ClockThứ Ba, 27/03/2018 13:15

Doanh nghiệp đã chú trọng đến người lao động

TTH - Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng, làm tốt công tác chăm lo đời sống cho NLĐ.

Hơn 200 suất quà Tết cho người lao độngCả doanh nghiệp và người lao động đều loTừ 1/1/2018, nhiều chính sách tác động lớn đến người lao động có hiệu lựcĐồng hành cùng người lao động

Giờ tập thể dục vận động tại Công ty CP Dệt may Huế

Giờ giải lao, tại Nhà máy may số 3 tại Công ty cổ phần (CP) Dệt may Huế (ở TX. Hương Thủy)  các công nhân đang tập thể dục theo tiếng nhạc. Đây là chế độ vận động thể dục 2 lần trong mỗi ca làm việc, giúp công nhân nâng cao sức khỏe, hạn chế việc ngồi quá lâu một chỗ.

Chị Hồ Thị Thúy Nga, công nhân Công ty CP Dệt may Huế cho biết, các chế độ đãi ngộ của công ty đối với NLĐ như lương, thưởng, bữa ăn ca đều cao hơn so với mặt bằng chung. Công nhân được công ty quan tâm khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm…

Chị Phan Thị Bảo Trinh là công nhân may của công ty hiện đang mang thai bộc bạch, lao động nữ trong thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ luôn được công ty quan tâm với các chính sách như: được về sớm trước 1 giờ, nghỉ chế độ khám thai định kỳ, phụ cấp nuôi con nhỏ…

Bà Trần Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may Huế cho biết, Ban lãnh đạo công ty luôn xác định NLĐ là tài sản quý giá nhất, chính họ là những người tạo ra hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Vì vậy, quan tâm, chăm sóc NLĐ là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp. Công ty có 4 năm liền (2014 – 2017) nằm trong top 40 bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì NLĐ” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi xướng và phối hợp tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Năm 2016, công ty đạt giải thưởng “Doanh nghiệp vì NLĐ”.

NLĐ tại công ty ngoài được hưởng đầy đủ các chính sách của pháp luật còn được hỗ trợ những quyền lợi riêng, vượt trội hơn so với quy định Nhà nước như: nâng tiền ăn ca lên 18.000 – 20.000đ/bữa, tăng lương hằng năm từ 5-10%, khám sức khỏe định kỳ. Hàng năm, công ty chi trên 5 tỷ đồng để xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động nhằm tạo môi trường làm việc an toàn…

“Trong những năm tới, công ty sẽ tiếp tục nỗ lực giữ vững 9 tiêu chí trên và có mặt trong bảng xếp hạng nhằm tạo môi trường làm việc tốt nhất cho NLĐ, giúp họ an tâm cống hiến cho công ty”, bà Oanh khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng có những chính sách quan tâm đến NLĐ, cải thiện môi trường làm việc và chất lượng cuộc sống, như: Công ty SCAVI, Công ty TNHH MSV, Công ty TNHH HBI, Công ty cổ phần Cấp thoát nước… Trong đó, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (ở Phong Điền) với việc duy trì chế độ làm việc 44giờ/tuần, hỗ trợ tiền lương cho công nhân nữ trong thời kỳ thai sản (nếu phần chi của Bảo hiểm Xã hội thấp hơn mức hiện hưởng của lao động), thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, dã ngoại vào các ngày lễ lớn, xây dựng và tổ chức hoạt động y tế chăm sóc; Công ty TNHH HBI (ở Phú Bài, Hương Thủy) đã chú trọng công tác tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo Luật Công đoàn để lắng nghe phản ánh nguyện vọng, kiến nghị của công nhân lao động về chế độ, chính sách… nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Vinh trao đổi, ngoài Công ty cổ phần Dệt may Huế liên tiếp 4 năm liền nằm trong bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì NLĐ”, thì chưa có thêm doanh nghiệp nào được tham gia xếp hạng. Nguyên nhân do trình độ chuyên môn của NLĐ chưa cao, ít được đào tạo bài bản dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao; nhiều doanh nghiệp có quy mô chưa đủ lớn để đáp ứng các tiêu chí…

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top