ClockThứ Tư, 05/04/2017 14:44

Đọc lại “Thư vào Nam” nhớ đồng chí Lê Duẩn

TTH - Đọc “Thư vào Nam”, chúng ta thấy rõ thêm phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo, giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, thấy sự phát triển lý luận trên cơ sở nắm bắt nhanh nhạy tình hình thực tiễn qua quá trình chỉ đạo các chiến trường của đồng chí Lê Duẩn.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV (1976). Ảnh tư liệu.

Mười năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta mới được đọc “Thư vào Nam” của đồng chí Lê Duẩn[1], tập hợp thư và một số bức điện của đồng chí Lê Duẩn gửi các đồng chí lãnh đạo các chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lá thư đầu tiên ghi ngày 7/2/1961, Gửi anh Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh) và các đồng chí Nam bộ, bức điện cuối cùng được gửi đi ngay sau khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975.

Lăn lộn trong phong trào, bám sát cuộc đấu tranh từ miền bưng biền đến trung tâm đô thị, với kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn đấu tranh của một cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam (8/1956) với những ý kiến “nóng hổi hơi thở chiến trường”, giúp Trung ương Đảng đánh giá chính xác tình hình cuộc đấu tranh ở miền Nam và tâm nguyện của quần chúng. Bản Đề cương đã trực tiếp đóng góp cho sự ra đời của Nghị quyết 15 lịch sử (1959) thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam phát triển sang một giai đoạn mới, sục sôi bằng phong trào Đồng khởi lan rộng trong những năm 1959 - 1960.

Khi Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, đưa quân trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, dựa trên sự phân tích toàn diện và đúng đắn những điểm yếu, điểm mạnh, những âm m­ưu và khả năng, những ý đồ và thủ đoạn của đối phương, đồng chí Lê Duẩn kết luận một cách bình tĩnh và tự tin rằng: Quân viễn chinh Mỹ không mạnh như­ ng­ười ta t­ưởng, Nhân dân Việt Nam có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Ý chí đó, quyết tâm đó đã vư­ợt qua tâm lý lo sợ, v­ượt qua những “lời khuyên” rằng con đường đánh Mỹ là phiêu lưu mạo hiểm.

Những cuộc tiến công chiến l­ược trên chiến trường của quân và dân ta đều gắn liền với sự nhạy bén, sắc sảo trong chỉ đạo chiến l­ược của Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn - từ lựa chọn thời điểm tiến công, hướng tiến công chủ yếu, cách thức tổ chức tiến công, từ những nhận định chính xác về tình thế và so sánh lực lượng “để đề ra phương hướng và nhiệm vụ chiến lược nhằm làm thất bại mục đích chính trị của Mỹ và đánh thắng lực lượng quân sự của chúng”; “tiếp tục tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy... đồng thời phải đánh bại quân Mỹ, bẻ gãy lực lượng nòng cốt của chiến tranh xâm lược.”[2].

Trên từng chiến trường cụ thể, với những nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu xác định rõ những đối tượng tác chiến cụ thể và nhiệm vụ, khả năng của các chiến trường, thậm chí “đi vào từng chiến trường nhỏ hơn nữa, cũng như đi vào từng trận chiến đấu” chúng ta phải căn cứ vào tình hình cụ thể “mà đề ra loại quân nào là đối tượng tác chiến cụ thể và định cách đánh của ta”[3]. Tích cực thực hiện chủ trương đó, quân dân miền Nam đã đánh thắng địch trên cả ba mặt: tiêu diệt lực lượng quân sự, làm thất bại chiến lược quân sự và làm thất bại mục đích chính trị của chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Bài học xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn để hoạch định đường lối cũng là bài học được rút ra và trở thành kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng từ giai đoạn trước và cả trong những giai đoạn sau. Khi chúng ta bám sát thực tiễn đấu tranh để đề ra những quyết sách kịp thời, không rập khuôn, thụ động, giáo điều thì cách mạng tiến lên, đạt những thắng lợi. Ngược lại, khi thụ động sao chép kinh nghiệm thì những hậu quả để lại thật khôn lường.

Một sáng tạo độc đáo trong quá trình chỉ đạo chiến tranh cách mạng của đồng chí Lê Duẩn là quan điểm tổng hợp. Quan điểm này đã đư­ợc vận dụng nhuần nhuyễn trên chiến trư­ờng miền Nam với một chiến lư­ợc tổng hợp, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng; đánh địch trên cả ba vùng chiến l­ược, với ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy: thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; “phải căng địch ra bằng phong trào chiến tranh du kích thật mạnh và rộng khắp, đồng thời tập trung bộ đội chủ lực chuẩn bị đủ lực lượng dự bị chiến lược, mở những chiến dịch tiến công đánh những đòn tiêu diệt lớn ở những chiến trường có lựa chọn và được chuẩn bị tốt, những đòn có ý nghĩa quyết định ở những thời điểm quyết định...”[4].

Qua những bức Thư vào Nam, có thể thấy đồng chí Lê Duẩn là ng­ười rất nhạy bén trong việc phát hiện, nắm bắt những thời cơ, tạo những bất ngờ. Đồng chí thường phát hiện những cái mới, thấy tr­ước và đề xuất với tập thể những xu thế phát triển của tình hình, dự kiến những chủ trư­ơng thích hợp để có thể chủ động ứng phó với tình hình có thể xảy ra. Đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị đã dự kiến đúng khả năng Mỹ đưa quân vào miền Nam, chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Tháng 11/1965, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Khả năng kiềm chế địch và thắng địch ở miền Nam là hiện thực”. Nhận định quan trọng này là cơ sở để đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị hạ quyết tâm và quyết định phương hướng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi từng bước: Đánh thắng các cuộc hành quân “tìm - diệt” của quân Mỹ, đẩy quân Mỹ vào thế sa lầy trên chiến trường; bất ngờ mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm, đẩy quân Mỹ phải rút hết về nước; đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ...

Thắng lợi trọn vẹn của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là đỉnh cao thành công nổi bật về nghệ thuật nắm thời cơ, từ thời cơ này tiến lên tạo ra và nắm lấy thời cơ tiếp theo, liên tục, kiên quyết với khẩu hiệu Thần tốc, táo bạo, bất ngờ để tạo ra và giành lấy thời cơ cuối cùng kết thúc chiến tranh một cách kịp thời, trọn vẹn và có lợi nhất.   

   Ngữ Thiên


 

 

[1]Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985

[2]Thư vào Nam - Sđd, tr 105

[3]Thư vào Nam - Sđd, tr 107

[4]Thư vào Nam - Sđd, tr 57

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thí điểm xã hội hóa các điểm quảng cáo

Ngày 14/12, sau khi đã trực tiếp khảo sát các điểm lắp đặt bảng quảng cáo trên địa bàn TP. Huế và một số vùng lân cận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thí điểm xã hội hóa các điểm quảng cáo tại một số vị trí.

Thí điểm xã hội hóa các điểm quảng cáo

TIN MỚI

Return to top