ClockThứ Hai, 06/01/2020 06:30

Dồi dào hàng tết

TTH - Tại các chợ truyền thống, điểm bán lẻ, siêu thị..., hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán bắt đầu nhộn nhịp. Đến thời điểm này, giá cả không có sự biến động, ngoại trừ một vài mặt hàng tươi sống.

Chen chân sắm tết trong siêu thịNông sản cho ngày Tết

Hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tết rất phong phú, giá cả ổn định

Đảm bảo nguồn cung

Dạo quanh một vòng các chợ lớn của TP. Huế như Đông Ba, Tây Lộc, An Cựu, Bến Ngự..., không khí mua sắm tết bắt đầu náo nhiệt. Các mặt hàng mứt, bánh kẹo, áo quần, giày dép, đồ nội thất, vật dụng trang trí gia đình... được tung ra thị trường với số lượng tăng, mẫu mã phong phú, đa dạng hơn.

Bà Lê Thị Mai, chủ cửa hàng tạp hoá trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế cho biết, ngoài lượng hàng và nhóm hàng kinh doanh thường ngày, cơ sở nhập thêm những mặt hàng như các loại hạt, mứt, bánh, bia rượu, nước giải khát phục vụ nhu cầu mua sắm tết của khách hàng.

Được biết, ngay từ giữa tháng 12/2019, các doanh nghiệp, các chợ, các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn xây dựng kế hoạch tăng cường dự trữ hàng hóa, tích cực tìm kiếm thêm nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo ông Phạm Văn Trai, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại- Sở Công thương, qua kiểm tra thực tế, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết có sự chuẩn bị hàng hóa phong phú, đa dạng; số lượng bảo đảm đáp ứng nhu cầu. Ước tổng giá trị dự trữ khoảng gần 1.720 tỷ đồng. Trong đó, dự trữ tại một số doanh nghiệp lớn khoảng trên 1.245 tỷ đồng; các chợ trung tâm, chợ đầu mối khoảng 174 tỷ đồng và nguồn dự trữ khác khoảng trên 300 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn có sự chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng có nhu cầu cao trong dịp tết như: Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam 724 tỷ đồng; Siêu thị Big C Huế dự trữ trên 115 tỷ đồng, tăng 20-25%; Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh dự trữ trên 33 tỷ đồng, tăng 20%; Siêu thị CoopMart Huế dự trữ trên 49 tỷ đồng, tăng 10%; Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ tổng hợp Hoàng Đạt dự trữ trên 30 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước; Siêu thị VinMart dự trữ khoảng 9 tỷ đồng.

Các mặt hàng tươi sống, thực phẩm khá dồi dào trên thị trường

Ổn định giá

Thời gian gần đây, xuất hiện thêm nhiều cửa hàng tiện ích, cơ sở bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, nên tình trạng "chia khách" ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động mua bán ở các chợ truyền thống.

Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và nắm bắt tâm lý tập trung thu nhập tích lũy trong năm vào việc chi tiêu mua sắm hàng tết của người dân, các hộ kinh doanh tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn cũng đã chủ động dự trữ, cung ứng nhiều mặt hàng phong phú, giá cả cạnh tranh, được bán đúng giá niêm yết, không xảy ra tình trạng sốt giá, đội giá. Trong đó, tiểu thương một số chợ lớn đã tập trung hàng hóa với nguồn vốn lớn, như chợ đầu mối Phú Hậu gần 140 tỷ đồng, chợ Đông Ba trên 22 tỷ đồng, chợ An Cựu trên 6 tỷ đồng, chợ Tây Lộc trên 5 tỷ đồng…

Ngoài bán hàng cố định, một số doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng bình ổn thị trường kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” cũng là nơi cung cấp những mặt hàng thiết yếu, sản phẩm nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Mối bận tâm của người dân hiện nay là giá thịt lợn tăng quá cao, đang ở mức trên 160 nghìn đồng/kg. Trong khi, sản lượng đàn lợn tại địa phương dự báo chỉ đủ cung ứng 50-60% nhu cầu tiêu thụ. Do đó, khả năng mức giá trên sẽ tiếp tục tăng trong những ngày cận tết và sau tết sẽ xảy ra. Trước tình hình này, Sở Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch nhằm đa dạng nguồn cung thịt lợn.

Hiện một số siêu thị lớn như CoopMart Huế, VinMart… đang cung ứng mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ châu Âu. Nhờ đó, có thời điểm giá thịt lợn ngoài thị trường tăng lên 180-190 nghìn đồng/kg và còn hụt hàng, nhưng hiện đã giảm xuống trên dưới 160 nghìn đồng/kg. Việc nhập khẩu thịt đông lạnh không chỉ giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, cân đối giá cả mà còn góp phần cung cấp đảm bảo nguồn thịt cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức mua tăng, giá cả không biến động mạnh

Hiện, các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại, phục vụ người tiêu dùng cùng dự báo giá cả không có biến động lớn trong những ngày tiếp theo

Sức mua tăng, giá cả không biến động mạnh
Tiếp tục thúc đẩy đầu ra cho cam Nam Đông

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Nam Đông và các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2023 diễn ra trưa 8/10 tại huyện Nam Đông, thu hút 7 hộ trồng cam VietGap, 2 siêu thị Go! Huế và Coopmart Huế, 20 doanh nghiệp cùng một số tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu tham dự.

Tiếp tục thúc đẩy đầu ra cho cam Nam Đông

TIN MỚI

Return to top