ClockThứ Năm, 18/08/2011 14:59

Đọc "Gió thổi từ Đông Yên"

TTH - Gió thổi từ Đông Yên (NXB Văn học, 2011) của chị Vạn Lộc được “hình thành dưới những giọt mồ hôi của lao động mưu sinh tần tảo, dưới những nét chữ nguệch ngoạc của bàn tay phải trải qua nhiều nghề và trong những đêm dài của nhớ thương rồi thất vọng…”. Đây là tập thơ thứ năm của chị, cũng là tập thơ chị viết khi “bóng dâu đã xế ngang đầu”. Bởi thế mà Gió thổi từ Đông Yên cô đặc những suy ngẫm và trải nghiệm.
Thời gian trôi như “nước chảy qua cầu”, như “bóng câu qua cửa sổ”. Xưa, Lý Bạch từng suy ngẫm về sự ngắn ngủi của đời người: “Sáng như tơ xanh, chiều tựa tuyết (Tương tiến tửu); với Xuân Diệu thì “xuân đương tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già (Vội vàng)… Chị Vạn Lộc cũng có cách cảm thức riêng của mình về sự trôi chảy của thời gian:
 
Hôm qua lá níu tay cành
Hôm nay lá đã vội đành lìa cây
Đời vui được bấy nhiêu ngày
Biếc xanh mới đó mà nay úa vàng
Tan rồi hợp, hợp rồi tan
Sắc không, không sắc… mang mang nỗi đời
(Lá)
 
Cả tập thơ Gió thổi từ Đông Yên chủ yếu thể hiện cái tâm trạng “mang mang nỗi đời” ấy của chị.
Bởi ý thức đời người là hữu hạn, là có đó rồi không đó… nên chị rất buồn trước nhân tình thế thái, trước thói ghen tị, đua chen, ham hố… của người đời. Bao chuyện tai nghe, mắt thấy đã khiến chị hết sức đau lòng:
 
Con vàng và con vện
Đùa giỡn ở sân sau
Chủ nhà cho chiếc bánh
Chúng gầm gừ cắn nhau.
(Vàng và vện)
 
Càng ý thức về sự ngắn ngủi và sắc sắc không không của đời người chị càng nâng niu, trân trọng tình cảm đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn… Tôi đã nhiều lần ngắm nhìn di ảnh của bố tôi đặt trang nghiêm trên bàn thờ với nỗi ân hận và tiếc thương như chị: 
 
Ngày xưa mong cha đi vắng
Cho mình trốn học đi chơi
Bây giờ nhìn lên di ảnh
Gọi cha về, cha không “ơi”.
(Nhớ cha)
 
Tôi cũng đã từng nghe tiếng gọi “mẹ ơi” hết sức trìu mến, thân thương; hết sức kính cẩn, thiêng liêng của một số người trước khi hấp hối:
 
Ông lão xuôi tay nằm dài trên chõng
Giây phút cuối cùng sắp sửa tàn hơi
Trong phút chốc chợt thấy mình bé bỏng
Ông thều thào cất tiếng gọi: Mẹ ơi!
(Gọi mẹ)
 
Cũng bởi ý thức về sự ngắn ngủi và sắc sắc không không của đời người mà chị rất quý những giây phút vợ chồng hạnh phúc bên nhau:
 
Mới vài hôm cách biệt
Đã da diết nhớ mong
Thao thức – bóng đèn chong
Chạnh thương mình đơn lẻ
Tiếng lòng gọi khe khẽ
Anh ơi! Về với em…
(Phút chạnh lòng)
 
Chị Vạn Lộc có cách nghĩ riêng về hòn Vọng Phu không giống với cách nghĩ xưa nay của người đời:
 
Nàng ơi, hóa đá làm chi?
Thân dù hóa đá người đi chẳng còn
Sao nàng không nghĩ thương con
Trẻ thơ hóa đá mỏi mòn vì đâu.
(Hồn vọng phu)
 
Ý thức về sự ngắn ngủi, sắc sắc không không của đời người, chị Vạn Lộc mong muốn còn một giây phút sống trên cõi đời là còn dâng hiến:
 
Đầu que diêm bật cháy
Đem lửa tặng nhân gian
Thân que tàn vất bỏ
Không một lời kêu than
(Que diêm)
 
Đọc những câu thơ này của chị, tôi chợt nhớ đến những giây phút cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống được bao lâu nữa, nhà thơ vẫn khao khát làm “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời”.
 
Những triết lý, suy ngẫm của chị Vạn Lộc xuất phát từ những sự vật, sự việc bình thường trong cuộc sống như: bộ trà, hạt bụi, con dơi, tấm lịch… Chị thể hiện những suy ngẫm, triết lý của mình một cách giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Đọc thơ chị, tôi có cảm tưởng như đọc thơ ngụ ngôn của La-Phong-Ten. Phần lớn trong Gió thổi từ Đông Yên là thơ bốn câu, thậm chí có bài chỉ có hai câu. Chẳng hạn như:
 
Hoa ơi xin đừng nở vội
Đêm mai người ấy mới về.
(Với hoa)
 
Viết ngắn như thế không dễ dàng chút nào. Phải qua tinh chế, chắt lọc công phu mới có được những viên thuốc quý. 
Làm thơ ai cũng muốn có bạn tri kỷ. Khi được tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến than thở: Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa (Khóc Dương Khuê). Chị Vạn Lộc cũng biết là rất khó tìm được người tri kỷ trên cõi đời này. Trong Lời thưa (mở đầu tập thơ Gió thổi từ Đông Yên), chị viết: “Tập thơ này có duyên đến tay các bạn không phải như một người tri kỷ, mà có lẽ chỉ như một người bạn quá giang trên một chuyến đò mà thôi”. Chị cũng như hoa quỳnh:
 
Nở giữa đêm khuya khoắt
Chờ một người tri âm
(Hoa quỳnh)
 
Tôi tự biết mình chỉ là “người bạn quá giang”, không phải là tri kỷ của chị. Nhưng tôi cũng xin mạo muội viết một đôi dòng cảm nhận về tập thơ Gió thổi từ Đông Yên. Và tôi cũng ước mong những dòng tôi viết về tập thơ này như “hòn đá rơi xuống mặt hồ” trong thơ chị:
Hòn đá xao động mặt nước
Trước khi chìm xuống đáy hồ
Làm sao được như hòn đá
Trước khi chìm vào hư vô?
 
Mai Văn Hoan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top