ClockThứ Sáu, 02/10/2015 07:05

Đời chuối

TTH - Cách đây đã lâu, trong giờ văn, thầy giáo hỏi cả lớp, rằng nếu được chọn, các em chọn cây gì làm biểu tượng cho văn hóa Việt. Gần cả lớp chọn cây tre và lúa. Nhưng riêng thầy, thầy bảo cây chuối là loài cây gắn bó với người nông dân Việt, được đong đếm bằng sự tận hiến cả đời cây.

Với người nông dân nghèo nào, sự khởi nghiệp của họ có lẽ đều có dăm ba bụi chuối cắm sau hè. Bởi cây chuối dễ tính, hiền lành, đặt đâu cũng sống được, sinh sôi nảy nở. Mẹ đi chợ, không thể thiếu tấm lá chuối lót rổ. Mớ rau vườn buổi sáng tưới thêm gáo nước, đậy đằn đọt lá chuối càng thêm mơn mởn, tươi xanh. Lá chuối cũng làm nên hương vị đặc trưng của bao nhiêu món bánh. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm thoang thoảng của món bánh sắn thời bao cấp. Sau giải phóng miền Nam, tiêu chuẩn cán bộ xã của ba có mấy chục ký bo bo và một bao sắn cục, mẹ phải bỏ vào cối, giã mịn mới dùng được. Bột sắn đem nhồi làm bánh, kèm thêm ít nhân mè hay đậu. Không biết do đói ăn, do mẹ khéo làm hay bởi mùi thơm nhè nhẹ của lá chuối mà món bánh ấy đã át đi cái nồng và ớn của sắn. Sau này khá hơn thì có món cơm đùm lá chuối. Cơm vừa chín tới, mẹ ra vườn chặt tàu lá, hơ qua trên ngọn lửa to rồi xới cơm đặt vào, nén chặt. Ba và các anh thường mang cơm đùm lá chuối ra đồng. Trưa, gói cơm được xắn ta, chấm với muối, nhai kỹ nghe ngọt và thơm như sữa mẹ.

Thích nhất là khi chuối đơm bông. Nhìn thân cây no tròn, bầu bĩnh, cứ mường tượng sự đơm hoa, kết trái của chuối như người phụ nữ khai hoa, nở nhụy. Cho đến khi buồng chuối dài phết đất, nặng trĩu qủa thì chuối hình như cũng đã còng xuống như lưng mẹ khi về già.

Sau này ngẫm ngợi, càng thấm thía hai chữ tận hiến mà người thầy giáo dạy văn đã ví von. Cho đến khi đã vắt kiệt mình cho những buồng chuối thơm tho, bổ dưỡng, người nông dân vẫn có thể dùng thân chuối làm thức ăn cho lợn. Và hơn thế, với những người đã sống sót sau nạn đói năm 1945 như thầy giáo của tôi, trong ký ức họ còn có những bữa ăn gốc chuối cầm hơi…

Và một lẽ nữa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao người Việt lại chọn nải chuối làm vật tế lễ trang trạng trong những dịp đại sự như kỵ giỗ, tang chay, lễ, tết. Có những dịp như ngày tết cổ truyền, đôi khi một nải chuối ưng ý đặt lên bàn thờ có giá cả mấy trăm ngàn đồng mà người nghèo cũng cố bấm bụng mua bằng được.

Quả là có một truyền thống văn hóa chuối của người Việt. Nó sinh ra, lớn lên và theo con người lâu bền, cho đến khi đã sang một thế giới khác…

Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top