ClockThứ Sáu, 17/02/2023 14:56

Doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

TTH - Nhằm hạn chế diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu thì giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu. Việt Nam đã có lộ trình thực hiện giảm phát thải để hướng đến phát triển bền vững.

Tăng hiệu quả sản xuất xi-măngGiao thông xanh cho Huế

Công ty sản xuất cát thạch anh Phong Điền đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm khí thải ra môi trường

Trong bối cảnh hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các DN, bởi xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là mối quan tâm hàng đầu hiện nay nên những sản phẩm được đánh giá không đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu của quốc gia nhập khẩu, chưa kể họ sẽ áp một loại thuế lên những mặt hàng này.

Cùng với thế giới, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từng bước thực hiện lộ trình trên, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7/1/2022 đã có quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Đồng thời, có hàng nghìn DN đã được đưa vào danh sách nhằm thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025.

Gần đây, Thừa Thiên Huế có kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030. Tỉnh khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên, vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; phát triển, phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh là đơn vị điển hình hiện đang hoạt động đa ngành nghề, nhưng bắt đầu thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông Trần Đức Tôn, Phó Giám đốc Công ty này chia sẻ, từ nhiều năm nay, công ty đã đặt mục tiêu hướng đến xây dựng lĩnh vực nông nghiệp "xanh, sạch, bền vững". Đơn cử, bên cạnh đầu tư sản xuất hàng trăm ha lúa hữu cơ, năm 2021, công ty đầu tư 60 tỷ đồng lắp đặt, vận hành nhà máy xay xát lúa gạo Green 6 tại huyện Phong Điền, với chuỗi dây chuyền sấy - xay xát - chế biến củi trấu. Đây chuỗi sản xuất khép kín sản xuất gạo sạch với thương hiệu Thiên Phú.

Với mô hình này, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp công ty tiết kiệm nhiều chi phí. Nói đơn giản về củi trấu, thay vì đi mua than đá nhưng khi sử dụng củi trấu sẽ đỡ thải độc và chi phí giảm được ít nhất 50%.

Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) hiện nay không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà luôn quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường. Đầu tiên có thể kể đến là việc công ty đầu tư cải tiến hệ thống tận dụng nguồn nhiệt thải để sấy máy nghiền xi măng thay thế nhiệt từ buồng đốt phụ giảm tiêu hao dầu DO, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải ra môi trường.

Đối với dây chuyền sản xuất clinker, công ty tiếp tục đầu tư bổ sung hệ thống khử NOx theo phương pháp SNCR, góp phần chủ động hơn nữa trong giải pháp xử lý, nâng cao khả năng xử lý giảm hàm lượng NOx phát thải...

Hiện công ty đã, đang nghiên cứu sản xuất các vật liệu kết dính bổ sung để thay thế một phần clinker trong xi măng là giải pháp để giảm phát thải CO2. Loại nguyên liệu sử dụng là mỏ đất sét sẵn có của nhà máy, có thể được nung để tạo ra một vật liệu kết dính bổ sung hiệu quả... Các giải pháp trên đã giúp cho Công ty CP Xi măng Đồng Lâm kinh doanh, sản xuất theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: SONG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top