ClockThứ Sáu, 06/05/2016 14:31

Dõi theo con sóng

TTH - Sau thời gian dài lo lắng bởi nghề buôn cá rơi vào ế ẩm thì nay, chị Trần Thị Thanh (xã Phú Xuân) đã hớn hở khi hai ngày trở lại đây việc buôn cá biển đem đi bán ở chợ đã dần phục hồi trở lại, người mua tiêu thụ nhanh hơn.

Cũng như bao nhiêu vùng biển, đầm phá khác, những ngư dân, người làm nghề buôn bán cá buồn bởi ảnh hưởng của hiện tượng cá chết bất thường thời gian qua. Hình ảnh con cá, con tôm gắn với họ bởi đó là nghiệp mưu sinh, là miếng cơm, manh áo. Dẫu biết khó khăn nhưng không còn cách nào khác…

Không như trước, thuyền ở các vùng biển bãi ngang bây giờ ít vươn khơi

Gần 30 năm lấy nghề buôn cá làm kế mưu sinh, bà Võ Thị Ánh (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) bảo rằng, đây là lần đầu tiên bà rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chỉ mới ít ngày trước, bà khấp khởi mừng vui vì thông tin cá sạch, cá an toàn. Vậy mà, sáng 4/5, bà cùng nhiều tiểu thương khác vẫn ngồi quạt nón bên hiên nhà. “Bình thường mỗi ngày tui mua đến một vài tạ nhưng hôm ni, chẳng có chiếc thuyền nào ở Hải Dương đánh bắt cá cả”, bà Ánh nói.

Theo dọc Quốc lộ 49B, đoạn ngang qua các xã ven biển Quảng Ngạn, Quảng Công, Phong Hải vắng bóng tiểu thương buôn cá. Sạp cá ở các ngôi chợ của những xã này cũng vắng vẻ. Hỏi về chuyện về các tiểu thương buôn cá, ai cũng xua tay: “Nghỉ hết rồi chú ơi, cá biển chừ họ ít mua, tiểu thương họ nghỉ bán chờ tình hình khá hơn”.

Tôi liên lạc với anh bạn cùng quê Lê Văn Cường (xã Điền Hòa, Phong Điền), chuyên thu mua, bán lẻ các loại cá biển để hỏi tình hình, Cường buồn bã: “Biển mình bây giờ mùa cá trích, cá hố nhưng có ai đi mô. Mấy hôm trước, tui có buôn cá để bán cho bà con nhưng rất ế, giá lại rẻ nên lỗ vốn.

Hơn hai ngày trở lại đây, không khí mua bán cá, ngược xuôi phố phường đưa cá vào chợ đã phần nào giúp ngư dân, người buôn bán cá lẫn người tiêu dùng lại được niềm vui, nhưng vẫn còn những nỗi lòng khó diễn tả. Chị Đặng Thị Bằng, một người có thâm niên hơn 20 năm buôn cá rào ở thôn Triều Thủy (Xã Phú An, Huyện Phú Vang) buồn rầu khi kể với chúng tôi hơn một tháng nay phải “nằm bờ” vì người tiêu dùng e ngại. Ngại cá biển đã đành, dần chuyển sang lo sợ rồi ngại luôn cá đầm phá mặc dù giá cá đã giảm. “Hôm nào đi buôn có đồng ra đồng vào, lo được chi phí sinh hoạt và học cho con cái. Hơn nửa tháng trời ở nhà, lo đủ bề”, chị Bằng tâm sự.

Tiểu thương buôn bán cá biển tại các vùng bãi ngang gặp nhiều khó khăn

Những người buôn cá biển, cá rào sống quanh khu vực gần Thuận An như Phú Dương, Phú Mỹ, Phú An, Phú Xuân… thấp thỏm lo âu. Buôn cá biển ít người ăn, cá rào đã giảm giá cũng lo sợ không ai mua. Hỏi mấy tiểu thương, ai cũng buồn nhưng họ không mất niềm tin. Với họ, cái lý buồn vui luôn rõ ràng. Có những ngày buôn bán cá lời, thì cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh như vậy. “Nghề nào cũng rứa thôi các chú ơi. Cũng có lúc ni, lúc khác chớ đâu phải khi nào cũng được mùa, khi nào cũng có lời”, chị Nguyễn Thị Cảnh (trú xã Phú Tân, Huyện Phú Vang), tiểu thương chợ Đông Ba chia sẻ.

Dọc theo vùng ven biển bãi ngang của các xã Ngũ Điền, Quảng Điền, Hương Trà, dễ nhận thấy là những chiếc thuyền còn nằm bờ. Lê Văn Mĩnh, nhân vật mà chúng tôi từng đề cập về tấm gương người trẻ mê biển ở xã Điền Hòa cách đây không lâu chẳng giấu nỗi lòng: “Mới đầu tư chiếc thuyền và vàng lưới mất mấy chục triệu để bám biển. Rứa mà bây giờ, thuyền còn nằm ngủ, không vươn khơi cảm thấy có lỗi với nghiệp ông cha để lại, còn vươn khơi cũng khó vì cá ít người mua”.

Mâm cơm của gia đình Mĩnh cũng vắng luôn món cá biển. Hỏi: Tại sao? Mĩnh bảo, mình có đi biển mô mà có cá. Ở chợ họ cũng không bán cá biển thì lấy mô ra cá để ăn. “Không đi biển chắc sắp tới mình phải trở lại với nghề sửa xe máy thôi. Nếu không, lấy mô ra tiền để trang trải cuộc sống” Mĩnh trầm tư.

Về Phong Hải, xã biển duy nhất của huyện Phong Điền, ngư dân cũng không mặn mà lắm với việc vươn khơi. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải thừa nhận: “Là xã biển nhưng bây giờ số lượng tàu thuyền vươn khơi rất ít. Thông tin cá chết bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con. Lâu nay, người dân dựa vào việc đánh bắt hải sản nhưng giờ đánh bắt vào không ai mua, thu nhập của họ vì thế trở nên eo hẹp. Chợ cá Phong Hải trước đây tấp nập kẻ bán người mua. Bây giờ, chợ vắng bóng tiểu thương bán cá”.

Biển bãi ngang buồn nhưng tàu đánh bắt xa bờ đã có những dấu hiệu khả quan. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Cảng cá Thuận An, ông Nhuận cho hay, lượng tiêu thụ cá trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại, kéo theo đó tàu bè vươn khơi đánh bắt cũng tăng lên. “Mấy ngày qua, lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh cũng như Quảng Nam, Quảng Ngãi cập cảng đã tăng lên. Ngày ít cảng đón 5 tấn cá, nhiều thì lên đến hơn 70 tấn. Hầu hết các loại cá như cá nục, cá hố, cá chim… Thương lái khắp nơi đổ về mua đông đúc hơn, dần dần sẽ hoạt động trở lại bình thường”, ông Nhuận thông tin.

Những ngày trở lại đây, khi Bộ Tài nguyên Môi trường công bố kết quả quan trắc, khẳng định môi trường chất lượng nước biển ven bờ nằm trong giới hạn cho phép, hoạt động đánh bắt, thu mua, dịch vụ nghề cá và dịch vụ du lịch biển đã có dấu hiệu phục hồi. Những phiên chợ cá từ tàu đánh bắt xa bờ bắt đầu tấp nập, người tiêu dùng phần nào lấy lại được niềm tin từ con tôm, có cá do chính ngư dân mình đánh bắt. Chị Thanh tâm tình: “Người mua vẫn chưa nhiều nhưng như vậy là tốt rồi. Ngoài chuyện có đồng ra đồng vào nhờ nghề bán cá, đây cũng là lúc chúng tôi đồng hành cùng ngư dân lẫn người tiêu dùng tuyên truyền cho hải sản sạch, giúp ngư dân mình yên tâm bám biển”.

Thời gian qua, xuất hiện tin đồn cá mú chết khiến việc kinh doanh của các hàng quán gặp nhiều khó khăn. Lượng khách du lịch về đầm Chuồn cũng giảm hẳn. Anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ quán Đầm chuồn hội quán cho biết, so với thời điểm này năm ngoái, lượng khách du lịch giảm đến hơn 50%. Các món ăn hải sản không bán nhiều được mặc dù đã có sự tư vấn cặn kẽ của chủ quán.

Bài, ảnh: LÊ THỌ - PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

Lễ xuất quân đánh bắt thủy sản năm 2024 của ngư dân xã Phú Hải diễn ra vào sáng 27/2, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi
Đời neo bên chân sóng

Họ bám biển có chăng bởi niềm đam mê truyền kiếp. Tôi đã thấy, sâu thẳm trong đôi mắt của những con người ấy chất chứa bao nỗi ưu tư.

Đời neo bên chân sóng
Return to top