ClockThứ Hai, 05/07/2021 06:18

Đổi thay từ những con đường vùng biên - Kỳ 1: Kết nối, thúc đẩy kinh tế

TTH - Không chỉ thay đổi diện mạo, những tuyến đường được mở ra tháo gỡ “điểm nghẽn” lưu thông hàng hóa, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, giúp A Lưới sớm trở thành đô thị vùng cao năng động.

Bộ đội Biên phòng vận động học sinh đến trườngChung tay xây dựng nông thôn mớiThí sinh vùng núi đi thi

20 năm trước, thật khó tưởng tượng lại có những con đường được bê tông hóa vào tận ngõ và hơn hết là giấc mơ đổi thay cuộc sống từ những con đường ở Âr Bả Nhâm (xã Quảng Nhâm) cùng nhiều nơi khác thuộc huyện A Lưới.

Tuyến đường ở xã Hồng Bắc

"Chiếc áo mới" cho bản làng

Xua tay tỏ ý cản tôi đếm xe, anh A Kiêng Sang, Trưởng thôn Âr Bả Nhâm vận dụng trí nhớ, lấy danh sách từ trong đầu ra, khẳng định chắc nịch: “Toàn thôn có 160 hộ, 672 nhân khẩu. 80% trong các hộ đã có xe máy, nhờ đường sá thuận lợi”.

Với những người lớn lên ở quê hương vùng biên như A Kiêng Sang và cả Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, ông Hồ Trọng Chăn, đường sá được đầu tư, cuộc sống người dân cũng sang trang mới. Ông Chăn kể: “Thời ấy, đường liên xã chỉ là lối mòn. Khoảng những năm 90, tôi đi học phải cuốc bộ, bỏ sách vở trong bụng thắt áo lại. Do bùn lầy, số lần té ngã không đếm xuể, nhiều khi tới nơi thì sách vở không còn dùng được”.

Sự khác biệt, theo ông Chăn, phải tính mốc từ năm 2000, khi những dự án (DA) đầu tư đường giao thông nông thôn (GTNT) từ Chương trình 135 mở ra và tiếp đó là DA từ chương trình nông thôn mới (năm 2010). Địa hình ở A Lưới chủ yếu đồi núi, đời sống người dân nghèo nên xây dựng đường sá vốn vất vả. Kinh phí từ các chương trình, DA về còn phải trải qua khâu tính toán, phân bổ hợp lý. Thay vì đóng góp 10 - 15%, người dân lấy công bù vốn. Thời điểm ấy, phong trào làm đường trở nên rầm rộ. Huyện A Lưới phải giao các xã họp dân, vận động người dân hưởng ứng. Nơi nào người dân ủng hộ, đồng thuận cao thì ưu tiên trước. Để có đường, người dân nhiều xã đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất. Làm đường theo chiến lược “cuốn chiếu”, đến năm 2019, đường GTNT ở các xã, thị trấn cơ bản đáp ứng, tỷ lệ cứng hoá GTNT đến nay lên 98,2%.

Đường nông thôn chỉ rộng 2,5 – 3,5 mét, nhưng với người dân A Lưới, sự thay đổi được ví như cuộc cách mạng. Theo người dân thôn Âr Bả Nhâm, khi con đường mòn được thay thế bằng đường bê tông vào thôn năm 2005, cư dân bên đồi không còn sợ bị cô lập mỗi mùa mưa bão. Từ chỗ học sinh đến trường ít, đến nay gần như toàn bộ trẻ mầm non đã được đến lớp. Còn với người dân xã Đông Sơn, những con đường dù được đầu tư sau, nhưng không muộn. “Đường cấp phối vào thôn nối hai thôn Loah Tavai và Tru Chaih. Đường vượt qua những khe suối. Dù đến nay chưa hoàn thành 100% nhưng bà con có thể đi lại, thoát khỏi cảnh cực khổ vì thiếu đường”, anh Hồ Văn Thuôn, người dân xã Đông Sơn phấn khởi.

Người dân 12 xã biên giới của huyện A Lưới phấn khởi vì có những con đường “ngon”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Huyện vận dụng nhiều nguồn và hầu khắp các thôn, bản đã kiên cố hóa được đường sá. Đường tỉnh 20 được đầu tư mở rộng 5km qua trung tâm xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái. Từ nguồn 135, các xã được đầu tư 25,5km đường GTNT; 9,8km đường nội đồng. Bên cạnh đó, nguồn từ các DA (nhất là DA LRAMP) đã đầu tư 8 cầu cứng, 2 cầu treo, 11,2km đường GTNT”.

Tuyến đường vào trung tâm xã Quảng Nhâm được đầu tư hoàn thiện

Kinh tế hộ gia đình khá lên theo

Huyện vùng biên A Lưới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Nghiệp bám rẫy, bám rừng bao đời nhưng đã từng có người nghĩ đến chuyện ly hương. Anh Hồ Văn Than (xã A Roàng) kể: “Hồi trước làm rừng, xe không vào được tận nơi nên phải dùng sức trâu, bò. Thu hoạch chậm, thương lái ép giá”.

Sau những con đường GTNT, các DA đường nội đồng, đường giao thông phục vụ sản xuất cũng được đầu tư, trở thành “cứu cánh” cho nông dân, nhất là khi có chương trình nông thôn mới. Ông Hồ Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy so sánh, bây giờ không chỉ ô tô vào tận bản mà xe của thương lái có thể vào gần rừng để thu hoạch keo tràm cho người dân. Năng suất thu hoạch nhanh gấp 3 – 4 lần trước đây.

Dọc các xã biên giới ở A Lưới, mô hình trồng chuối già lùn và đặc sản địa phương ngày càng nhiều. Không bất ngờ khi người dân lý giải, đường thông thoáng khiến mọi hoạt động trở nên thuận lợi. “Bây giờ, đường tới thị trấn dường như ngắn lại nhờ đường đi dễ. Chúng tôi cũng kiếm được thêm được thu nhập từ mảnh vườn của mình”, bà Hồ Thị Thương (xã A Roàng) trải lòng.

Nội thị có điểm nhấn

A Lưới có 18 xã, thị trấn. Nhiều người mới đặt chân đến A Lưới, dừng chân ngay ở thị trấn đã bất ngờ với hạ tầng đường giao thông tại vùng nội thị.

Thị trấn A Lưới được hình thành khá muộn (năm 1995) trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Hồng Nam cũ, một phần diện tích và dân số của các xã: A Ngo, Hồng Quảng. Cùng với sự đầu tư ở các xã biên giới, diện mạo thị trấn vùng cao toát lên được điểm nhấn với những con đường ngang dọc được thảm nhựa và chiếu sáng ban đêm.

Thị trấn A Lưới như điểm giữa, hình thành các tuyến đường kết nối. Nơi đây như điểm để kết nối tuyến đi 2 cửa khẩu, phía Bắc là Hồng Vân – Cô Tài và phía Nam là A Đớt – Tà Vàng. Vùng trung tâm huyện lỵ có bến xe kết nối tuyến trở lại TP. Huế thông qua Quốc lộ 49. Phạm vi nội huyện, thị trấn A Lưới có thể kết nối các tuyến liên xã đi A Ngo, Hồng Bắc… Các tuyến đường nội thị mở ra nhiều lựa chọn cho người dân.

Nhiều lần ngang qua khu vực trung tâm những huyện miền núi ở Đông Giang, Bắc Trà My (Quảng Nam) hay Nam Đông (Huế), tôi vẫn trộm so sánh và có cảm giác thích hệ thống đường giao thông khu vực nội thị ở thị trấn A Lưới. Mặt đường khá rộng, được thảm nhựa, vỉa hè trang trí kèm cây xanh, hoa…

Ấn tượng là công tác chỉnh trang đô thị, đầu tư hạ tầng giao thông luôn được quan tâm. Những năm gần đây, A Lưới đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường nội thị: Quỳnh Trên, Kim Đồng, Konh Hư, Trường Sơn... Năm 2020, có 28 tuyến đường giao thông nội thị A Lưới được mở rộng, nâng cấp. Từ những DA hỗ trợ của Trung ương và địa phương, những con đường khác đang được tiếp tục đầu tư hiện đại và thông thoáng, tạo thành nhân tố kết nối phát triển…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Kỳ 2: Phá thế độc đạo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thông qua việc thực hiện các dự án (DA) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi “giảm sâu”, nhiều mô hình kinh tế mở ra hướng đến sản xuất bền vững.

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia
Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ

Sinh năm 1989, yêu hội họa từ thời bé, năm 2010, Lê Duy Ngọc rời quê hương Tuyên Hóa, Quảng Bình vào Huế để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và tìm con đường chinh phục ước mơ.

Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ
Return to top