ClockThứ Sáu, 17/05/2019 15:27
KỶ NIỆM 129 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2019)

Đoàn kết trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

TTH - Một trong những tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết. Đó chính là quan điểm cốt lõi, xuyên suốt của Bác trong quá trình xây dựng, phát triển Nhà nước Việt Nam. Tư tưởng sáng suốt đó đã được Đảng ta vận dụng thực hiện linh hoạt trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí MinhGiữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: TTXVN

Bài học từ tinh thần đoàn kết

Truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc hun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử được kết tinh sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Một nước nhỏ đã anh dũng đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX, làm nên kỳ tích chói lọi trong lịch sử nhân loại. Nhận thức và đánh giá được sức mạnh của khối đại đoàn kết, Bác Hồ đã chỉ ra những quan điểm cốt lõi có giá trị.

Giáo sư Trần Bạch Đằng khi nghiên cứu về Bác đã cho biết: Trong toàn bộ các bài viết của Bác có 839 bản đề cập về “đoàn kết, thống nhất”, 1.089 lần dùng cụm từ “đoàn kết, đại đoàn kết”. Trong Di chúc trước lúc đi xa, có 20 dòng nói về Đảng, Bác đã 5 lần nhắc đến cụm từ "đoàn kết". Với lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích tối thượng của toàn dân, Bác đã tập hợp được mọi thành phần, mọi lực lượng dưới ngọn cờ đại đoàn kết, giành được những thắng lợi vẻ vang. Như vậy, vấn đề đoàn kết trong tư tưởng của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, trong đó tầm vĩ mô là khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và trong hệ thống chính trị.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Đảng ta đã xây dựng được khối đoàn kết mạnh mẽ, đồng hành với dân tộc trong gần 90 năm qua. Từ những ngày đầu trứng nước của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, với tinh thần đoàn kết hòa giải, Bác Hồ đã kêu gọi, thuyết phục, vận động những nhân sĩ có tinh thần yêu nước tham gia vào bộ máy chính quyền non trẻ. Trong đó có nhiều người đã từng giữ chức vụ cao trong chế độ phong kiến, tham gia các đảng phái không theo xu hướng cộng sản. Chính phủ Lâm thời Việt Nam do Việt Minh làm nòng cốt đã quy tụ một bộ phận tầng lớp tư sản có tinh thần yêu nước tham gia vào bộ máy chính quyền.

Trong kháng chiến chống Pháp, theo lời kêu gọi của Bác, nhiều trí thức tài năng ở nước ngoài đã rời bỏ chốn hoa lệ về nước tham gia kháng chiến ở chiến khu và đã có những đóng góp quan trọng. Trong kháng chiến chống Mỹ, dù gặp biết bao gian khó, thách thức nhưng Nhân dân ở cả hai miền Nam- Bắc đã đoàn kết một lòng, xây dựng và đấu tranh giành thống nhất nước nhà sau hơn 2 thế kỷ bền bỉ đấu tranh.

Đoàn kết để xây dựng đất nước phát triển

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đoàn kết để xây dựng đất nước phát triển vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" lại càng bức thiết hơn bao giờ hết. Các thế lực thù địch và phản động đang tìm cách phá hoại khối đoàn kết toàn dân, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng và quần chúng nhân dân. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì các thế lực thù địch cũng không thể xoay chuyển được xu thế thời đại khi Đảng và Nhân dân ta phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc.

Việt Nam đang thực hiện phương châm "là bạn với tất cả các nước", mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới. Các quốc gia cựu thù địch đều trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nhờ vậy mà nước ta có vị thế và tiếng nói có giá trị trên trường quốc tế.

Sau 44 năm thống nhất đất nước, không vì lẽ gì chúng ta không vượt qua hận thù, mặc cảm, kỳ thị, thiếu niềm tin với những người trong cùng một dân tộc? Sự hòa hợp bắt nguồn từ bỏ qua rào cản thuộc về quá khứ, tôn trọng và chấp nhận những khác biệt đa dạng về tư duy và quan điểm, nhưng mọi cá nhân phải tôn trọng những quan điểm chung của cộng đồng.

Phải biết lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa trên tinh thần cởi mở, bao dung, xóa bỏ mặc cảm. Tôn trọng những tư duy phản biện mới trong tinh thần hợp tác, cùng nhau xây dựng xã hội ngày càng văn minh vì lẽ phải và công bằng xã hội; trên tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại, hội nhập cùng phát triển.

Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là phải từng bước chấn chỉnh và sớm khắc phục tệ nạn tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, mất dân chủ, lấy lại niềm tin của Nhân dân. Có như vậy mới tạo khối thống nhất, đoàn kết đúng nghĩa trong từng cộng đồng và cả dân tộc.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một di sản vô giá mà Bác để lại, gửi gắm những tình cảm và bài học có ý nghĩa lớn lao cho hôm nay và thế hệ con cháu mai sau. Trong đó, đoàn kết có vị trí quan trọng, là lời nhắn nhủ cháy bỏng trong di chúc của Người.

Hình ảnh Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc hát bài “Kết đoàn” là biểu hiện sinh động cho khối đoàn kết trong tư tưởng vĩ đại của Bác. Đoàn kết dân tộc sẽ là bệ phóng vững chắc cho đất nước ngày càng phát triển đi lên.

PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan điểm xấu, độc cũng cần được nhận diện và lên án vì những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch
Điển hình về học và làm theo Bác

Chi hội Nông dân (HND) tổ dân phố (TDP) Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền là một trong những điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các hội viên trong Chi HND TDP Thạch Bình đã từng bước khẳng định mình; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điển hình về học và làm theo Bác
Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời”.

Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Return to top