ClockThứ Năm, 13/08/2015 15:20

Doanh nghiệp đầu tư và tiểu thương chưa có tiếng nói chung

TTH - Tiểu thương (TT) chợ tạm đầu mối Phú Hậu (TP Huế) cho rằng, có quá nhiều điểm bất hợp lý trong quy chế, chính sách do chủ đầu tư xây dựng chợ đầu mối Phú Hậu (mới) đưa ra. "Nổi cộm" là giá cho thuê mặt bằng quá cao, thời gian thuê quá ngắn và rất nhiều điều không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, buôn bán, ảnh hưởng đến đời sống TT…

Chợ đầu mối Phú Hậu đã xây dựng xong, chuẩn bị đưa vào hoạt động

 Khúc mắc

Ông Trần Hữu Lộc cho biết, sẽ điều chỉnh quy định về giờ mở, đóng cửa chợ phù hợp với điều kiện đặc thù kinh doanh hàng nông sản; quy định rõ hơn trong trường hợp TT nghỉ kinh doanh thời gian ngắn (người thân có thể đứng bán thay) và xem xét lại một số kiến nghị của TT nhưng phải phù hợp quy định của pháp luật.
TT cho biết, không nhận được thông báo về chủ trương di dời của Ban chỉ đạo di chuyển chợ tạm đầu mối Phú Hậu (thành phần gồm UBND TP Huế, trưởng các phòng, ban TP, Công an TP Huế, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an phường Phú Hậu…, do ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Huế là trưởng ban). Theo ông Ngô Anh Tuấn, tuy không có văn bản nhưng Ban chỉ đạo đã giao UBND phường Phú Hậu thông tin đến TT, đồng thời thành viên ban chỉ đạo cũng có mặt trong buổi đối thoại tại trụ sở UBND phường.
Chợ đầu mối Phú Hậu (mới) do Công ty cổ phần Đầu tư Phú Hậu thuê đất của Nhà nước (thời gian 40 năm), làm chủ đầu tư xây dựng. Theo phản ánh của TT, ngày 7/7, UBND phường Phú Hậu, làm “người trung gian” để doanh nghiệp (DN) gặp gỡ, thông báo và đối thoại với TT về việc di dời và những quy chế, chính sách khi đến chợ mới. Cuối tháng 7, hai bên lại có cuộc đối thoại tiếp theo. Tuy nhiên, giữa TT và DN vẫn không có tiếng nói chung.
Theo TT, quy chế chính sách do DN đưa ra có nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, chợ đầu mối kinh doanh mặt hàng nông sản, cần diện tích mặt bằng rộng, thì diện tích lô tại chợ mới quá nhỏ. Các lô lớn nhất diện tích 18,9m2, các lô kế tiếp 12m2 và các lô nhỏ nhất diện tích 6m2. Khác với các mặt hàng mỹ phẩm, gia vị, giày dép…hàng nông sản, rau củ quả, không thể bỏ vào trong bao bì mà phải phơi bày ra. Diện tích lô nhỏ như nêu trên là không thể đáp ứng tính chất đặc thù mặt hàng này. Nếu rau củ bị “chồng chất” sẽ dễ dập nát, đổ bỏ, thua lỗ.
Diện tích lô nhỏ như vậy nhưng giá cho thuê lại quá cao. Giá khởi điểm đấu lô (đối với những vị trí lô phải đấu giá) 18,9m2 là hơn 170 triệu đồng/5 năm; lô 12m2 là 108 triệu đồng/5 năm và lô 6m2 là 54 triệu đồng/5 năm. Đối với những lô nằm trong diện bốc thăm (chỉ có các lô diện tích 12m2 và 6m2), giá thuê cao nhất là 86,4 triệu đồng/5 năm và thấp nhất là 36 triệu đồng/5 năm. TT phải đóng một lần toàn bộ số tiền thuê mặt bằng trong 5 năm, ngay sau khi đấu giá trúng hoặc bốc thăm lô, là rất khó khăn vì TT chợ tạm đầu mối Phú Hậu đa số là hộ nghèo, bán hàng tự sản tự tiêu. Vốn làm ăn của hộ nhiều khoảng 10 triệu đồng, hộ ít khoảng 1 triệu đồng, lãi hàng ngày không là bao. Với giá thuê mặt bằng như nêu trên, cộng với các khoản thuế, phí…, mỗi ngày TT phải trả xấp xỉ 200 nghìn đồng. Đóng tiền thuê mặt bằng một lần cho cả thời gian 5 năm, bắt buộc TT phải đi vay, phải trả thêm khoản tiền lãi. Như vậy nhiều hộ sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ, nợ nần. Mặt khác, trong khi DN thuê đất của Nhà nước thời hạn 40 năm nhưng lại chỉ cho TT thuê mặt bằng trong thời gian 5 năm. Thời gian thuê quá ngắn, là đồng nghĩa với sự bấp bênh, khiến TT bất ổn, không yên tâm làm ăn.
Cần sớm có tiếng nói chung
Theo ông Trần Hữu Lộc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Phú Hậu, giá cho thuê mặt bằng trong 5 năm theo ba mức diện tích lô, là đúng như phản ánh của TT. Chia cụ thể, mức cao nhất chưa đến 94 nghìn đồng/ngày/lô 19,8m2 và thấp nhất chưa đến 20 nghìn đồng/ngày/lô 6m2. Việc xây dựng đơn giá như nêu trên, DN căn cứ vào các thông tư của Bộ Tài chính, nghị định của Chính phủ, quy định của UBND tỉnh và đã được các ngành, cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt. Các khoản thuế, phí điện nước…,TT dùng bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu. Theo ông Đặng Huỳnh Quốc, Chủ tịch UBND phường Phú Hậu và ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban chỉ đạo di chuyển chợ tạm đầu mối Phú Hậu, DN đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
Về diện tích lô, ông Lộc cho rằng, DN đã xây dựng các loại lô có diện tích lớn nhỏ khác nhau, mang tính linh hoạt, áp dụng cho những TT có tên trong danh sách lô chính. TT nào cần thuê lô diện tích rộng thì có thể đấu giá loại lô 19,8 m2. Loại lô 12 hoặc 6m2 là để đáp ứng với những TT vốn ít, buôn bán nhỏ. Những hộ bán hàng tự sản tự tiêu, DN không bán hồ sơ để vào thuê lô (và đơn giá thuê mặt bằng nêu trên cũng không áp dụng cho các hộ này) mà đã bố trí mặt bằng phía ngoài và thu phí căn cứ thông tư của Bộ Tài chính. Trước thắc mắc vì sao thời gian cho thuê mặt bằng ngắn, ông Lộc giải thích, theo quy chế thuê lô, TT thuê 5 năm nhưng nghiễm nhiên là thuê 40 năm. Bởi vì, đến thời điểm đáo hạn, TT có nguyện vọng, DN phải ưu tiên tái ký hợp đồng với giá thuê quy định tại thời điểm đó. Có nghĩa, việc “chia nhỏ” thời gian thuê là để áp dụng phù hợp biến động giá cả theo từng giai đoạn.
Đối với phương án trả tiền thuê mặt bằng, sau lần đối thoại thứ nhất, DN tiếp tục đưa ra phương án thu 5 lần/5 năm. Tuy nhiên, lấy ví dụ đối với lô 19,8m2 giá khởi điểm đấu giá (trả một lần) là 170 triệu đồng, nếu đóng 5 lần trong năm năm, TT phải trả thêm hơn 50 triệu đồng tiền lãi. Ông Đặng Huỳnh Quốc nhận xét, mức lãi suất phải trả khi lựa chọn phương án này là nặng, cần phải cân nhắc, xem xét lại để tạo điều kiện cho TT.
Gần 10 năm qua, tỉnh chưa có kinh phí xây dựng chợ đầu mối, TT phải kinh doanh buôn bán tại chợ tạm. Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Phú Hậu đã đầu tư, xây dựng hoàn thành chợ đầu mối Phú Hậu. Khi chuyển vào kinh doanh tại chợ mới, dĩ nhiên TT cần phải chấp hành, trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh (khoản mà trước đây tại chợ tạm TT không phải trả) và các khoản thuế, phí khác theo quy định. Giá thuê điểm kinh doanh được xây dựng dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng, các văn bản pháp luật hiện hành là đúng. Vậy nhưng, đối với con số cụ thể phải chi trả mỗi ngày (như nêu trên), để có thể cạnh tranh với các chợ khác và siêu thị, có thể vẫn “quá sức” TT. Nên chăng, DN có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Hai bên cần sớm có tiếng nói chung để thực hiện thuận lợi việc di dời chợ, đi vào kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của TT, DN và đóng ngân sách cho Nhà nước.

 

Bài ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

TIN MỚI

Return to top