ClockThứ Năm, 23/02/2012 04:51

Độc đáo bộ sưu tầm nghiên mực cổ

TTH - Càng tìm hiểu càng mê, đó là lý do khiến Lê Thiện Gia bỏ công tìm kiếm các loại nghiên mực cổ suốt 10 năm qua. Hiện, anh đang có trong tay gần 100 hiện vật, trong đó có khoảng 50 nghiên mực quý.

Là một thanh niên trẻ nhưng giới chơi cổ vật ở Huế kiêng nể Lê Thiện Gia bởi những món đồ anh đang sở hữu, trong đó có bộ sưu tập nghiên mực được đánh giá là phong phú nhất nhì Việt Nam. Những chiếc nghiên cổ được anh trưng bày một cách trang trọng ở văn phòng làm việc Công ty Nhà may Chi, nơi anh đang làm giám đốc điều hành. Thiện Gia chia sẻ: “Nghiên mực là một trong văn phòng tứ bảo và là thú chơi rất tao nhã. Nhìn vào hiện vật có thể thấy rõ dấu vết thời gian trên từng thớ đá. Càng gắn bó mình càng say mê, bởi mỗi nghiên mực mang dáng vẻ và “câu chuyện” khác nhau”. Để có được bộ sưu tập nghiên mực tên tuổi như hiện nay, chủ nhân của nó đã dày công tìm kiếm khắp các vùng đất ở Việt Nam. Có món được đổi bằng hiện vật giá trị tương đương; có món phải nhờ đến người thứ ba mới mua được…


Anh Thiện Gia với chiếc nghiên đá làm dang dở

Ở Việt Nam, người ta thường chọn đá ở Thanh Hóa hay Đà Nẵng; còn ở Trung Quốc thì đá vùng Nghi Hưng Cảnh Đức trấn, Đoan Khê, Đường Lăng sẽ làm ra những nghiên mực quý… Hình dáng, hoa văn nghiên mực nói lên được nhiều điều, như: xu hướng mỹ thuật, giai cấp sử dụng, lịch sử một giai đoạn, văn hóa vùng đất… Nghiên mực có nhiều kiểu dáng khác nhau, chỉ người sành chơi mới nhận biết được nhờ vị thủy (điểm đổ nước) và độ lõm của phần dùng để mài mực. Bộ sưu tập độc đáo này có thể chia làm nhiều mảng khác nhau. Nghiên mực phương Tây nặng về tính tiện dụng, trang trí không cầu kỳ; trong khi phương Đông nặng về tính thủ công và thể hiện triết lý đời sống. Nghiên mực của thường dân đơn giản, nghiên mực bậc vua chúa chế tác cầu kỳ về hình dáng cũng như hoạ tiết, hoa văn, thậm chí hộp đựng được sơn son thếp vàng. Phần lớn, các hiện vật anh Thiện Gia có đều được mua ở Huế, có cái mô tuýp trang trí đặc trưng (hình chiếc khánh); cái được sử dụng đến nỗi bề mặt bóng nhẫy, hiện rõ đường vân; có cái được trục vớt dưới sông Hương… 

Chiếc nghiên đời Tống được làm từ đá Đoan Khê

Trong số các nghiên mực, quý nhất là chiếc nghiên đời Tống được làm từ đá Đoan Khê, chất liệu tương tự với chiếc nghiên được vua Tự Đức phong tước Tức Mặc hầu. Đây là chiếc nghiên đầu tiên anh có được nhờ đổi một chiếc chén Tống có tích “Gia Long tẩu quốc”, hiệu đề Trân Ngọc. Chỉ cần hà hơi vào mặt nghiên thì lập tức mực tứa ra từng hạt nhỏ li ti, lấy tay quẹt thì mực bám đen trên đầu ngón tay. Một chiếc nghiên mực khác được anh tìm thấy ở nhà một gia đình vốn trước đây rất giàu có ở phố cổ Thanh Hà. Do không biết công dụng nên người già trong nhà dùng chiếc nghiên như một chiếc đế chưng bát nước trên bàn thờ gia tiên. Mua được chiếc nghiên này ít lâu thì một người bạn làm ở bảo tàng Quế Lâm (Trung Quốc) năn nỉ anh chuyển nhượng lại nhưng không thành. Về sau, người bạn này gửi tặng anh quyển sách giới thiệu các loại nghiên quý của Trung Quốc, trong đó có chiếc nghiên tương tự món cổ vật anh đang có. Chiếc nghiên này có 8 cạnh, thớ đá tựa thớ gỗ trắc, có chạm hình 3 con cá chép và thủy ba. Thành nghiên có ghi: Phổng bát trần nghiên – Đường Lăng nê (Tạm hiểu là: Làm theo nghiên bát trần. Đá từ Đường Lăng). Mặt sau có khắc bài văn: Nhất quy nội hàm bát lăng. Chử trúc đoan thất ráng nhuận. Nhi lý bình thủy viên bích. An túc nghĩ. Càn Long ngự minh. (Tạm hiểu là: Tất cả mọi ý nghĩa đều từ bát lăng này mà ra. Viết làm làm sao cho thật đẹp, thấm sắc đỏ. Như mặt nước lặng yên bình thảng trong miệng giếng. An lành, sung túc mà nghĩ ra. Vua càn long làm ra và cho khắc lên chiếc nghiên này). Theo anh Thiện Gia, chiếc nghiên từ cung đình đời Thanh lại xuất hiện ở Huế có khả năng thông qua hoạt động giao thương ở cảng Thanh Hà xưa kia.
 

Nghiên mực cổ của phương Tây

Một chiếc nghiên có hộp đựng được sơn son thếp vàng

Hễ nghe ai có nghiên mực, anh Thiện Gia đều đến tìm hiểu và mua về. Có món giá trị về kinh tế nhưng có món, sự thành hình và câu chuyện xuất xứ của nó đã mang lại những giá trị tinh thần đặc biệt. Ví như chiếc nghiên tý hon phục vụ cho việc tốc ký; chiếc nghiên đá hình cây sứ bọc lấy vầng trăng của một sư thầy chùa Diệu Đế đang làm dở dang; chiếc nghiên quả đào làm theo lối tư duy phương Tây, chỉ cần ấn nhẹ mặt dưới thì nước tự chảy xuống tựa miệng rồng nhả mực…
 

Chiếc nghiên rồng nhả mực

Bài văn của vua Càn Long phía sau phổng bát trần nghiên

Là dân mỹ thuật nhưng lại mê cổ vật, Thiện Gia tự học chữ Hán và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức văn hóa lịch sử. Có lẽ nhờ vậy mà anh luôn tìm được những món đồ đặc biệt trong bộ sưu tầm nghiên mực cổ. Nhà sưu tầm trẻ tâm sự: “Mỗi chiếc nghiên là một câu chuyện đưa mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì vậy mà có bao nhiêu đối với mình vẫn chưa đủ. Mình có thể “đọc lịch sử” và mở mang tri thức nhờ qua chiếc nghiên nhỏ bé thế này”. Bộ sưu tập nghiên mực quý từng tham gia nhiều cuộc triển lãm ở Hà Nội, Sài Gòn trong các dịp lễ lớn. Và ở đâu, chúng cũng nhận được sự trầm trồ khen ngợi. Nhờ thú chơi của Thiện Gia mà người xem được biết thêm nhiều điều hay từ một vật dụng tưởng chừng chỉ xuất hiện cùng bậc thi nhân mặc khách.
 
Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top