ClockThứ Sáu, 22/08/2014 04:05

Độc đáo, lạ và thời sự

TTH - Hội tụ tinh hoa mỹ thuật của 6 tỉnh Bắc Trung bộ, triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ 19 vừa khai mạc vào ngày 20-8 tại Bảo tàng Văn hóa Huế đã mang đến cho người yêu mỹ thuật cơ hội được thưởng lãm một phòng tranh đồ sộ và sang trọng. Mỗi một tác phẩm đều chất chứa sự mới lạ trong chất liệu, độc đáo trong kỹ thuật biểu hiện và gần gũi trong nội dung thể hiện.

140 tác phẩm được trưng bày đã thể hiện sự phát triển khá đồng đều giữa các loại hình hội họa, đồ họa, điêu khắc cũng như sự sáng tạo, đa dạng trong việc sử dụng chất liệu và ngôn ngữ tạo hình. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Triển lãm này cho thấy sự phát triển của đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc ở khu vực Bắc miền Trung trong việc tìm tòi chất liệu, sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật. Sơn dầu, sơn mài được nhiều họa sĩ thể hiện đa dạng về bút pháp và chủ đề. Một số tác phẩm bằng lụa có chuyển biến về phong cách nghệ thuật. Đặc biệt, các tác giả Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển đổi ngôn ngữ nghệ thuật tạo ra cái nhìn, phong cách mới so với các tác phẩm trước đây thiên về khai thác vốn cổ và còn phảng phất chất mỹ nghệ”. Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, tranh đồ họa với những kỹ thuật mới như in kim loại, in tổng hợp… xuất hiện chưa tương xứng với tiềm năng của các nghệ sĩ đồ họa, nhất là các nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế. Một số tác phẩm điêu khắc vẫn sáng tác theo lối mòn, thiếu ngôn ngữ điêu khắc hiện đại.

Triển lãm thu hút sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật
Các tác phẩm đã khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, con người Bắc miền Trung. Trong đó, nhiều tác phẩm thể hiện đề tài về lực lượng vũ trang cách mạng, công cuộc kháng chiến và khai thác sâu về đề tài biển đảo ở nhiều góc độ khác nhau đã thể hiện sự bám sát tình hình thời sự của đất nước. Điều này còn thể hiện tình yêu biển đảo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Thưởng lãm phòng tranh, họa sĩ Trương Bé nhận xét: “So với nhiều năm trước, triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm nay giữ được nhịp độ, phong cách sáng tác, có những nhân tố mới. Các họa sĩ đã tìm tòi, thể nghiệm các đề tài khác nhau theo phong cách của mình nhưng đều có chiều sâu. Hình thức thể hiện phong phú, hiện thực có, bán trừu tượng, trừu tượng, lập thể đều có và cả video art. Sự đa dạng, phong phú ấy đã tạo khí thế cho triển lãm”.
Trước hết phải kể đến tác phẩm đoạt giải A “Mẹ và Người lính” của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị). Bám sát đời sống thực tiễn của quân và dân ta, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân đã đi sâu vào kỹ thuật biểu hiện của chất liệu sơn mài.
Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân kể, “Mẹ và Người lính” được xây dựng trên cơ sở ký ức của anh về những năm tháng đi bộ đội (năm 1980-1984). Bức ký họa sơ sài nhưng đầy dấu ấn của một người lính đã trải nghiệm, dấn thân mang đến cho anh cảm hứng để xây dựng tác phẩm. Chia sẻ cảm xúc đoạt giải, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân bộc bạch: “Sơn mài đòi hỏi nhiều công phu, tôi đã mất 2 năm để hoàn thành tác phẩm. Giải A là một bất ngờ lớn đối với tôi. Đây là giải thưởng cao nhất của tôi sau 19 lần tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ, là niềm vui với bản thân tôi và cả tỉnh nhà”.
Triển lãm thu hút sự tham gia của 215 họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với 291 tác phẩm được sáng tác từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn 140 tác phẩm của 138 tác giả để trưng bày tại triển lãm.
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, có thể nói “Mẹ và Người lính” là tác phẩm tương đối hoàn mỹ khi đạt đến độ chín, độ sâu của kỹ thuật sơn mài. Phong cách biểu hiện vừa hiện thực vừa có tính biểu hiện đan cài vào nhau tạo cho người xem cảm xúc lạ.
Đoạt giải B, tác phẩm điêu khắc “Sức sống” của tác giả Lê Ngọc Thái (Quảng Bình) là sự tìm tòi, thể nghiệm cái mới. Tác phẩm là biểu hiện ngôn ngữ của điêu khắc bằng gỗ nhưng được cách điệu, kết hợp với hình vẽ trên giấy được cắt dán gần như là chạm trổ. Sự kết hợp giữa tượng và hội họa vào một khối thống nhất tạo thẩm mỹ cho tác phẩm.
Đề cập đến không gian sống, sự hòa nhập, tồn tại gắn bó giữa con người với thiên nhiên, “Ánh sáng – thiên nhiên II” của Phạm Hoàng Anh (Thừa Thiên Huế) thiên về trang trí, nhưng được xử lý kỹ thuật một cách tuyệt vời, chi tiết nhưng lại hòa điệu trong tổng thể. Chất liệu acrylic tạo ra từng lớp không gian nhiều chiều trong tranh, tạo ra chiều sâu của tác phẩm, màu sắc trong trẻo tạo hiệu quả thẩm mỹ mới, lạ trong cách biểu hiện nghệ thuật. Những tầng lớp không gian của chiếc lá tạo cho người xem cảm giác như đang đứng trong khu vườn đầy hoa lá trên thiên đường.
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, với triển lãm này, không thể không nhắc đến dấu ấn, sự bức phá của các họa sĩ trẻ. Họ không lặp lại chính mình, có nhiều bức phá, sáng tạo trong việc tìm tòi chất liệu, thể hiện tác phẩm vượt ra khỏi khuôn khổ, quy luật bình thường của hội họa nhưng vẫn chỉn chu, đẹp và mang cá tính riêng. Đây là những tín hiệu triển vọng của mỹ thuật khu vực trong tương lai.
 
Bài và ảnh: Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

Ngày 15/4, Công ty TNHH Gbike (Viet PM) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện Lễ bàn giao và đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ như ứng dụng công nghệ chia sẻ xe đạp GCOO, sạc điện và bảo trì xe đạp điện.

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long
Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Return to top