ClockThứ Bảy, 14/01/2012 06:42

Nhớ Bác những mùa xuân

TTH - Năm 1911 từ Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên đường “tìm hình của nước” (thơ Chế Lan Viên). Như một sự tình cờ của thời gian và cũng là tất yếu của lịch sử: Mùa Xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ đó, Đảng và Bác lãnh đạo dân ta giành lại mùa xuân cho đất nước.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đón không dưới ba mươi mùa Xuân nơi đất khách quê người, trong đó có cả những mùa xuân phải sống trong cảnh lao tù. Bôn ba khắp bốn biển, năm châu, một ngày Xuân 1941, Người đặt chân lên Pắc Bó (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam:

 
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi !
Nhớ thương hòn đất, ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
                                 (Tố Hữu)
 
Cũng từ đó, mỗi khi mùa xuân về, Bác thường có thơ chúc Tết đồng bào chiến sĩ. Thơ chúc Tết của Người đều là những vần thơ giản dị, mà súc tích; thể hiện nhãn quan của một lãnh tụ thiên tài. Thơ xuân của Người còn là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân ta. Một tư liệu cho biết trong cuộc đời hoạt động Bác đã viết 19 bài thơ chúc Tết. Về nước năm 1941, năm 1942 Bác đã có thơ Xuân:
 
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Minh ngày càng tiến tới!
 
Năm 1947, Bác đọc thơ chúc Tết trong tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp đã rền vang từ ngày 19-12-1946. Lời thơ như lời hịch âm vang sông núi:
 
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
                                                                     (...)
 
Bác đọc thơ chúc Tết trong phòng ghi âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc này sơ tán tại chùa Trầm (Hà Tây). Trong dịp đặc biệt này, nhà sư trụ trì đã phấn khởi xin Người “cho chữ” đầu Xuân. Bác đã viết tám chữ Hán lớn:
 
“Kháng Chiến Tất Thắng
Kiến Quốc Tất Thành”
 
Trong những ngày Xuân, Bác về thăm những bản làng, cơ quan, hợp tác xã, công nông trường xí nghiệp...; dành tình cảm bao la đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, người dân lao động... Tết năm 1946, Tết Độc lập đầu tiên, Bác đi thăm một gia đình nghèo ở nội thành Hà Nội. Bác vào nhà không báo trước. Ngày Tết mà gia đình chẳng có gì là mừng Xuân. Tối 30 vợ chồng chủ nhà còn đi gánh nước thuê. Chị vợ quá xúc động, đứng sững, làm rơi đôi thùng nước đang gánh trên vai. Chắc nghĩ thân phận mình đâu có được niềm vinh hạnh lớn lao, chị nghẹn ngào thật thà nói trong tiếng nấc: “Không ngờ Bác đến thăm gia đình cháu”. Vị Chủ tịch nước ôm lấy đôi vợ chồng giọng cũng nghẹn lại: “Bác không đến thăm cô chú thì thăm ai?”.
 

Bác làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, 1957. Ảnh: TL

 
Bác còn dành những ngày Xuân ý nghĩa để cảm ơn những người đã cưu mang mình. Năm 1931, Bác bị bắt ở Hồng Kông. Luật sư người Anh Lô- dơ- bai cảm mến trước hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc ra sức bào chữa cho Bác thoát khỏi nhà tù đế quốc. Tết Canh Tý 1960, Bác đã mời gia đình luật sư sang thăm để cảm ơn. Bác ra tận sân bay Gia Lâm đón ân nhân của mình. Hai người ôm hôn nhau thắm thiết, bồi hồi sau 30 năm mới gặp lại. Bác mời gia đình luật sư đi thăm nhiều nơi . Khi đến nơi ở và làm việc của Người, các vị khách rất ngạc nhiên vì sao vị Chủ tịch của một nước lại sống và làm việc ở một nơi bình dị như thế! Khi được người phiên dịch trả lời câu hỏi về gia đình riêng của Bác, bà vợ luật sư đã rưng rưng nước mắt: “Hồ Chủ tịch là con người hiếm có, Người đã hy sinh tất cả cho dân, cho nước”. Còn ông Lô – dơ – bai thì nói: “Tôi tin Việt Nam sẽ có một vị trí đặc biệt trên thế giới với nhà lãnh tụ tài ba Hồ Chí Minh”.
 
Có lẽ cũng ít người biết đến việc chính Bác Hồ đã cho cử nông dân miền Bắc sang Quảng Đông (Trung Quốc) học làm vụ lúa xuân. Hồi đó, miền Bắc chỉ có 2 vụ lúa “chiêm khê, mùa thối”, nhưng không phải nơi nào cũng làm được 2 vụ. Tháng 7 năm 1962, Bác thăm hợp tác xã Đại Xuân, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Năm sau, theo yêu cầu của Bác, 27 nông dân sang Trung Quốc học cách làm ăn; trong đó có 4 nông dân hợp tác xã Đại Xuân, do ông Nguyễn Bít, Chủ nhiệm hợp tác xã Đại Xuân làm nhóm trưởng học sản xuất vụ lúa xuân. Sau 7 tháng “vừa học vừa làm”, nhóm ông Bít về nước và trồng thí nghiệm thành công lúa xuân. Nghe tin, Bác cho mời ông Nguyễn Bít về Hà Nội hỏi thêm tình hình. Bác hỏi:
 
- Nước ta cấy được lúa xuân không? Cấy lúa xuân cần những điều kiện gì?
 
Ông Bít tin tưởng:
 
- Thưa Bác, nước ta hoàn toàn có thể cấy được lúa xuân. Nơi nào chủ động được nước và phân thì cấy được lúa xuân.
 
Bác đã chỉ đạo nhân rộng sản xuất lúa vụ xuân. Năm 1967 Đại Xuân đạt năng suất 7,6 tấn/ha. Tháng 2-1968, trong lúc bà con xã viên Đại Xuân đang vui đón xuân thì càng vui hơn khi được Bác Hồ gửi thư khen. Nhớ lại chuyện xưa, ông Bít bồi hồi nói: “Bây giờ ở Đại Xuân, bà con vẫn gọi vụ lúa xuân là vụ lúa Bác Hồ”.
Sinh thời, Bác có viết tác phẩm “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” Người chỉ rõ: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Bác còn căn dặn bằng thơ:
 
Mừng Xuân mừng cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.
 
Chúng ta hiểu lòng Bác, mùa Xuân gắn với những điều tươi đẹp, lớn lao; niềm vui mỗi người phải được hòa vào, nhân lên cùng mọi người; “Mừng cả thế gian”, với cỏ cây sông núi. Ngày 28-11-1959 Bác đã phát động Tết trồng cây; một việc làm đi trước thời đại, có ý nghĩa toàn cầu sâu sắc. Đối với Bác, ngày Xuân, mỗi người trồng một cây là một việc làm tự nhiên mà có ý nghĩa:
 
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Để cho đất nước càng ngày  càng Xuân!
 
Từ năm 1960, Tết trồng cây trở thành nét đẹp đầu Xuân của dân tộc ta.
Thật cảm động biết bao, xuân năm 1969, sức khỏe đã giảm sút nhiều, trước lúc đi xa, ngày mồng 1 Tết, Bác vẫn trồng cây ở xã Vật Lại, Ba Vì (Hà Nội), vẫn có thơ chúc Tết:
 
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
 
Đọc lại bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người chúng ta như thấy mình có lỗi vì không thể giải phóng miền Nam sớm hơn để có Bác trong mùa Xuân đại thắng.
 
79 mùa Xuân đi qua đời Bác. Bác đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc để non sông mãi mãi có MÙA XUÂN.
 

Minh Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp sức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cùng với các chương trình tín dụng chính sách, chương trình cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Tiếp sức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài
Làm thêm để trưởng thành

Với nhiều sinh viên, đi làm thêm sẽ giúp phần nào chủ động về nguồn kinh phí sinh hoạt. Quan trọng hơn là những trải nghiệm thực tế bên ngoài, giúp nhanh chóng trưởng thành.

Làm thêm để trưởng thành
Sống như những đóa hoa

Lê Thị Linh (sinh năm 1994, trú tại thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Năm 10 tuổi, bệnh của Linh trở nặng khiến cô phải nằm liệt giường. Yêu thương cuộc sống và luôn nỗ lực mỗi ngày, Linh không chỉ tự học chữ rồi làm thơ, viết văn, xuất bản sách; tự học làm hoa giấy sau đó bán qua mạng; cô còn kiếm thêm thu nhập bằng cách livestream trên một nền tảng mạng xã hội trực tuyến. Chắt chiu khó nhọc kiếm từng đồng tiền ít ỏi, nhưng Linh luôn dành một phần để san sẻ với những người kém may mắn.

Sống như những đóa hoa
Hương sắc Cố đô

Từ ngày bén duyên với công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử, tình yêu hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) càng được chắp cánh. Ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cô gái trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hoa tươi bất tử xinh xắn, độc bản từ những cánh đồng hoa.

Hương sắc Cố đô
Huế & hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Huế  hoàng mai
Return to top