ClockThứ Tư, 15/10/2014 14:00

Đòn bẩy trong huy động vốn

TTH - Nguồn hỗ trợ từ đề án khuyến công (KC) đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CSCNNT) trên địa bàn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, tạo ra nhiều sản phẩm mới thân thiện môi trường và quan trọng nữa là tạo đòn bẩy trong huy động vốn, tạo đà phát triển sản xuất.

Nguồn vốn khuyến công tiếp sức cho nghệ nhân điêu khắc gỗ

Tăng nguồn lực

Gần 10 năm nay, hàng trăm CSCNNT trên địa bàn tỉnh đón nhận nguồn hỗ trợ của đề án KC thông qua Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại tỉnh (gọi tắt là trung tâm). Từ nguồn hỗ trợ này, các DN và cơ sở đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn, trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đây chính là thành công lớn nhất mà đề án KC mang lại trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. “Nếu không nhận được nguồn hỗ trợ của đề án KC, gia đình tôi không thể bỏ ra 80 triệu đồng để mua máy sản xuất bún. Nhận 42 triệu đồng từ nguồn vốn KC hỗ trợ không hoàn lại, tôi mạnh dạn vay thêm 40 triệu để mua máy phát triển sản xuất” - Chủ cơ sở sản xuất bún Nguyễn Thượng ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) nói.

Từ nguồn vốn KC, một số đề án triển khai và đạt hiệu quả như đề án ứng dụng máy sấy và máy sục khí ozone vào sản xuất các sản phẩm trà rau má của HTX Quảng Thọ II và máy sản xuất bún cho Cơ sở Nguyễn Thượng xã Quảng Vinh (Quảng Điền), đầu tư máy móc thiết bị của Công ty CP rượu gạo Làng Chuồn và sản xuất hàng mỹ nghệ cho DNTN Ngọc Long (Phú Vang), sản xuất phân viên dúi của HTX nông nghiệp Hương Giang (Nam Đông), hỗ trợ thiết bị sản xuất hàng mây tre cho Cơ sở Minh Tâm phường Thủy Lương (Hương Thủy)…
Từ đầu năm đến nay, trung tâm triển khai hỗ trợ 24 đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn và ngành nghề truyền thống ứng dụng công nghệ - thiết bị tiên tiến vào sản xuất; đào tạo và phát triển nghề... Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như chế biến nông lâm thủy hải sản, cơ khí, vật liệu không nung, ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống… 

Bên cạnh hỗ trợ thiết bị mới, trung tâm tổ chức chiêu sinh và đào tạo nghề cho 300 lao động tại địa bàn nông thôn với các ngành nghề như may công nghiệp, đúc đồng, mây tre đan... nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các cơ sở vừa và nhỏ trên địa bàn. Các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu phát triển sản xuất của cơ sở, do đó trên 90% lao động sau đào tạo đều được các cơ sở nhận vào làm việc nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động của đơn vị. 

Tăng năng suất, giá trị sản phẩm

Thành lập từ năm 1998, HTX Hiền Lương, xã Phong Hiền (Phong Điền) với nhiều ngành nghề, trong đó có nghề đúc bờ lô cung ứng ra thị trường, tạo việc làm và thu nhập cho bà con xã viên. Tuy nhiên, do không có máy móc nên chủ yếu đều đúc thủ công, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, năng suất thấp, thị trường tiêu thụ hẹp.

Đầu năm 2014, thông qua Phòng Công thương huyện, HTX lập đề án KC và được Sở Công thương phê duyệt. Sau khi nhận hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn KC địa phương, HTX đầu tư nhà xưởng, bãi đúc và trang bị máy ép đúc bờ lô rỗng kỹ thuật cao với tổng mức đầu tư trên 100 triệu đồng. “So với đúc thủ công thì công nghệ đúc bờ lô rỗng bằng máy tăng năng suất gấp 3.000 lần. Sản phẩm làm ra cân đối và chất lượng hơn nên được người tiêu dùng đặt hàng nhiều hơn trước. Dù mới đưa vào hoạt động song doanh thu tăng gấp 1,5 lần so với trước, đồng thời tiết kiệm được nhân công và sức lao động. Nếu trước đây một ngày, HTX sử dụng 5 người để đúc bờ lô thủ công và thu được khoảng 1.000 viên, sau khi có máy đúc tự động, con số ấy tăng lên 2.000 viên, trong khi chỉ cần 1-2 người quan sát và vận hành máy”, ông Hoàng Văn Hiền, Chủ nhiệm HTX Hiền Lương cho hay.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm KC & xúc tiến thương mại tỉnh triển khai 44 đề án KC địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,4 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch năm. Ngoài ra, trung tâm thực hiện đề án KC quốc gia về đào tạo nghề may công nghiệp với kinh phí 339 triệu đồng.

Với mục tiêu phát triển lĩnh vực sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, tháng 3/2014, Sở Công thương đã phê duyệt 2 đề án đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ và trang trí nội ngoại thất cho DNTN Ngọc Long xã Vinh An và Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm Nhất Cư xã Phú Hải (Phú Vang). Với tổng mức hỗ trợ gần 62 triệu đồng, hai cơ sở này đã đầu tư thêm 100 triệu đồng để trang bị các thiết bị như máy tiện, máy khoan bàn, máy cưa, lò sấy gỗ để phục vụ sản xuất hàng lưu niệm. “Trước đây cơ sở chủ yếu làm hàng thủ công và đưa gỗ đi cưa, sấy ở các cơ sở lớn trong huyện nên làm hàng chậm, mẫu mã chưa sắc xảo, đơn đặt hàng ít. Sau khi nhận hỗ trợ của đề án KC, cơ sở đầu tư máy móc năng suất tăng cao, sản phẩm làm ra tinh xảo nên cơ sở thiết kế thêm nhiều mẫu mã mới phục vụ thị trường”, chị Hoàng Thị Thu Thảo, Giám đốc DNTN Ngọc Long tâm sự.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Return to top