ClockThứ Ba, 04/06/2019 06:30

Đổi mới doanh nghiệp thời 4.0

TTH - Bà Trần Hà Mỹ Lợi, Trợ lý Giám đốc kiêm Trưởng phòng Marketing tại Selfwing Vietnam Co., Ltd (Công ty TNHH Ươm mầm Nhân lực Việt Nam) khẳng định: Doanh nghiệp (DN) dù lớn, dù nhỏ, ngay cả các cửa hàng kinh doanh nhỏ cũng phải thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý sản xuất nông nghiệp6 bước xây dựng doanh nghiệp thành công và tăng lợi nhuận bền vững

Ứng dụng công nghệ tự động trong trồng dưa lưới ở HueWACO

Tự động hóa sản xuất

Trên địa bàn tỉnh, nhiều ngành đã có những đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành để thích ứng với môi trường mới. Một trong những ngành đón đầu cuộc CMCN4.0 là ngành xi măng với việc tự động hóa hoàn toàn dây chuyền.

Tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm, dây chuyền sản xuất xi măng được đồng bộ dựa trên công nghệ lò quay tiên tiến. Các thiết bị hiện đại với hệ thống tự động hóa cao, các thiết bị được điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, các khâu sản xuất đều sử dụng rô bốt tự động, chỉ có hoạt động điều khiển, theo dõi lấy mẫu kiểm tra đảm bảo chất lượng sản phẩm có sự tham gia của con người.

Ông Nguyễn Văn Nhật Hoàng, Quản đốc Phân xưởng điện, Nhà máy xi măng Đồng Lâm thông tin, con người chỉ điều khiển thông qua hệ thống máy điều khiển, giám sát, phần còn lại được hệ thống rô bốt và máy móc thực hiện. Ngay cả khâu đóng bao và xuất hàng đang thực hiện bán tự động cũng dần tự động hoàn toàn khi dây chuyền 2 chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2019.

Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành nâng cao chất lượng nước, dịch vụ và hiệu suất làm việc. Trong đó, việc ứng dụng thành công hệ thống SCADA giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất và cung cấp nước sạch đáp ứng các mục tiêu: ổn định chất lượng nước, áp lực nước, quản lý lượng nước khai thác và lượng nước tiêu thụ…

Các giải pháp công nghệ nhằm quản lý chất lượng nước được triển khai như: hệ thống bể lắng lọc thông minh, quản lý chất lượng nước tự đông…, đưa chất lượng nước ngang bằng với các nước phát triển.

Làm chủ công nghệ

Ngoài đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp (DN) cải tiến cách thức làm việc, bán hàng và giao dịch dựa trên môi trường mạng, thương mại điện tử, giảm thiểu mức thấp nhất nguồn nhân lực tham gia trực tiếp những việc không cần thiết, nhất là sử dụng và lưu trữ hóa đơn giấy.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế thông tin, hiện hơn 90% DN Việt là DN vừa và nhỏ, chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế cả nước. Tuy nhiên, cứ 5 DN vừa và nhỏ, chỉ một DN có sự hiện diện trực tuyến. Vì thế, Hiệp hội DN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp đào tạo về CMCN 4.0 cho các DN. Mới đây nhất là chương trình tập huấn Việt Nam Digital 4.0, giúp các DN tăng cường khả năng quản lý và phát triển DN, nâng cao ứng dụng kỹ thuật số trong thời đại CMCN 4.0.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Dịch vụ du lịch Đại Bàng chia sẻ, đổi mới công nghệ thích ứng với thời đại công nghệ là tất yếu. Tuy nhiên bên cạnh công nghệ, tư duy vận hành, cách thức làm việc cũng phải thay đổi. Người lao động phải chia sẻ các nhiệm vụ và kết nối các đội nhóm, gắn kết hệ thống này với hệ thống khác bằng công nghệ và hướng vào các mục đích chung. Từ đó, DN sẽ thúc đẩy, phát huy tài năng và xây dựng một đội ngũ nhân viên làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

"Chủ DN cũng cần phải có kiến thức và kỹ năng, không thể tự mày mò, thay đổi bằng kinh nghiệm. Trong lúc cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi lượng kiến thức rất lớn, DN cần chủ động đào tạo đội ngũ nhân sự có kiến thức, kỹ năng. Ngoài phát huy nội lực, cần tranh thủ tối đa tiếp thu thành tựu của thế giới. Thông qua việc liên kết, hợp tác với những DN, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, DN sẽ tiếp cận công nghệ mới, từ đó làm mới mình”, ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO chia sẻ.

Công nghệ thay đổi, cách thức sản xuất, bán hàng cũng phải thay đổi. Ngay cả khách hàng cũng có nhiều cách thức tiếp cận mới, không nhất thiết tìm đến các cửa hàng hay siêu thị. Các ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm mua bán trên các thiết bị di động, máy tính giúp khách hàng tiếp cận được nhiều thông tin chỉ bằng một cái "nhấp chuột".

Theo bà Trần Hà Mỹ Lợi, DN Huế nói riêng và DN Việt nói chung đều có quy mô hoạt động nhỏ nên phải tích cực ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin nhằm đi tắt đón đầu. Các DN cần trang bị cho mình những kiến thức mới nhất về Digital Marketing (chiến lược dùng Internet làm phương tiện cho các hoạt động marketing và trao đổi thông tin) để tạo ra những lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trên các phương tiện Google, Youtube. Để thành công trên nền tảng Google, Youtube…, DN phải xây dựng một thương hiệu dễ nhớ, có chiến lược truyền thông trên mạng xã hội, tạo một website đơn giản, từ đó có các giải pháp tăng hiển thị DN trên Google, tăng hiện diện DN trên các công cụ tìm kiếm...

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện

Với những chủ trương, giải pháp cụ thể và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ huấn luyện năm 2024 được lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thực hiện thắng lợi với nhiều thành tích nổi bật.

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

TIN MỚI

Return to top