ClockThứ Bảy, 22/06/2013 18:30

Về thăm làng Quần Tín

TTH - Cái tên làng Quần Tín đã ăn sâu vào trí nhớ chúng tôi từ khi cắp sách tới trường, được học, được đọc các bài thơ: "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ, "Bài ca vỡ đất" của Hoàng Trung Thông, "Phá đường" của Tố Hữu... bởi nơi ra đời của các bài thơ này đều từ làng Quần Tín. Và khi lớn lên, khi bắt đầu cầm bút, biết thêm thông tin rằng: Quần Tín là cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam, thì Quần Tín đã trở thành điểm hẹn thế nào cũng phải tới, vậy mà công việc cứ kéo chúng tôi đi miết, hôm nay mới có dịp về được nơi như thể hẹn hò.

Xe ô-tô chở chúng tôi từ thành phố Thanh Hóa đến Quần Tín không xa, chỉ 37 cây số, dẫu chỉ là đường tỉnh đường huyện quanh co. Đây, Quần Tín đây rồi, một làng quê phong vị cổ, như bỗng thức dậy những kỷ niệm trong ký ức chúng tôi, những mái nhà thấp tè, nhỏ gọn, ấm cúng dưới bóng những tán tre xanh, giống như làng quê chúng tôi xưa.

Nhìn những bụi sim bờ rừng xung quanh, tôi chợt nhớ thơ của Hữu Loan

 “Hoa sim tím, tím chiều hoang biền biệt/ Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu”
 
Lòng cứ rạo rực lên, tự hỏi: Hữu Loan đã đứng ở góc nào của Quần Tín để viết được những câu thơ hay này.
 
Ông cha ta nói rằng: “Địa linh sinh nhân kiệt”, vậy đất đai Quần Tín này nặng tình nặng nghĩa nhường bao mới có được những câu thơ tuyệt vời như thế.
 
Khi đang náo nức trong lòng được gặp một vùng quê hẹn ước, thì càng rất vui khi có người của Quần Trí ra đón rất vui vẻ hồ hởi. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh. Chị Thanh đã có 2 con ăn mặc nền nã, đẹp như một thiếu nữ.
 
Sau một tuần nước, chị Thanh dắt chúng tôi đi thăm quê. Điểm đến đầu tiên là giếng làng, giếng xây bờ cao hơn 1 mét và miệng rộng chừng 2 mét. Như một người dẫn chương trình, chị Thanh giới thiệu quê hương Quần Tín của mình:
 
- Xưa Quần Tín quê em là một vùng núi hoang sơ. Ba anh em ông Lê Tộc Căn, thấy vùng đất này cò đến đậu rất đông, theo vết đàn cò, các ông đến đây lập nghiệp, đặt cho tên đất là Cò Soi, tức là cò soi đường. Còn giếng chúng ta đang đứng đây là Giếng Tiên. Chuyện rằng xưa có một cô Tiên gánh một bên là núi Ngọc, một bên là núi Nưa, gánh nặng quá, nàng bị xìa chân. Nơi xìa chân ấy thành giếng Tiên trong vắt, đầy nước quanh năm này. Đáy giếng còn khối đá có vết chân nàng, thời gian không làm mờ đi được.
 
Thấy chúng tôi tròn mắt, chị Thanh kể tiếp:
 
- Còn tên làng Quần Tín của chúng em là một trang sử diệu kỳ. Ngày ấy Bình Định Vương Lê Lợi hành quân qua và nghỉ tại làng Cò Soi, được dân tiếp đón ân cần, cung cấp lương thảo thỏa mãn. Đêm, vua được Thần hoàng báo mộng: “Sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy, ắt thắng trận”. Quả nhiên là vậy, trận ấy Lê Lợi thắng giòn giã nên khi trở về, nhà vua đã sắc phong ban thưởng, đặt tên mới cho làng Cò Soi thành làng Quần Tín. Quần Tín có nghĩa là nơi hội tụ niềm tin và vua cho lập đền thờ Thần hoàng làng vào ngày 10 tháng giêng. Từ đó đến nay làng vẫn lấy ngày này làm ngày hội truyền thống của làng. Ngày nhận di tích lịch sử địa điểm Hội Văn nghệ Việt Nam cũng vào đúng ngày hội làng Quần Tín của chúng em. Thật là thiêng liêng làm sao.
 
Thanh dẫn chúng tôi đi theo đường làng xen giữa những ngôi nhà cổ xưa đang còn nguyên dáng cũ, gần gũi và thân thiện làm sao. Theo lời chị Thanh kể, chúng tôi mới biết Quần Tín đúng là nơi có vị trí địa lý thiên phú. Phía nam có giếng Tiên, có hồ, đầm lầy là nơi trú ngụ của nhiều loài tôm cá, chim, cò, chúng kéo về đây từng đàn. Phía bắc có rừng Đồng Sủng, phía tây có rừng Mụ Đốp ngập tràn cây cổ thụ và muông thú. Tại đây có thể ẩn nấp mỗi khi máy bay tới quấy phá, nhất là khi địch đến càn có nơi tản quân. Làng có 4 cổng làng để canh gác, thật yên tĩnh. Rất thuận lợi là Quần Tín gần sát ngay bên đường Thanh Hóa đi Lào. Những cuộc chuyển quân đông đúc thật tuyệt vời.
 
Dọc đường lang thang, chúng tôi thấy Quần Tín còn có nhiều ngôi nhà cổ kiến trúc gỗ truyền thống rất đẹp với những mảng chạm khắc hoa văn phải nói là rất nghệ thuật. Hỏi ra mới biết rằng từ thời Lê Thánh Tông và thời Lê Trung Hưng, Quần Tín đã có ông Lê Thức và ông Trần Lê Lâm đậu tiến sĩ. Quần Tín là vùng núi xa nhất cao nhất, của Thanh Hóa. Cũng chính ở vùng sâu, vùng xa này, Lê Lợi mới tới trú quân và Bà Triệu dựng cờ khởi nghĩa ở núi Ngàn Nưa ngay gần đó, rồi khởi nghĩa Ba Đình, khởi binh của Tống Duy Tân, Quần Tín đứng dậy trong phong trào Cần Vương là phải lắm. Điều đó giúp ta dễ hiểu khi cách mạng tháng 8, Quần Tín đứng dậy trong đội ngũ giành quyền làm chủ ở địa phương. Rồi sau này vào năm 1947, chính phủ lên xây dựng chiến khu Việt Bắc thì Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi là vùng tự do, Quần Tín trở thành làng kháng chiến.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh kể:
 
- Các vị tướng có mặt ở Quần Tín phải kể tới Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn. Ông còn lấy vợ và sinh con ở Quần Tín nữa. Tiếp đến là tướng Nguyễn Chí Thanh, ông là tướng chỉ huy cả vùng khu 4 này. Còn các nhà chính trị thì Trường Chinh, Hồ Tùng Mậu, Phạm Ngọc Thạch,... không thể không kể đến Hoàng thân Xu-va-nu-vông cũng đã ở Quần Tín từ tháng 2/1951 đến tháng 2/1952. Không kể hai sư đoàn 320 và 308 về đây để: “Rèn cán chỉnh quân” đông đúc, thì lực lượng văn nghệ sĩ đến Quần Tín là rất đông. Em thử đếm xem, này nhé: Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai. Rồi các họa sĩ: Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Vũ Giáng Hương, Hằng Phương,... Theo chị Vũ Giáng Hương thì từ năm 1947 đến 1954 có 61 văn, nghệ sĩ đã đến công tác tại làng Quần Tín chúng em. Bà con Quần Tín chúng em vẫn nhớ thơ của các nhà thơ làm ra trên đất này, ví như bài “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ
 
“Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng/ Trải lá cây làm chiếu/ Manh áo ngủ làm chăn...
 
Đọc xong thơ, chị Thanh đưa cho tôi một xấp giấy, kê trong đó 13 gia đình Quần Tín có người ở liên tục trong suốt 8 năm từ 1947 đến 1954 như Hải Triều, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân ở nhà ông Tơ Lai, gia đình Bùi Huy Phồn ở nhà bà Lê Thị Hạnh, gia đình Vũ Ngọc Phan ở nhà ông Tổng Xá. Còn 23 gia đình khác, nghệ sĩ thay nhau ở suốt ngần ấy năm trời. Như Trương Tửu, Trần Dần ở nhà ông Vu; Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Lạp ở nhà ông Lê Đình Thao; Trần Hữu Thung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi ở nhà ông Đốn,... Tổng số dân Quần Tín lúc ấy có 70 nóc nhà, vậy là có tới 35 hộ luôn có người tá túc, thật là một niềm vui lớn đối với người được cho ở.
 
Không tình cảm da diết với nhau, sống với nhau chung một mái nhà sao được. Tình cá nước là như vậy. Quần Tín bỗng trở thành nơi quần tụ các nhà văn, nghệ sĩ tiêu biểu thời ấy. Và điều gì cần phải đến đã đến, đó là ngày 20-01-1949, Hội Văn Nghệ Việt Nam ra đời. Và ngày 04/08/1949, Hội Văn nghệ khu 4 khai sinh tại đình làng Quần Tín. Quần Tín chẳng là cái nôi của văn học cách mạng đó sao?
 
Rồi theo yêu cầu của cách mạng, chương trình đại học văn hóa khóa 1 và khóa 2 được mở tại Quần Tín do thầy Đặng Thái Mai làm hiệu trưởng. Ngôi đình làng, khu đền cổ và trường đồng ấu Tổng Tam Lộng nhường địa điểm cho lớp học của thầy Đặng Thái Mai, với các thầy giáo Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hải Triều,... Đồng chí Trường Chinh lên thuyết trình về quan điểm văn nghệ của đảng và rồi ngay cả tướng Nguyễn Sơn cũng lên nói chuyện về Truyện Kiều... Rồi những bài thơ kháng chiến ra đời. Thời ấy mọi người gọi Quần Tín là “an toàn khu” cũng có lý của nó.
 
Tôi nói với Nguyễn Thị Thanh:
 
- Thanh đưa tôi đến những địa điểm hoạt động sôi nổi của văn nghệ kháng chiến vừa kể được chứ.
 
Thanh nhận lời ngay:
 
Mỗi nơi Thanh dẫn tôi đến làm tôi bàng hoàng bởi dấu tích cũ không còn gì cả. Trường Tam Lộng thành khu dân cư, còn ngôi đình cổ và khu đền cổ đã bị thói cực đoan ấu trĩ phá đi làm kho, làm lớp học.
 
Thấy tôi đứng bần thần, Thanh hỏi:
 
- Anh đang nghĩ gì mà trông như người mất hồn vậy.
 
Tôi đáp thực lòng:
 
- Thật không ngờ. Anh tưởng ít nhất đến đây cũng gặp mặt một tấm bia kỷ niệm, hóa ra không.
 
Thanh dẫn chúng tôi vào một quán nước bên đường, tâm sự:
 
- Cám ơn anh, anh đã nghỉ tới việc phải có lưu niệm văn hóa cho Quần Tín này. Nói thật với anh, tại đây đã 16 lần hết công văn tới hội họp, rồi kiến nghị hết ở xã lên huyện hết ở tỉnh lên trung ương bàn việc xây dựng nhà bia, khu văn hóa tại làng Quần Tín để kỷ niệm cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam. Có lúc niềm vui đã đến sát sườn, nhưng rồi, tất cả qua đi, chỉ vì một nỗi: chưa có tiền. Riêng Hội Nhà văn Việt Nam mới lập dự án cho một tấm bia kỷ niệm mà cũng chưa xong anh ạ. Dân Quần Tín chúng em đã huy động của dân cho khu di tích tới 7 héc-ta đất, dân không đòi lấy một đồng. Đất đang có đó, mà nhà văn hóa thì chưa.
 
Tôi hỏi:
 
- Thanh ơi, xin lỗi nhé, mới gặp nhau cho tôi hỏi câu này: Thanh có làm cán bộ gì ở xã không mà nắm chắc Quần Tín đến vậy?
 
Thanh cười:
 
- Em là huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thọ Cường này anh ạ.
 
Tôi giơ tay bắt tay Thanh:
 
- Hèn chi. Xin chia sẻ lo toan cùng em.
 
Nguyễn Thị Thanh lại dắt chúng tôi đi lang thang. Vừa đi vừa suy nghĩ, tôi nói với Thanh:
 
-Tôi không có ý định so sánh đâu Thanh ạ, song cần nói để hiểu thêm với nhau. Thanh Hóa xây dựng tượng đài, nhà lưu niệm cho các cụ bắn rơi máy bay, vậy là quý lắm. Còn những bài hát, những câu thơ, mà dân nói rằng: mỗi câu thơ có sức mạnh bằng cả sư đoàn cũng xứng đáng dựng tượng lắm chứ. Tôi nghĩ 30 héc-ta dân Quần Tín đầu tư cho công trình, xứng đáng dựng ở đây một nhà văn hóa thật khang trang, một tượng đài có thể với nội dung lấy ý tưởng trong 2 câu thơ của Bác Hồ: “Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Đẹp bao nhiêu. Và các bài thơ ra đời tại Quần Tín như: “Đêm nay Bác không ngủ”, “Bài ca vỡ đất”, “Màu tím hoa sim”, “Phá đường”,... mỗi bài được khắc lên đá, dựng thành tượng sẽ làm cho Quần Tín giữ được không khí một thời là “Chiến khu của Văn nghệ thời kháng chiến”. Tôi tin chắc rằng lúc đó Quần Tín sẽ là nơi trở về cội nguồn của văn nghệ sĩ và là nơi đến của du khách trên đất Thanh Hóa này.
 
Thanh vui hẳn lên:
 
- Cám ơn anh đã có tấm lòng với Quần Tín chúng em.
 
Sau chuyến đi Quần Tín đầy xúc động, tôi xin lấy ý kiến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh làm kết thúc cho bài bút ký này của tôi.
 
Nguyễn Khoa Điềm nói:
 
“Quần Tín là địa danh của lịch sử cách mạng. Nên Quần Tín cần có một nhà bia ghi dấu ấy, xứng đáng cho văn hóa cả nước, làm cơ sở về nguồn cho các thế hệ mai sau mà còn phải là “địa chỉ đỏ”, 1 địa chỉ quan trọng về văn hóa và lịch sử của văn hóa trong kháng chiến chống Pháp, cần được ghi nhận và phát huy.
 
Và đây là ý kiến của Hữu Thỉnh:
 
“Việc xây dựng nhà bia vô cùng cần thiết, chúng ta phải chung tay xây dựng một khu văn hóa kháng chiến xứng tầm để tri ân cho nhân dân Quần Tín đã nhường cơm sẻ áo cưu mang các văn nghệ sĩ suốt 8 năm trời. Chúng ta chỉ làm nhà bia lưu danh những người từng đến ở Quần Tín thì chưa ổn, chúng ta phải nghĩ đến nhân dân, phải có nhà bia, nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sĩ các thế hệ đi về lâu dài trở về cội nguồn của họ”.

 

Nguyễn Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top