ClockThứ Ba, 25/04/2017 05:51

Đổi thay ở vùng kinh tế mới Ồ Ồ

TTH - Với dung tích chứa 9,6 triệu m3, đập hồ Quao đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất mùa khô hạn tại các xã gò đồi và thay đổi toàn cục vùng kinh tế mới Phong Xuân (Phong Điền).

Nước hồ Quao về đã giúp người dân phát triển nhiều mô hình kinh tế, trong đó có cây hồ tiêu

Nhớ ngày đầu lập nghiệp, ông Nguyễn Đắc Sang, Trưởng thôn Vinh Phú tâm sự: Năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, ông cùng 400 hộ dân xã Quảng Phú và Quảng Vinh đến vùng kinh tế mới Ồ Ồ thuộc Nông trường 14/12 Phong Quảng lập nghiệp; thôn Vinh Phú ra đời. Khi đó ông mới 18 tuổi; nghĩ mình sức khỏe có thì sống đâu cũng được. Tuy nhiên, khi về đây ông mới thật sự cảm thấy nhiều khó khăn, gian khổ trên đất mới.

Thuở sơ khai, ông cùng những người dân tham gia phát nương làm rẫy, chỉ có những vùng gần nước như ao, rạch, khe suối mới có thể gieo trỉa các loại cây được với vài ha lúa 1 vụ và các cây trồng khác. Để bám trụ, nhiều người dân trong vùng đã dựa vào rừng để sống như: khai thác trầm, vàng, mây, lá nón, nhặt phế liệu, bom đạn chiến tranh… Cuộc sống quá khó khăn, một số người chết do bom đạn, một số lớn bỏ đi nơi khác làm ăn. Từ 400 hộ, đến năm 1994 thôn Vinh Phú chỉ còn vỏn vẹn 100 hộ.

Ông Trần Đình Diện, người dân thôn Vinh Phú cho biết, năm 1977, ông từ thôn Vinh Ngạn, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền đăng ký lên vùng kinh tế mới Ồ Ồ lập nghiệp. Vùng đất này chỉ toàn lau lách, cây cối um tùm. Ông và những người dân khác bắt tay khai hoang để trồng khoai sắn. Do không có nước nên khoai trồng ra củ chỉ bằng viên bi, sắn chỉ có dây, không có củ. Ông đành phải lên rừng kiếm củi đổi lấy gạo ăn qua ngày.

Chăn nuôi theo đó cũng phát triển

Ở được 9 tháng, ông bỏ vào Đaklak, Đồng Nai làm ăn, sinh sống. Năm 1999, khi về cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thấy Ồ Ồ đổi thay, nước hồ Quao đã về, nên năm 2002, ông chuyển cả gia đình về Phong Xuân sinh sống. Bước đầu, được ông nội mình tạo điều kiện bằng cách cho 2 sào đất để trồng trọt, ông Diện sắm xe tải để chuyên chở hàng hóa, nông sản cho bà con trong vùng, cuộc sống dần đi vào ổn định.

Theo nhiều người dân, trước đây dù trồng được nhiều loại cây, nhưng vì thiếu nguồn nước tưới, chủ yếu “nhờ trời” nên hiệu quả bấp bênh. Trước khi có đập hồ Quao đưa nước về, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế do đất bạc màu. Chỉ có một số vùng có nước mới trồng được lúa và khoai sắn, lạc… Tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm trên 50%, còn lại chỉ đủ ăn.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho hay, nếu không có đập Quao - hồ nước Hòa Mỹ đưa về thì xã Phong Xuân chưa chắc đã tồn tại đến bây giờ. Sau khi có nước, những “vùng đất chết” ở địa phương từng bước hồi sinh. Lúa, sắn, lạc là những cây trồng chủ lực và các loại hoa màu, rau, đậu trở nên xanh tốt bốn mùa nhờ nguồn nước tưới dồi dào. Số hộ quay trở lại địa phương sinh sống ngày càng đông. Hiện nay, toàn xã có 11 thôn, 1.500 hộ với 6.500 khẩu.

Năm 1988, đập hồ Quao được khởi công xây dựng và năm 1994 chính thức đưa vào sử dụng. Khi nước về người dân nơi đây mở rộng diện tích trồng trọt. Đến nay, toàn thôn Vinh Phú đã gieo cấy 71,2ha lúa 2 vụ, 40ha sắn, 40ha lạc… và một số diện tích hoa màu khác.

Nếu trước đây, người dân chỉ sống dựa vào một vài ha lúa, lạc thì giờ đây Phong Xuân đã phủ xanh các loại cây trái, hoa màu; trong đó có những cây chủ lực. Riêng cây lúa đã phát triển lên hơn 800ha, năng suất bình quân 56,15 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 4.574 tấn/năm. Cây lạc phát triển trên 250ha, năng suất bình quân đạt 18 tạ/ha với tổng sản lượng 497,7 tấn/năm. Cây sắn phát triển lên 270ha, năng suất 251 tạ/ha, sản lượng 6.872 tấn/năm. Hơn 30 hộ dân đã trồng trên 77 ha cây cao su, trong đó 4ha đã cho mủ, sản lượng 1,8 tấn/năm.

Toàn xã trồng được 12 ha sen, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 28-30 triệu đồng. Đây là một bước chuyển mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng địa phương này. Các loại cây trồng khác cũng được người dân đưa vào khai thác; trong đó rau màu: 40 ha, tiêu: 16 ha, cây ăn quả khác 32 ha. Xã đang tiếp tục thực hiện các mô hình cải tạo vườn tạp như: trồng mới 5,15ha tiêu; 12ha bưởi da xanh, 1ha cam V2. 50% hộ gia đình trên địa bàn xã có rừng, hộ ít nhất 1ha, nhiều nhất 4ha; đây là nguồn thu nhập bền vững và lâu dài cho bà con trong vùng.

Phong Xuân phát triển đàn trâu lên 460 con, đàn bò 874 con, đàn lợn 3.600 con và đàn dê 120 con, với 24 gia trai, trang trại; trong đó có 9 trang trại tổng hợp, 15 gia trại chăn nuôi đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; 60 hộ gia đình nuôi cá nước ngọt với diện tích 30ha…

Ông Trần Văn Toàn khẳng định: Đa số người dân Phong Xuân sống chủ yếu bằng nghề nông. Chính nhờ nước đập hồ Quao về đã góp phần làm cho ngành nông nghiệp trên địa bàn xã phát triển toàn diện. Người dân mở rộng diện tích trồng lúa, rau màu, đậu, lạc, đào hồ nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; từ đó thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã phát triển. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt 31 triệu đồng/năm; chỉ còn khoảng gần 100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6%...

Bài, ảnh: Hải Huế

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
Cấm đường 71 đến các thủy điện Rào Trăng

Nhằm đảm bảo an toàn, tránh các thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lực lượng chức năng đã cấm đường 71 (Phong Xuân, Phong Điền) dẫn lên các thủy điện.

Cấm đường 71 đến các thủy điện Rào Trăng
Return to top