ClockThứ Sáu, 23/04/2021 16:10

Đối trọng cần để giữ rừng

Xác minh, làm rõ thông tin cắt xén tiền bảo vệ rừngKiểm tra thông tin rừng Tùng Ta Lăng bị chặt pháPhát hiện rừng ở A Lưới bị đốn hạLại lo nạn phá rừng ở A Lưới

Giữa khi vụ đốn cây lấy gỗ ở xã Hồng Thủy (A Lưới) vẫn đang được các cơ quan chức năng vào cuộc theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh chiều 16/4 về việc cương quyết điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng… thì tối 21/4 vừa qua, trong chương trình thời sự của mình, Đài Phát thanh & truyền hình tỉnh (TRT) phản ánh tiếp về một vụ phá rừng mới, ngay tại địa bàn này với những hình ảnh cây gỗ lớn bị đốn hạ, xẻ gỗ. Vụ việc được phát sóng lần này chỉ cách lần phát sóng đầu tiên 8 ngày và cách buổi làm việc với các đơn vị về công tác quản lý và bảo vệ rừng tại UBND tỉnh 6 ngày. Những hình ảnh trên kênh truyền hình của TRT cũng cho thấy, gỗ được khai thác không hề thuộc nhóm rừng nghèo và cung cách khai thác cũng không phải là nhỏ lẻ như nhìn nhận trước đó của cơ quan chức năng.

Rõ ràng, dù đã được thông tin, cảnh báo, chỉ đạo xử lý ngay nhưng vấn nạn phá rừng vẫn chưa thể kiểm soát được. Lâm tặc vẫn rất manh động. Ít và mỏng, nhưng lại phải quản lý một địa bàn rộng và phức tạp là một yếu thế của lực lượng kiểm lâm. Đối tượng vi phạm phần lớn là người ngoài địa phương, công tác rà soát, nắm bắt thông tin khó khăn cũng là căn nguyên khác dẫn đến tình trạng phá rừng là những điều được báo cáo. Tuy nhiên, đây không phải là cách trả lời thuyết phục cho việc vì sao tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra và diễn ra ngay khi lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu phải cương quyết điều tra, xử lý.

Nhìn từ sự việc được thông tin từ TRT, có thể nhận thấy từ một khía cạnh khác là việc giao rừng cho các tổ cộng đồng, nhóm hộ gia đình còn có nhiều điều bất khả kháng. Đây cũng là điều đã được ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thừa nhận với phóng viên VOV. Theo ông Tuấn, người dân còn ỷ lại lực lượng kiểm lâm, chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng cộng đồng. Bên cạnh đó, “việc quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, gắn kết cộng đồng ở bản địa ở đây đối với rừng nhưng thực ra hưởng lợi 300.000 đồng/ha cũng chưa đáp ứng được đời sống của bà con…” (vov.vn ngày 18/4).

Đây mới là những vấn đề cơ bản mà nếu không giải quyết được, sẽ không tạo ra được đối trọng hiệu quả trong cuộc chiến giữ rừng. Dài hơi hơn, cùng với việc xây dựng một lực lượng kiểm lâm đủ mạnh về nhân lực, phương tiện, vật lực hỗ trợ; tạo cơ chế phối hợp và quy trách nhiệm/chế tài cụ thể cho từng cơ quan quản lý, bảo vệ rừng, phải xây dựng được ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. Ý thức đó, phải được đi cùng với trách nhiệm và quyền lợi nữa.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
Return to top