ClockThứ Năm, 08/09/2016 09:56

Đổi mới thi THPT 2017: Áp dụng ngay thì "vắt chân lên cổ" không kịp?

Đây là thay đổi lớn nhất trong dự thảo phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH CĐ vừa được Bộ GD ĐT đưa ra. Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh lo ngại, nếu áp dụng ngay lập tức trong năm học này thí sinh có "vắt chân lên cổ" cũng không theo kịp?

Cụ thể,  Bộ dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ giao về cho các Sở GD ĐT chủ trì. Cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh (không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như năm 2016).

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên điểm số của kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình kết quả học tập, rèn luyện từ lớp 10 – 12 theo tỷ lệ 50/50. Về tổ chức thi, dự kiến sẽ thay thế việc tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Nhiều học sinh hoang mang về phương án thi mới

Có 2 phương án thi vẫn đang được cân nhắc đó là: Hoặc học sinh THPT phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp hoặc thí sinh chỉ thi 4 bài thi gồm 3 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Duy nhất bài thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. 

Rất hoang mang sau khi đọc được thông tin này, em Nguyễn Thị Trang - học sinh lớp 12 tại Phủ Cừ (Hưng Yên) cho biết, nếu Bộ GD ĐT thay đổi thi "chóng mặt" như thế này và quyết thực hiện ngay trong năm 2017 thì học sinh lớp 12 không biết học sao cho kịp:

 "Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, hầu hết các bạn đều đã xác định từ năm lớp 10, muộn nhất cũng là lớp 11. Khối thi đã chọn, môn thi đã chuẩn bị, cũng đã mất nhiều công sức đi học thêm, ôn luyện các thể loại. Hơn nữa, chương trình sách giáo khoa đang dạy từng môn, tại sao lại thi tổng hợp nhiều môn? Môn Toán trước đến nay thi tự luận các thầy cô dạy trình bày khác còn nếu thi trắc nghiệm thì các thầy cô sẽ chỉ dạy kỹ năng giải nhanh cho kịp thời gian như thế làm sao học sinh làm quen ngay cho được. Chúng em mệt mỏi lắm" - Trang cho biết.

Là 1 giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi ĐH cho thí sinh, thầy giáo Ngô Xuân Quỳnh - Giáo viên Hóa trường THPT Nam Sách II (Nam Sách  - Hải Dương) cho rằng, những thay đổi của Bộ GD ĐT trong phương án thi mới như: bài thi tổng hợp; giao kỳ thi THPT về cho Sở GD ĐT, xét tuyển ĐH trả về cho trường là hợp lý. Tuy nhiên, áp dụng ngay trong năm 2017 là vội vàng và là điều vô cùng bất lợi cho các em học sinh

Theo thầy Quỳnh: "Với những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm thì việc chạy theo xu hướng của Bộ không khó. Tuy nhiên, đối với học sinh thì khác. Hiện nay, với bài thi tổng hợp sẽ rất khó đánh giá được thực sự năng lực của học sinh. Hơn nữa,  từ nay đến lúc thi chỉ còn 9 tháng. Khoảng thời gian quá ngắn để các em làm quen trong khi nhiều em đã định hướng ôn tập, chọn môn, chọn khối từ lớp 10 rồi. Vì vậy, áp dụng ngay là hơi vội".

Thầy Quỳnh cũng cho rằng, thi trắc nghiệm không phải là phương pháp tốt để đánh giá năng lực tư duy và khả năng diễn đạt của học sinh, nhất là môn Toán vì vậy, nếu muốn áp dụng ngay,  Bộ nên nhanh chóng công bố đề thi mẫu đề thí sinh luyện tập.

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, Bộ phải công bố lộ trình đổi mới ít nhất là 3 năm để học sinh chuẩn bị.

Từ nay đến lúc các em thi còn 9 tháng là không kịp trở tay: "Việc đổi mới nếu như mỗi năm quyết 1 lần nhất là liên quan đến nội dung thi thì thí sinh không thể chuẩn bị kịp, thầy cô cũng không kịp định hướng ôn tập cho các em" - ông Thuyết nói.

Sáng nay (8.9), Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga  sẽ có buổi tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để giải đáp những thắc mắc của giáo viên, phụ huynh và học sinh xung quanh phương án thi mới này.

Theo Dân Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top