ClockThứ Năm, 24/10/2013 04:01

Đôi khi chỉ chọn "một trong hai"

TTH - Bắt đầu từ vụ lúa đông xuân 2012-2013, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh đưa vào sản xuất thử nghiệm giống lúa Hương Cốm 4 (HC4). Đây là giống lúa thơm thuần do PGS-TS Nguyễn Thị Trâm và các cộng sự Viện Nghiên cứu lúa, Đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn lọc cá thể phân ly từ quần thể giống lúa nhập nội.

Đưa Hương Cốm 4 vào sản xuất thử nghiệm tiến đến đại trà là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy trồng lúa, hướng đến việc sản xuất lúa không chỉ để đáp ứng yêu cầu lương thực tại chỗ hay thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu. Với trên 50 nghìn ha gieo cấy lúa hằng năm, cơ cấu giống lúa ở Thừa Thiên Huế lâu nay xoay quanh trục giống Khang Dân và các giống TH5, NN4B, 13/2, Xi23, X21... có năng suất và sản lượng cao là điều không còn bàn cãi, song yêu cầu về chất lượng thơm ngon lại là câu chuyện khác, chưa vươn tới được.

Trở lại với giống lúa Hương Cốm 4. Điều người ta băn khoăn là, bên cạnh có khả năng phù hợp trên nhiều chân đất hay điều kiện khí hậu khác nhau, Hương Cốm 4 còn có nhuợc điểm, như khả năng nhiễm bệnh đạo ôn nặng hơn so với các giống đang sản xuất đại trà, thân lúa nhỏ, mảnh và yếu nên dễ đổ khi thời tiết bất lợi. Năng suất Hương Cốm 4 cũng khó có thể cao hơn Khang Dân hay một số giống lúa gieo cấy phổ biến hiện nay ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, khi gieo trồng thử nghiệm thì đây là giống lúa có ưu điểm nổi trội với chất lượng thơm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Câu chuyện gieo trồng thử nghiệm giống lúa Hương Cốm 4 suy cho cùng là sự trăn trở đi tìm lời giải mới cho bài toán kinh tế về sản xuất lúa khi mà vấn đề đặt ra là giá trị lợi nhuận thu lại. Dù được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn thường thấp hơn gạo cùng loại trên thị trường thế giới. Một trong những nguyên nhân là chất lượng. Còn trong thực tế, một thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 4,58 triệu tấn gạo với trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 2,005 tỷ USD, trong khi đó Thái Lan chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn nhưng thu về được 2,8 tỷ USD, bình quân giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cao hơn 1,5 lần so với giá gạo của Việt Nam.

Có được giống lúa có thể thỏa mãn yêu cầu cả về năng suất- sản lượng lẫn tiêu chuẩn chất lượng cao là điều lý tưởng. Tuy nhiên đôi khi, như trong trường hợp giống lúa Hương Cốm 4 ở Thừa Thiên Huế, có thể chỉ là sự lựa chọn “một trong hai”, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của đất nước và của cả địa phương, đang trong quá trình xây dựng và hình thành nền sản xuất lúa hàng hóa hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Đó cũng là sự lựa chọn cần thiết.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top