ClockThứ Sáu, 25/11/2016 05:46

“Đội” ứng phó thảm họa thiên tai

TTH - Đến mùa lụt bão, Đội ứng phó thảm họa Phong Điền (Đội UPTHPĐ) lại “căng mình” ở những vùng xung yếu, trọng điểm giúp dân sơ tán, phòng chống thiên tai. Khi cơn “bĩ cực” đi qua, họ lại lặng lẽ về từng thôn xóm giúp dân khắc phục, dọn dẹp nhà cửa, mang những phần quà thiết thực đến với đồng bào.

Từ trận lụt lịch sử

Trong ký ức người dân xứ Huế trận lũ năm 1999 không chỉ đi vào lịch sử với bao đau thương mất mát mà còn để lại nhiều bài học về công tác phòng, chống lụt bão. Sau trận lụt Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Phong Điền đứng ra kêu gọi một số cán bộ, thanh niên, giáo viên chủ yếu sống ở vùng cao Phong Thu với tinh thần tự nguyện ứng cứu Nhân dân vùng lũ. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, thành viên trong Hội CTĐ vận động bà con vùng cao tập trung nấu cơm vắt, mì tôm, bánh tét, chuyển đến cho bà con vùng lũ bị chia cắt và tham gia cùng các đoàn cứu trợ bốc vác hàng hóa, phân hàng đến vùng lũ một cách kịp thời.

Đội ứng phó thảm họa Phong Điền trong một lần cứu trợ bà con vùng lũ 

Năm 2000, UBND huyện Phong Điền thành lập Đội Thanh niên xung kích chữ thập đỏ với 20 thành viên trên cơ sở những thanh niên tình nguyện thuở ban đầu. “Trên cơ sở mô hình hoạt động của đội này, Ban Thường trực Hội CTĐ tỉnh nhận thấy đây là một mô hình hay và hiệu quả nên đã đề xuất Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và Hội CTĐ Đức tài trợ Dự án Phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng tại huyện Phong Điền. Qua đó, đã thành lập Đội UPTHPĐ gồm 25 thành viên, trực thuộc Hội CTĐ Phong Điền. Đây cũng là Đội UPTH đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập”, ông Hoàng Đức Linh, Đội trưởng đội UPTHPĐ cho biết.

Các thành viên trong đội, được dự án tập huấn các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, giúp người dân trước, trong và sau thiên tai; trang bị một số thiết bị cá nhân cho các thành viên hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hiền, thành viên của Đội UPTHPĐ chia sẻ: “Đội hoạt động khá “chuyên nghiệp”. Mỗi khi có thiên tai, lụt bão, lãnh đạo đội “lên lịch” phân công các thành viên trực và cảnh báo nắm tình hình tại các vùng trọng điểm, xung yếu. Có sự hướng dẫn, đưa đón Nhân dân di chuyển tránh trú an toàn”.

Ông Đoàn Văn Lai, Chủ tịch Hội CTĐ Phong Điền chia sẻ: “Đội có 25 thành viên, được phân bố đều trên 16 xã, thị trấn và một số cơ quan trên địa bàn huyện. Các thành viên có độ tuổi từ 20-35, có vai trò nòng cốt trong hoạt động của Hội CTĐ như tuyên truyền vận động, hiến máu tình nguyện, tham gia tết vì người nghèo và phối hợp với đội ứng phó cấp tỉnh khi có yêu cầu.

Về với dân

Ông Hoàng Đức Linh cho biết, trước mùa mưa bão, đội thường có kế hoạch hoạt động, phân công trách nhiệm rõ ràng từng nhóm thành viên về “trực chiến” tại các vùng xung yếu, thấp trũng như Ngũ Điền, Hòa Bình Chương, Phong Thu, Phong Hiền, sẵn sàng tham gia ứng cứu, phối hợp với lực lượng tại chỗ khi cần thiết.

Anh Nguyễn Quang Thuận, thành viên của Đội UPTHPĐ nhớ lại: “Trận lụt năm 1999, khi đi đến khu vực thượng nguồn sông Ô Lâu, nước lớn thuyền không thể qua được vùng Vân Trạch Hòa (xã Phong Thu) và Hưng Thái (xã Phong Mỹ). Đang loay hoay chưa biết xử trí thế nào thì một thành viên trong đoàn chợ lóe lên ý nghĩ: Mượn thuyền lớn của bà con buôn tre lồ ô nơi vùng thượng nguồn. Thấy được sự thiện nguyện, trách nhiệm của các thành viên trong việc ứng cứu bà con vùng lũ, các thương thuyền vui vẻ đồng ý. Thế là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên vượt sóng lớn đến với người dân vùng chia cắt”.

Thành viên Nguyễn Thị Hòa chia sẻ: “Sau trận lốc xoáy lớn diễn ra trong tháng 4 vừa qua tại xã Phong Hiền, Đội UPTHPĐ đã phối hợp với Hội CTĐ tỉnh, huyện kêu gọi các tổ chức cứu trợ vật liệu lợp lại mái nhà, hỗ trợ gạo kịp thời cho bà con vùng thiên tai với tổng trị giá 82 triệu đồng”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lần cứu trợ với Đội trưởng Hoàng Đức Linh là vào năm 2000. Thời điểm đó, đội tiếp nhận một khối lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm trị hàng tỷ đồng của Liên minh cứu trợ trẻ em. “Một khối lượng hàng hóa nhiều như thế đến tay đội đã thể hiện sự tin tưởng của các tổ chức,  nhưng mình cũng vừa mừng, mừa lo. Mừng vì bà con vùng lũ sắp được hỗ trợ ổn định cuộc sống, lo vì làm sao quà đến tay người dân hiệu quả, công khai, minh bạch?

“5 năm trở lại đây, Đội UPTHPĐ đã kêu gọi được 122 lượt người hiến máu nhân đạo. Trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đội đã vận động được 440 địa chỉ với số tiền hỗ trợ hàng năm 750 triệu đồng”, ông Đoàn Văn Lai, Chủ tịch Hội CTĐ Phong Điền thông tin.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top