ClockThứ Tư, 06/08/2014 04:09

Đổi mới để tăng sức hấp dẫn

TTH - Để hệ thống di tích về Bác Hồ là điểm đến không thể thiếu trong mỗi hành trình du lịch của du khách, cần có một chiến lược phát triển bền vững.

Hướng dẫn viên cần nâng cao kỹ năng thuyết minh để thu hút du khách

Thiếu hấp dẫn

Thừa Thiên Huế có bảo tàng và hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan trực tiếp đến thời niên thiếu của Người – đây là những di sản vô giá của dân tộc. Thực tế cho thấy, lượng khách du lịch đến Huế ngày càng tăng nhưng lượng khách đến tham quan Bảo tàng và di tích lưu niệm Hồ Chí Minh chưa nhiều.
Một trong những nguyên nhân khiến Bảo tàng Hồ Chí Minh chưa thu hút được đông đảo khách tham quan là do quan niệm về bảo tàng chưa đổi mới theo xu thế thời đại, hình thức trưng bày theo cung cách cũ, hiện vật không phong phú, chưa có các hoạt động bổ trợ đi kèm, giới thiệu thiếu hấp dẫn. Thuyết minh viên, hướng dẫn viên - người “thổi hồn” cho các hiện vật, những câu chuyện về Bác Hồ còn mang tính “thuộc bài”, chưa thu hút, tạo được ấn tượng mạnh cho khách tham quan. Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Hương Giang cho rằng: “Các cấp quản lý cũng chưa quan tâm nhiều tới nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, chưa có chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch. Với du lịch, tính động rất quan trọng để lôi kéo, thu hút sự quan tâm của du khách. Tuy nhiên, hệ thống các nhà lưu niệm về Bác còn quá tĩnh.
Trong việc giới thiệu tour, hầu như không có tour tham quan TP Huế nào của các công ty lữ hành có điểm đến là Bảo tàng Hồ Chí Minh và các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trên địa bàn.
Vấn đề quảng bá cũng chưa được quan tâm, trong khi muốn phát triển du lịch bền vững, việc quảng bá điểm đến rất quan trọng.
Hình thành tour tuyến và đổi mới hoạt động

Khách xem triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Theo ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (Khoa Du lịch, Đại học Huế), cần liên kết các điểm di tích liên quan đến Bác để xây dựng một chương trình du lịch chuyên đề hoặc có sự kết hợp giữa các di tích này với các điểm tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng khác trên địa bàn tỉnh để xây dựng thành một tour du lịch tổng hợp có sức thu hút du khách. Như liên kết tour tham quan giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng sẽ tạo một hành trình tham quan có sự kết nối hài hòa giữa hiện tại với quá khứ, giữa lãnh tụ và dân tộc. Các chương trình này phải được xây dựng một cách khoa học, lôgic, hợp lý, có tính khả thi cao trên cơ sở tham khảo ý kiến các chuyên gia về du lịch. Từ đó giới thiệu rộng rãi đến các công ty lữ hành để họ đưa vào khai thác. PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh (Trường đại học Khoa học Huế) đề xuất, cần có biện pháp hữu hiệu lồng ghép các tour du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế và mở rộng ra trong không gian du lịch con đường di sản (từ di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn đến di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng) kết hợp với các điểm tham quan du lịch liên quan đến bảo tàng và hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.
Trưng bày - “ngôn ngữ” thể hiện giá trị các tài liệu, hiện vật gốc - là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút khách đến tham quan. Bảo tàng cần đổi mới trưng bày sao cho phù hợp với xu thế hiện đại nhưng không làm mất tính lịch sử. Theo ThS. Trương Tuấn Anh, Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng cần đổi mới không gian nội, ngoại thất đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khách tham quan. Bảo tàng nên có không gian tương tác gắn với nội dung trưng bày, tạo những cảm nhận bằng các giác quan và những trải nghiệm mới cho công chúng. Bảo tàng nằm ở vị trí bên bờ sông Hương thơ mộng nên cần tạo không gian bên ngoài thông thoáng, những tiền sảnh rộng, thoáng mát, công viên xung quanh có những bàn ghế, cây cối, sân chơi… thật hấp dẫn để du khách sau khi tham quan có thể thư giãn ngắm nhìn cảnh quan.
Thứ nữa, cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng thuyết minh và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ thuyết minh viên - những người làm cầu nối giữa di sản văn hóa với khách tham quan. Những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến tham quan ngày càng đông, đòi hỏi người thuyết minh phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, cập nhật thông tin tư liệu mới về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng và tấm gương của Người, nâng cao kỹ năng hướng dẫn để tạo sự tương tác, tránh sự nhàm chán, đơn điệu đối với người nghe.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm cho rằng: “Cần tăng cường quảng bá xúc tiến hình ảnh các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế bằng nhiều hình thức khác nhau, như trên các trang web, thông tin hình ảnh, tổ chức sự kiện, hội thảo gắn với các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tiến hành song song hoạt động xúc tiến điểm đến với xúc tiến đầu tư du lịch. Trong quảng bá xúc tiến hình ảnh cần làm rõ nét đặc trưng riêng của di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế”. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nhu cầu khách tham quan ở các bảo tàng trong nước và quốc tế, tổ chức điều tra thị hiếu khách tham quan, xác định rõ đối tượng chính du khách đến bảo tàng và hệ thống di tích, từ đó có chiến lược mở rộng thị phần và có kế hoạch chăm sóc cụ thể.
Muốn giữ chân khách ở bảo tàng lâu hơn, bên cạnh việc tổ chức những hoạt động hấp dẫn và các điều kiện cơ sở vật chất tạo sự thoải mái cho du khách, cần có các dịch vụ phù hợp phục vụ nhu cầu của khách, như: cửa hàng cà phê, giải khát, quầy lưu niệm giới thiệu phù điêu, ảnh, tượng bằng nhiều chất liệu khác nhau liên quan đến nội dung trưng bày ở bảo tàng và các điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

TIN MỚI

Return to top