ClockThứ Sáu, 06/05/2016 14:27

Đối phó với căng thẳng mùa thi

TTH - Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đang đến gần cũng là lúc các sĩ tử chạy đua nước rút với bài vở ôn luyện. Làm thế nào để giải toả căng thẳng và áp lực đè nặng trong mùa thi? Sau đây là một số lời khuyên và biện pháp cụ thể để giải tỏa stress từ chuyên gia tâm lý của Trường đại học Sư phạm Huế.

Học sinh tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 tại điểm thi Trường đại học Sư phạm Huế

Học sinh cần xây dựng thời khóa biểu khoa học, hợp lý cho việc học, giải trí và tuân thủ theo đó một cách nghiêm túc. Trong thời khóa biểu này, phải dành thời gian nhất định để sau một ngày học tập có thể tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, hay một câu lạc bộ nào đó phù hợp với sở thích của mình. “Phụ huynh và nhiều học sinh nghĩ như vậy là mất thời gian; nhưng chính trong quá trình tham gia các hoạt động này sẽ giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng, giải phóng năng lượng để tiếp tục học tập hiệu quả vào ngày hôm sau. Học phải khoa học, học phải có thời gian nghỉ”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế đưa ra lời khuyên.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng là lời khuyên thứ hai dành cho các sĩ tử mùa thi. Thời gian này, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng cho con mình bằng cách sử dụng các thực phẩm làm giảm stress, như hoa quả tươi và rau xanh, vitamin, chất khoáng, các loại hạt ngũ cốc nguyên chất… Tránh các loại thức ăn gây stress, như các loại thức ăn chế biến sẵn, cà phê, thuốc lá và thức uống có cồn, gas…

Việc cha mẹ kỳ vọng quá lớn và áp đặt trong việc chọn trường cũng tạo ra nhiều áp lực cho các em. Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ có thể kỳ vọng nhưng không nên áp đặt con trong việc chọn trường mà phải lựa chọn trường phù hợp năng lực của con; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con học tập; không nên bắt con học quá nhiều và nên tạo điều kiện cho con vui chơi cuối tuần để giải tỏa stress. Không khí êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc trong gia đình sẽ tạo cho các em cảm giác yên ổn, được bố mẹ hỗ trợ và đồng hành, giúp các em tập trung vào học tập. Cha mẹ cần lưu ý giữ hòa khí trong gia đình, đặc biệt là trong thời điểm này. Bên cạnh đó, cha mẹ cần gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý, sức khỏe của con cái để có sự hỗ trợ và can thiệp sớm nhất có thể. Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm nhắc con ăn đúng bữa, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và học tập một cách điều độ, khoa học.

Về phía nhà trường và các thầy cô giáo, cùng với việc giúp học sinh củng cố, ôn tập kiến thức, cần tạo thêm các sân chơi giúp các em giải tỏa bớt căng thẳng, động viên tinh thần các em, giúp các em cảm thấy tự tin hơn. Hướng dẫn học sinh các biện pháp ghi nhớ logic, các biện pháp rèn luyện trí nhớ,... và các phương pháp học tập tích cực như sơ đồ tư duy, học nhóm cùng các phương pháp tự học hiệu quả khác cũng là việc các thầy cô có thể làm để giúp học sinh học tốt hơn.

Đỗ Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ăn uống lành mạnh nhưng đừng…

Mỗi ngày bạn nhận được vô số những thông tin liên quan đến dinh dưỡng và đôi khi bạn thấy hoang mang vì chúng thật trái ngược nhau. Theo GS Jane Ogden, một chuyên gia tâm lý dinh dưỡng đầu ngành tại Mỹ, hãy từ bỏ 3 điều sau:

Ăn uống lành mạnh nhưng đừng…
Return to top