Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn

07/02/2015 - 13:03

Đòn bẩy cho nông nghiệp

TTH - Khi hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Những công trình lớn

Từ khi có hồ Truồi nằm trên địa bàn xã Lộc Hòa (Phú Lộc), nhiều địa phương ở huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy đã giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước vào mùa nắng hạn. Đây là hồ chứa thủy lợi có quy mô lớn thứ hai, sau hồ Tả Trạch với 55 triệu m3. Ông Lê Bê ở xã Lộc Hòa nói: “Khi chưa có hồ Truồi, nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây trồng trên địa bàn thường bị thiếu nước, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Các vụ lúa hè thu, năng suất cao lắm cũng chỉ 20-25 tạ/ha. Từ ngày có hồ Truồi, xã Lộc Hòa cũng như nhiều địa phương lân cận không còn tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Năng suất lúa vì vậy ngày càng tăng cao, đến nay đạt trên dưới 60 tạ/ha”.

Hồ Thủy Yên-Thủy Cam trong ngày khởi công

Các hồ chứa Khe Ngang, hồ Hòa Mỹ, hồ Thọ Sơn, Tây Nam Hương Trà... cũng góp phần rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với hồ chứa, mấy năm gần đây, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều hệ thống, công trình kênh mương thủy lợi, trạm bơm điện ở các vùng “xung yếu”. Công trình Tây Hưng, có vai trò cấp nước tưới, nuôi trồng thủy sản, tiêu úng cho đồng ruộng ở các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, thị trấn Sịa... (Quảng Điền). Chủ tịch UBND xã Quảng Thái - Trần Hải bày tỏ. “Nhờ hệ thống thủy lợi, năng suất lúa, hoa màu ngày càng tăng, nhiều mô hình thủy sản ra đời cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”.

Gia cố hồ đập Thọ Sơn

Một công trình thủy lợi mang tầm thế kỷ có thể kể đến là hồ Tả Trạch. Tuy chưa hoàn thành nhưng bước đầu cũng đã phát huy tác dụng. Công trình đón lũ ngay từ đầu nguồn nên mấy năm gần đây, các vùng hạ du không xảy ra lũ lớn. Các trận lũ nhỏ, lũ tiểu mãn gần như bị “cắt”. Mùa hè, nước từ hồ Tả Trạch được xả về, góp phần cung cấp nguồn nước trong đồng ruộng, không để xảy ra khô hạn. Hiện, các đơn vị nhà thầu, thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015... Công trình quan trọng nữa cũng cần được nhắc đến là đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long. Từ khi công trình đưa vào sử dụng đã chấm dứt tình trạng nhiễm mặn trên sông Hương và đồng ruộng ở các vùng ven biển, đầm phá. Năng suất, hiệu quả sản xuất lúa, cây trồng và các mô hình thủy sản ở các xã Hải Dương, Hương Phong (Hương Trà), Phú Thanh, Phú Mậu (Phú Vang)... tăng rõ rệt.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện

Theo UBND tỉnh, quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi giai đoạn 2008-2015, tầm nhìn đến năm 2020 có tổng kinh phí đầu tư hơn 14 ngàn tỷ đồng (từ nguồn vốn vay của các dự án ODA, NGO, tranh thủ vốn viện trợ không hoàn lại, ngân sách cấp, huy động vốn trong nhân dân, các doanh nghiệp...). Trong đó, giai đoạn 2008-2015 đầu tư 11.200 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.150 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Hầu hết các công trình sau khi được xây dựng, nâng cấp đều phát huy tác dụng, phục vụ tốt công tác tưới lúa, hoa màu mùa nắng hạn và tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên hiện nay, trong số khoảng 2.000 km kênh mương toàn tỉnh mới chỉ có khoảng một nửa được kiên cố hóa, còn lại chủ yếu bằng đất, xây bằng gạch, bờ lô... Các công trình đáp ứng nhu cầu tưới gần 50 ngàn ha/năm, đạt 94%. Diện tích còn lại khoảng 3.000 ha ở vùng cát ven đầm phá các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... chưa chủ động nguồn nước tưới, đồng ruộng thường xảy ra khô hạn trong vụ hè thu.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, trong số 55 hồ chứa, 321 đập dâng, 715 trạm bơm... trên địa bàn tỉnh, có 30 hồ, 98 đập dâng và 39 trạm bơm điện do công ty quản lý, khai thác. Hầu hết các công trình do đơn vị quản lý đều nằm đầu nguồn, thuộc loại hồ đập lớn và vừa có vai trò quan trọng, phục vụ tưới tiêu cho gần 15 ngàn ha/vụ. Phần lớn các công trình được sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hằng năm nên đảm bảo chất lượng, phát huy tác dụng và hiệu quả. Số công trình còn lại chủ yếu vừa và nhỏ do các địa phương quản lý, khai thác.

Giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công trình kênh mương trên địa bàn tỉnh; xây dựng thêm nhiều công trình đê bao thủy lợi, trạm bơm điện ở lưu vực sông Ô Lâu, sông Hương, đê ven phá Tam Giang-Cầu Hai, hồ Thủy Yên-Thủy Cam... Riêng hồ Thủy Yên-Thủy Cam đã khởi công và các đơn vị nhà thầu, thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP