Thế giới

Đối thoại Mỹ-Trung: Mỹ quan ngại về tranh chấp biển và an ninh mạng

ClockThứ Tư, 24/06/2015 16:12
TTH.VN - Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng tại các vùng biển ở Đông Á cũng như các vụ tấn công mạng, tại Đối thoại Mỹ - Trung lần thứ 7.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định sẽ không để những bất đồng về an ninh ảnh hưởng tới quan hệ chung giữa hai nước.

Trong 2 ngày đối thoại, các quan chức hàng đầu hai nước tập trung bàn thảo một loạt các vấn đề, trong đó có tiến trình đàm phán hiệp định đầu tư song phương đang bị ngưng trệ trong nhiều năm qua, môi trường và biến đổi khí hậu, an ninh mạng và căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông. Hai bên cũng thảo luận các bước chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.

Doi thoai My-Trung: My quan ngai ve tranh chap bien va an ninh mang hinh anh
Mỹ thông báo những quan ngại về tranh chấp biển và an ninh mạng tại Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung (ảnh: Reuters)

Phát biểu tại phiên khai mạc đối thoại vào tối 22/6, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế.  Ông Biden nêu rõ Mỹ và Trung Quốc có nhiều bất đồng sâu sắc nhưng quan hệ song phương là “quá quan trọng” và thế giới phụ thuộc vào sự thành công chung của hai nước. 

“Chúng ta cần trung thực và thẳng thắn về việc quan hệ hai nước hiện ở đâu và những gì đặt ra phía trước cho mối quan hệ sẽ định hình thế kỷ 21 này. Hai nước còn bất đồng trong nhiều vấn đề quan trọng nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta ngừng hợp tác với nhau.”

Phó Tổng thống Biden cũng đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với Trung Quốc khi nhấn mạnh rằng các quốc gia có trách nhiệm cần tuân thủ luật pháp quốc tế và phối hợp với nhau để đảm bảo các tuyến hàng hải quốc tế luôn được khai thông đối với hoạt động thương mại. Theo ông Biden, 80% hàng hóa thế giới được vận chuyển qua đường biển và việc mở cửa cũng như bảo vệ các tuyến hàng hải đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết do sự liên kết của toàn thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm căng thẳng chứ không phải “thêm dầu vào lửa” tại Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời nêu rõ Trung Quốc và Mỹ cần nghiêm chỉnh thực hiện những cam kết đã đưa ra trong mọi lĩnh vực.  

“Chúng ta không thể cam kết một đằng rồi sau đó lại làm một nẻo. Chúng ta phải tôn trọng những cam kết mà mình đưa ra, và thế giới đang dõi theo Trung Quốc và Mỹ thực hiện những cam kết đó.”

Về phần mình, Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ xây dựng với Mỹ khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông bày tỏ:

“Mỹ và Trung Quốc cần duy trì quan hệ song phương theo đúng quỹ đạo, miễn là chúng ta chia sẻ một quan điểm tổng thể, tôn trọng và chấp nhận các lợi ích cốt lõi của nhau, cam kết thực hiện cách tiếp cận mang tính xây dựng để giảm hiểu lầm và toan tính sai.”

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng khẳng định rằng dù hai bên còn bất đồng nhưng đối thoại luôn được ưu tiên hơn đối đầu.

Liên quan đến các vụ tấn công mạng mà Mỹ cáo buộc do Trung Quốc thực hiện, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew thẳng thắn bày tỏ đây là hành động không thể chấp nhận được đối với một chính phủ:

“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về việc Chính phủ Trung Quốc bảo trợ cho hoạt động đánh cắp thông tin kinh doanh mật và công nghệ độc quyền của các công ty Mỹ. Hành động này vượt ra ngoài ranh giới của cách hành xử có thể chấp nhận được đối với một nhà nước trong lĩnh vực không gian mạng.”

Đáp lại, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mỹ trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ. An ninh mạng rất quan trọng và các nước cần hợp tác phát triển bộ quy tắc ứng xử quốc tế về chia sẻ thông tin mạng.

Tại cuộc đối thoại, hai bên cũng thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong các vấn đề nóng hiện nay như chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran, tình hình Afghanistan, hỗ trợ phát triển toàn cầu, chống khủng bố và dịch bệnh. Hai bên cũng đang xem xét một dự án năng lượng tái tạo, theo đó khí CO2 phát thải từ các nguồn như nhà máy nhiệt điện sẽ được thu hồi để tái sử dụng hoặc lưu trữ nhằm không để lượng khí độc hại này xâm nhập bầu khí quyển./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
175 quốc gia đàm phán về hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa

Các nhà đàm phán từ 175 quốc gia sẽ nhóm họp từ ngày 23 - 29/4 tại thủ đô Ottawa của Canada để đưa ra một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc nhằm chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa, với nhiều điểm vướng mắc cần được giải quyết, 5 tháng sau khi vòng đàm phán gần đây nhất được tổ chức ở Kenya.

175 quốc gia đàm phán về hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Return to top