ClockChủ Nhật, 23/02/2020 11:00

Độc đáo vùng đá tam cấp

TTH.VN - Trải qua hàng trăm năm từ thuở khai canh lập ấp, cho đến ngày hôm nay những người dân ở làng Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) vẫn giữ được dấu tích vô cùng độc đáo, gắn liền với đời sống của họ, đó chính là những tảng đá lớn với đa dạng hình thù. Vùng này được người dân gọi là vùng đá tam cấp. Một trong nhiều những tảng đá ấy cho đến ngày nay vẫn được dân làng bảo vệ, thờ cúng.

Văn hóa lì xì trước nỗi lo biến tướngLưu dấu tên làngNhìn từ vị trí và hiệu ứng nghệ thuật

Một tảng đá tam cấp vô cùng độc đáo ở Thủy Yên, Lộc Thủy được người dân gìn giữ, bảo vệ

Men theo con đường làng, băng qua những cánh rừng tràm xen lẫn ruộng lúa của vùng quê nằm nhô ra bên chân núi, chúng tôi được người dân dẫn sâu vào nơi còn sót lại dấu tích của vùng đá tam cấp. Tuy không còn nhiều nhưng số ít còn lại đang được người dân khoanh vùng gìn giữ bởi đó được xem như là báu vật, dấu tích từ thuở khai canh của những vị tiền nhân.

Sau hơn 30 phút chạy xe máy dọc theo đường rừng, một vài tảng đá bắt đầu xuất hiện trước mặt. Điểm nhấn được người dân chỉ cho chúng tôi là một tảng đá màu vàng sẫm tối khá lớn, cao hơn một mét, nằm nhô ra giữa khu đất ruộng rộng lớn. Đặc biệt, tảng đá này hình chữ nhật tràn ra ở phía dưới và càng lên cao tạo thành chóp và được chia thành 3 tầng.

Theo dân làng, ngày xưa, không biết từ khi nào đã có rất nhiều tảng đá với rất nhiều hình thế vô cùng đẹp mặt. Tuy nhiên, có giai đoạn việc khai thác đá rầm rộ, nhiều người từ nơi khác tìm đến đây để “săn” những tảng đá lớn để chẻ, vì thế đá vùng này mất dần theo thời gian. Mấy năm sau này, dân làng lên tiếng, bảo vệ nên mới giữ được lại một vài tảng, trong đó có tảng đá 3 tầng độc đáo này.

Anh Nguyễn Trọng, một người dân trong làng cho biết, trước mối nguy đá 3 tầng bị “tận diệt”, người dân đã đưa một bức tượng Phật ra để thờ lên tảng đá. “Từ ngày đưa tượng Phật ra thờ, cũng như người dân thường xuyên ra vào coi ngó nên những người tìm săn đá cũng ngại đến, vì thế mới giữ được những tảng đá quý giá còn lại”, anh Trọng nói.

Những dấu tích còn lưu lại cho đến ngày hôm nay phần nào khẳng định những tảng đá ở đây có điều gì đó đặc biệt

Ông Trần Văn Đặng (67 tuổi, Trưởng làng) hồi tưởng lại, rằng từ khi còn nhỏ đã nghe các vị cao niên kể, vùng này xưa có tên là Thủy An nổi tiếng toàn đá là đá, có những khối đá lớn hàng chục tấn hình tam cấp rất đẹp, tên gọi vùng đá tam cấp ra đời từ khi nào không ai hay.

Cũng chính ngay khu này là nơi mà các vị khai canh đã dựng ấp, tạo làng ngay khi từ miền Bắc vào cách đây hơn 300 năm. Tuy nhiên, vì gần núi nên đêm đêm thú hoang tìm xuống phá hoại, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình cảnh đó, dân làng quyết định dời ra hướng Đông, ngày nay gần quốc lộ 1A.

Dấu tích còn lại của vùng đá này vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Không những thế, dấu tích của làng xưa nằm xen lẫn giữa vùng đá này đến nay vẫn rõ ràng. Ông Đặng dẫn chúng tôi đi thẳng sâu tiếp theo con đường ấy, để tìm lại dấu tích đó là một phần móng của ngôi chùa xưa vẫn còn lộ thiên, và một cái giếng cổ trải qua thời gian bị bóng cây rậm rạp che phủ.

“Ngày nay, cứ mỗi dịp lễ tết, người dân thi thoảng vào đây thắp hương, thờ cúng như để tưởng nhớ về nơi khai hoang lập làng đầu tiên của cha ông ngày xưa”, ông Đặng chia sẻ.

Câu chuyện về vùng đá tam cấp này theo một vài nhà nghiên cứu, có rất nhiều giai thoại. Tuy nhiên, những dấu tích còn lưu lại cho đến ngày hôm nay phần nào khẳng định những tảng đá ở đây có điều gì đó đặc biệt, từ khối lượng cho đến hình hài vô cùng độc đáo và hiếm thấy. Những tảng đá ấy trải qua hàng trăm năm, gắn liền với lịch sử của làng Thủy Yên đã phần nào minh chứng cho một giai đoạn  con người có đời sống gắn liền với đá.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Độc đáo chợ xuân Gia Lạc đầu năm

Chợ xuân Gia Lạc diễn ra vào đúng dịp tết Nguyên đán hằng năm ven bờ sông Hương cạnh phủ Định Viễn ở làng Tây Thượng, phường Phú Thượng (TP. Huế). Đây là chợ duy nhất diễn ra trong ba ngày tết từ mồng 1 đến mồng 3 và là nét đẹp truyền thống, độc đáo của cư dân vùng ven thành phố.

Độc đáo chợ xuân Gia Lạc đầu năm
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Return to top