ClockThứ Ba, 02/09/2014 05:18

Đổi thay toàn diện

TTH - Có nhiều đổi thay kể từ thời khắc (24/8/2005), khi TP Huế được công nhận trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh. Và có lẽ đổi thay lớn nhất có thể thấy tận mắt là hạ tầng giao thông và không gian đô thị.

Từ xã lên phường

Con đường chính Nguyễn Hoàng nối phường Kim Long với Hương Long được chia đôi cho mỗi bên, bên tay phải từ đường Kim Long và bên tay trái thuộc Hương Long. Từ sau khi Hương Long trở thành phường đã không còn mang tiếng nửa quê, nửa phố. Nay đoạn từ Phạm Thị Liên trở vào qua trụ sở UBND phường đến gần đường Lý Nam Đế được đầu tư mở rộng, láng nhựa tinh tươm. Theo quy hoạch, con đường này còn được mở rộng lên 43m nối liền với đường Nguyễn Văn Linh, trở thành đại lộ chính ở phía Bắc TP Huế.
Đường Đống Đa hoàn thành, thay đổi diện mạo khu vực phía Nam TP Huế
Đó là chuyện trong nay mai, còn cái hiện hữu mà người dân nơi đây có thể thấy, cảm nhận được trong đời sống hàng ngày đó là từ thôn, xóm trở thành tổ dân phố, đường kiệt. Nhà có số, phố có tên và trong các giấy tờ, hộ khẩu cũng được điều chỉnh phù hợp. Mỗi khi có việc cần liên lạc qua đường bưu điện, người dân có thể dễ dàng, thuận tiện.
Cùng với Hương Long, một loạt xã khác cũng được phê duyệt công nhận trở thành phường trong quảng thời gian 9 năm, kể từ khi Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, gồm: An Tây, An Đông, Thủy Biều, Thủy Xuân, Hương Sơ và nhờ thế, Huế trở thành TP có 100% phường trực thuộc, không có xã với tổng cộng 27/27 phường.
Thuận lợi nữa cho chính quyền và người dân Hương Long là kể từ khi trở thành phường, có thêm nhiều tổ chức đoàn thể, nhất là các chi bộ trực thuộc. Nhờ thế mà việc lãnh đạo sâu sát hơn. Nhiều nguyện vọng, mong muốn, bức xúc của dân kịp thời được chuyển tới các cấp chính quyền để tìm phương án xử lý. Ví như, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Thay vì trồng lúa hai vụ toàn diện tích nông nghiệp như trước, Hương Long bây giờ trở thành vựa rau, hoa màu của TP Huế. Thu nhập của người dân cũng nhờ đó mà tăng lên gấp hai ba lần so với trồng lúa chuyên canh.
Là phường ven đô, với những tiềm năng lợi thế sẵn có về du lịch, Hương Long đã mạnh dạn kết nối cùng với một số doanh nghiệp mở tour tuyến. Đã có doanh nghiệp đến khảo sát và tổ chức tour tham quan bằng thuyền du lịch theo sông Bạch Yến ngắm nhìn khung cảnh, sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông, trước khi đỗ ở bến Lệ tham quan một số nhà rường, nhà vườn truyền thống, rồi cùng thưởng thức những món ăn ngon, đặc sản xứ Huế do chính chủ các ngôi nhà vườn thực hiện. Với tour du lịch sinh thái này, phường Hương Long kỳ vọng sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho người dân, đồng thời, tạo được ấn tượng với du khách, như kiểu du lịch miệt vườn ở miền Tây.
 
Đường rộng, cầu thông
Người dân hai phường Kim Long, Hương Long và cả vùng Hương Hồ (Hương Trà) là những người được hưởng lợi ích trực tiếp nhất kể từ khi cây cầu Dã Viên bắc qua sông Hương được đầu tư hoàn thành. Theo đánh giá của những người làm công tác quy hoạch, thì cùng với việc đầu tư cây cầu này, hạ tầng đô thị Huế tiếp tục được nâng lên. Tức là vừa có nhiệm vụ giảm tải cho hai cây cầu hiện hữu Phú Xuân và Trường Tiền, vừa thể hiện được tính hiện đại, trong cả kiến trúc quy mô và trong tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư của chính quyền. Cùng với cầu Dã Viên, một loạt cây cầu bắc qua sông An Cựu cũng được nâng cấp vừa đảm bảo lưu thông, vừa cải thiện hạ tầng đô thị Huế. Cảnh quan hai bên bờ An Cựu cũng được quan tâm chỉnh trang, làm đẹp. Sắp tới, khi triển khai, dự án cải thiện môi trường nước TP Huế còn triển khai nạo vét, xây bờ kè đoạn cuối sông An Cựu sẽ đảm bảo khơi thông dòng chảy, tạo thêm điểm nhấn cho khu vực phía Nam TP Huế.
Với các tuyến đường chính qua trung tâm TP Huế, có thể kể đến đầu tiên là việc mở rộng đường Lý Thường Kiệt. Tuyến đường kiểu mẫu này khi đưa vào sử dụng nhận được không ít lời khen ngợi của giới chuyên môn, người dân Huế và cả du khách. Tiếp nối thành công đó, đường Đống Đa rộng 36m vừa hoàn thành đầu năm nay với hệ thống cây xanh, vỉa hè, cấp thoát nước hoàn chỉnh tạo đã tạo ra sự kết nối cho khu phố năng động, sầm uất nhất của phía Nam TP Huế.
Sắp tới, khi đường Điện Biên Phủ, rộng 18,5m-26m hoàn thành, chắc hẳn khu vực phía Nam Huế sẽ thay đổi diện mạo lớn, tạo ra điểm nhấn mới cho khu vực phía Tây TP Huế. Khi đó, giao thông kết nối giữa TP Huế với các điểm tham quan, di tích phía Tây, gồm khu Chín Hầm, đền Huyền Trân Công Chúa, lăng Minh Mạng, Tự Đức...
Khu đô thị, dân cư được đầu tư bài bản
KTS Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, quá trình đô thị hóa, nhất là từ khi Huế trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh có thể nhìn thấy rõ nhất ở việc đầu tư hạ tầng các khu dân cư và khu đô thị mới, nhất là với các khu dân cư An Hòa, Hương Sơ, Kim Long, Xuân Phú... và Khu đô thị mới An Vân Dương.
Dù là mục đích tái định cư hay khu quy hoạch mới, thì có thể thấy ở các khu dân cư này, người dân bắt đầu thay đổi nếp nghĩ, cách sống, nhất là với chương trình, dự án lớn: Có thể nói, thành công của lãnh đạo tỉnh, TP Huế trong dự án Giải tỏa dân vạn đò không chỉ là giải quyết dứt điểm một thực trạng, mà còn mở ra cho người dân vạn đò cơ hội mới: Trẻ được đến trường, dân được ở nhà kiên cố, hạ tầng điện nước đầy đủ, mỹ quan đô thị bớt nhếch nhác, môi trường các dòng sông trong xanh hơn...
Với Khu đô thị mới An Vân Dương, dù chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhưng đã có những đầu tư bước đầu. Khi An Cựu City hoàn thành đưa vào sử dụng, một loạt tuyến đường kết nối được mở ra, trong đó có tuyến 100m nối An Cựu City với Đông Nam Thủy An tạo thành một vệt thống nhất và cùng với tuyến Tự Đức - Thủy Dương - Thuận An mở ra cơ hội phát triển cho người dân vùng ven đô và các phường, xã lân cận. Cũng trên tuyến đường này, các khu quy hoạch, tái định cư phục vụ dự án cũng được đầu tư hoàn chỉnh, như Khu tái định cư Thủy Vân 1, 2...
Dù đã có nhiều thành tựu, song để trở thành TP trực thuộc trung ương, Huế cần nhiều đầu tư hơn nữa. Nói như KTS Huỳnh Quang, dù các đô thị khác như Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An... cũng cần đầu tư, nhưng phải xác định Huế là đô thị cần ưu tiên tập trung đầu tư trước. Bởi Huế chính là bộ mặt, là linh hồn của Thừa Thiên Huế. Khách đến Huế chủ yếu để biết TP Huế như thế nào. Vì thế, Huế cần lắm sự đầu tư về cả hình ảnh, từ những điều nhỏ nhất, đến cả những tiêu chí đang còn thiếu, như điện chiếu sáng, rác thải, vệ sinh môi trường...
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top