ClockThứ Năm, 17/01/2013 05:35

Đọc thơ Đỗ Văn Khoái

TTH - (Tập thơ Cho những gì còn lại của Đỗ Văn Khoái)

Đến Huế, thấy mấy tập thơ dày với tiêu đề: “1000 nhà thơ Huế”, thì giật mình. Không ngờ Huế có nhiều nhà thơ đến thế. Quả nhiên làm thơ không khó. Có vần là có thơ. Nhưng để có một bài thơ hay thì rất khó. Tôi rất thích câu này của Nguyễn Hữu Quý: “Thơ là phiên bản của tâm hồn”. Đúng là nghệ sĩ phải từ trong máu thịt. Đỗ Văn Khoái đầy chất nghệ sĩ từ trong máu mình. Không dễ gì bật ra được câu thơ này:

“Vay em một lúm đồng tiền

Đem về mua lấy một miền cỏ hoa”

(Lục bát rời)

“Lúm đồng tiền” trong mắt Đỗ Văn Khoái đã có cái nhìn đầy thi vị. Đã vậy lại còn “vay” nữa chứ. Giản dị mà thành thơ ngay. Không nghệ sĩ không thể có được cái cảm ấy.

Đọc câu này của Đỗ Văn Khoái, tôi chợt nhớ tới một câu của người bạn tôi, cũng giản dị như thế:

“Người ta vá víu bằng kim

Còn tôi vá rách trái tim bằng tình”

Chữ “vá” dân giã biết bao, thế mà thành thơ mới lạ.

Ảnh bìa: ĐVK

Tôi đọc thơ không bao giờ dám đọc nhanh, mà đọc nhấm nháp để cảm hết cái chất thơ của bạn. Nhiều khi đọc lướt bỏ đi những nốt câu thơ hay. Ví như câu này của Khoái:

“Tôi xin làm sợi chỉ mành

Treo trăng ở cuối cửa thành đợi em”

(Một cõi trăng nghiêng)

Chữ “xin” đáng yêu biết bao. Đúng với chất hiền từ, dịu dàng của Khoái.

Đọc thơ Đỗ Văn Khoái, thấy cả cuộc đời anh tan hòa vào thiên nhiên. Cho nên anh lấy thiên nhiên để chuyển tải cái tình của mình. Đó là một cách “cong” trong thơ dễ đến với bạn đọc mà không lộ:

“Ta chấm bút vào hoàng hôn thẫm đặc

Viết cho em muôn vạn cánh sao trời”

Rồi:

“Ta xé toạc những ban mai trời có

Gửi cho em làm giấy viết thơ tình”

(Còn có bên đời)

Dẫu không lộ cũng đủ thấy Đỗ Văn Khoái rất đa tình. Đúng như Nguyễn Hữu Quý đã nói “thơ là phiên bản của cuộc đời”; đọc thơ là thấy người ngay. Quả là Đỗ Văn Khoái đã tan vào trời đất. Nếu không làm sao có câu thơ này:

Ai đã nhốt những mùa trăng mong chờ sau cánh cửa”

(Mái hiên quen)

Khoái đã dùng chữ “nhốt” rất đa tình. Không phải là ghen thì còn gì nữa. Với cái “mùa trăng” của anh đang có khoảng cách mà anh không với tay tới. Ta có cảm giác nhà thơ đang lững lờ trước cánh cửa bị khóa chặt. Không ghen không hờn giận thì còn gì nữa. Tôi tìm mãi người nhốt trăng kia mà chưa biết ai.

Chính vì thế mà nỗi nhớ của Đỗ Văn Khoái chẳng lúc nào được bình yên.

“Tựa bao nỗi nhớ bềnh bồng

Cứ đeo ta mãi tận cũng tháng năm”

(Tựa lưng nỗi nhớ)

Đỗ Văn Khoái đa tình thật. Người ta chỉ có một nỗi nhớ, còn Khoái thì có “bao” nỗi nhớ. Hình như nụ cười nào cũng làm anh động lòng.

“Em giấu gì sau nụ cười

Mà sao cứ mỉm… cho đời ta đau”

(Lục bát rời)

Nhà thơ thường rất dễ rung động cho nên cái “tôi” trong nhà thơ rất dễ biến thành cái “ta” chung để người đọc rất dễ cùng rung động với nhà thơ, cho rằng nhà thơ đang viết về chính mình. Sống cùng bạn bè, Đỗ Văn Khoái có cùng tâm trạng với bạn mình, cũng chính vì thế thơ anh nói giúp cho bạn bè:

“Hôn em một nụ hôn liều

Để rồi nhận biết bao chiều đau thương”

(Môi khô từ độ)

Thơ làm mà được bạn đọc chấp nhận đó là một kỳ công, và đó mới thật sự là nhà thơ. Đỗ Văn Khoái đã có nhiều câu thơ đạt được lòng mong mỏi ấy. Khoái viết về nỗi đau:

“Biển như gã thất tình

Gào trong đêm giận dữ”

(Đêm trên biển)

Nhà thơ đã cảm được thiên niên nên mới có rung động mang tính đồng điệu ấy.

Phải nói rằng, Đỗ Văn Khoái đã miêu tả thiên nhiên bằng chính tâm trạng mình cho nên rất dễ rung động bạn đọc

Tập thơ “Cho những gì còn lại”, gọi đúng tên của nó là tập thơ tình của Đỗ Văn Khoái. Anh rất nhạy cảm và có tài làm thơ, nên mỗi rung động là có thơ ngay. Tình yêu luôn vương vương trong tâm hồn vậy:

“Cổng đã khép với ơ hờ sương khói

Còn ai chờ lầm lụi cuối đường mưa”

(Vườn cũ)

Tình yêu Đỗ Văn Khoái luôn tan vào thiên nhiên với như tứ thơ bất ngờ đến thảng thốt:

“Tháng năm – Đêm em nằm như dòng sông

Và vầng trăng là chiếc quạt

Như bức tranh gam xanh mùa hạ nồng nàn

Ta muốn nối tay về trong nhịp võng

Nhưng sợ trời thả rớt những cơn giông”

(Tháng năm – em và nỗi nhớ)

 
Nguyễn Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top