Thể thao trong nước

Đổi nước mắt lấy huy chương

ClockThứ Bảy, 26/11/2016 13:36
TTH - Uống thuốc giảm đau và chườm đá suốt quá trình tập luyện và thi đấu, nhưng Nguyễn Thị Trang vẫn lập nên kỳ tích, đem về tấm HCV lịch sử Taekwondo nữ cho đội tuyển tỉnh nhà.

Vừa tập, vừa khóc

Sinh ra ở miền biển Vinh Thanh (Phú Vang), Trang đến với Taekwondo và thành công chỉ qua vài mốc thời gian: vào đội tuyển năng khiếu (2011) – thi Hội khỏe Phù Đổng (2012) – vào tuyển trẻ quốc gia (2014) – lên tuyển quốc gia (2015). “Tiểu sử” ngắn ngủi, nhưng bộ sưu tập huy chương của Trang có đến 5 HCV.

VĐV Nguyễn Thị Trang (trái) trong trận chung kết với đối thủ Cao Thị Kim Chi (Quân đội)

Năm 2016, Trang tiếp tục lập kỳ tích cho Huế khi giữ vững phong độ giành HCV tại giải vô địch toàn quốc. Nếu tính từ ngày thành lập đội tuyển (1980) đến nay, Huế có 4 HCV tại giải vô địch, thì Nguyễn Thị Trang là nữ VĐV duy nhất  giành hai HCV ở hai năm liên tiếp.

Không phủ nhận vai trò từ Ban huấn luyện Taekwondo Huế, nhưng để có một Nguyễn Thị Trang bây giờ, sự nỗ lực đến từ phía cô gái miền biển Vinh Thanh rất đáng nể. “Có những bài tập tôi đưa ra khiến nhiều vận động viên bỏ cuộc, riêng Trang thì chưa lần nào. Em mệt, đau đến mức khóc, vừa khóc vừa tập. Dù huấn luyện viên cho phép ngừng tập, em cũng xin tiếp tục”, HLV Phạm Ngọc Thành, Trưởng bộ môn Taekwondo Thừa Thiên Huế kể.

Năm 2015, để thi đấu hạng 46kg, Ban Huấn luyện tuyển Taekwondo Thừa Thiên Huế đưa ra phương án ép cân cho Trang. Mất sức do ép cân, lại gặp chấn thương vùng hông và lưng, Trang vẫn “lì lợm” xin HLV cho em tiếp tục thi đấu giải vô địch. Uống thuốc giảm đau và chườm đá suốt quá trình tập luyện và thi đấu, nhưng Nguyễn Thị Trang vẫn làm được kỳ tích, đem về tấm HCV lịch sử Taekwondo nữ cho đội tuyển tỉnh nhà. Niềm vui xen lẫn nước mắt, Trang chia sẻ: “Cả nước mắt khi tập luyện và lúc chiến thắng đều đáng nhớ. Nước mắt là thứ em đã đổi để giành lấy huy chương”.

Phá thế “thấp bé, nhẹ cân”

Quan sát tại các giải đấu, một chi tiết khá buồn là nhiều VĐV Thừa Thiên Huế thua kém đối thủ về chiều cao. Chính vì thế, trong mắt của nhiều đội tuyển, họ không phải là đối thủ đáng sợ trong các giải đấu. Rõ ràng lợi thế thể hình là một điểm cộng trong thành tích, bằng chứng là suốt 26 năm kể từ khi thành lập, thành tích tuyển Taekwondo tỉnh nhà còn khá khiêm tốn.

Nhưng nỗi lo ấy chỉ là chuyện của những giải đấu trước năm 2015. Ở tuổi 19, Trang cao 1m74 và tầm cao khi ra đòn đá có thể lên tới 1m90. Trong Taekwondo, đòn đá mặt được tính 3 điểm và đá mặt nghịch lưng 4 điểm. Tất nhiên, cô gái “vàng” của Taekwondo Huế tận dụng rất tốt lợi thế của mình để đưa ra những đòn đá ăn điểm cao.

Tại giải vô địch Taekwondo toàn quốc 2016, Nguyễn Thị Trang giành chiến thắng thuyết phục 14-2 trước đối thủ Cao Thị Kim Chi (Quân Đội). Chiến thắng cách biệt này nhờ những đòn đá vào mặt mà Trang đã lợi dụng rất tốt sở hở của đối thủ. Cần phải nói thêm, VĐV của tuyển Quân đội cũng không phải dạng vừa khi từng đánh bại Virginia Dellan (Venezuela) tại giải Taekwondo quân sự thế giới năm 2012, song, Kim Chi thua tâm phục khẩu phục trước VĐV của Huế trong giải đấu chỉ cách đây nửa tháng.

Thành tích của Trang đem lại hai thắng lợi, một là viết tiếp những giấc mơ “vàng” cho Taekwondo Huế, song, điều quan trọng hơn là em đã phá thế “thấp bé nhẹ cân” trong quan niệm của một số VĐV tỉnh, thành bạn. Giải đấu vừa qua, trên khán đài đã có nhiều ngạc nhiên khi thấy ngoại hình vượt trội cùng những đòn thế mà bất kỳ VĐV nào cũng phải lo lắng.

Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân
Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng

Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay” được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức sáng 13/12.

Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng
Chuyện về giao thông Huế từ trong lịch sử

Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay”, dày gần 300 trang, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên, Nxb Thuận Hóa ấn hành.

Chuyện về giao thông Huế từ trong lịch sử
Return to top