các cấp chính quyền, Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, sau 30 năm được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, Quần thể di tích cố đô Huế dần phục hồi diện mạo ban đầu, đang trong giai đoạn ổn định, phát triển và phát huy giá trị.

Phục hồi diện mạo di tích Huế
Phong trào thay đổi một diện mạo

Là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Phong trào thay đổi một diện mạo

TIN MỚI

Return to top