ClockThứ Ba, 22/12/2020 13:45

“Đóng băng” hương mùa hè của Huế

TTH - Những ngày thơ, nhiều lần tôi giả bộ làm “cụ non” thử hớp ly trà trên bàn của ông nội rồi “chiêm chiếp, khà khà” ra vẻ “sành” trà lắm, nhưng không giấu được nét cau mày vì vị đắng và chát của trà.

Thưởng trà tại Huế: Nên là sản phẩm du lịchThành công từ trồng senCông phu làm trà sen Tịnh

“Gói ghém” hương mùa hè xứ Huế vào nhưng bông trà nhỏ

Ấy là sở thích của ông, trà ngâm phải thật lâu, thật đắng mới là trà ngon. Ba thì khác, yêu hương yêu hoa, mỗi mùa sen về ba lại dạo phố mua vài bông hoa sen, ủ trà vào bên trong rồi cẩn thận lấy lá sen bọc lại, thêm sợi lạt buộc cho cánh hoa khỏi bung ra. Xong đâu đó, ba cắm những bông hoa đã ủ trà vào một chiếc bình rồi đặt ngay ngắn ở giữa bàn. Những búp sen mơn mởn cứ thế âm thầm ngậm trà, ôm ấp, “nhả” hương và hòa quyện với trà làm một.

Ba bảo rằng, mùa sen xứ Huế chỉ có một lần mỗi năm, nhưng có một mùa mang hương sen khác lại lưu hương vấn vít quanh năm, chính là mùa trà sen xứ Huế. Sau này tôi mới nhận ra, cái thú thưởng thức ấm trà nghi ngút khói trong hương sen toả lên thoang thoảng khiến mùa đông Cố đô trở nên trầm ấm hơn bao giờ hết.

Trà sen Huế có hai loại là trà sen ướp xổi (còn gọi là trà sen tươi) và trà sen gạo (hay trà sen khô). Dân Huế “sành” trà chuộng sử dụng các giống sen Huế bản địa, vốn có nguồn gốc lâu đời để làm trà sen. Trong đó, hoa sen Huế giống cổ có phẩm vị đặc biệt, chúng không nồng nàn như hoa sen của các vùng miền khác mà thơm dịu dàng, thanh khiết nhưng bền hương, lắng đọng được yêu thích để làm trà hơn cả. Điều đặc biệt, dù cùng một loại sen, nhưng chỉ riêng sen trồng trong khu vực hoàng thành Huế mới đem lại những phẩm vị đặc trưng và riêng biệt nhất.

Trà sen ướp xổi dùng phương pháp ướp trà sen truyền thống là ủ trà trong bông sen tươi và hoa sen phải được hái trước bình minh, khi chưa kịp có ánh nắng đầu ngày chạm vào những cánh hoa mới giữ được hương thơm nguyên bản, thanh khiết. Hoặc vào buổi tối hôm trước, người ta “lén” giấu trà trong bông sen đang độ hàm tiếu, để đến sáng hôm sau ung dung quay lại “thu hoạch” một ấm trà sen ngát hương, đậm vị. Cầu kỳ hơn, có người còn kỹ tính hứng những giọt sương trong ngần, đọng trên lá sen vào sáng tinh mơ để dùng nước hãm trà. Từng lá trà được thấm đẫm hương hoa, hòa quyện cùng những giọt sương - tinh hoa của đất trời đọng lại tạo nên vị trà mềm mượt, hương thơm âm thầm lan tỏa, uống một ly lại muốn thêm một ly nữa. Mỗi người có một cách ướp hương, pha trà khác nhau nhưng đa số ai cũng ướp trà trong một mùa hè rồi trữ đông để dùng cho cả những mùa sau.

Với trà sen gạo, “nhân tố” chính “dệt” nên mùi hương chính là những hạt gạo sen (hay còn được gọi là túi hương) màu trắng ngà nằm trên sợi chỉ vàng óng ánh của bông hoa sen. Chúng có dáng nhỏ bé, chỉ lớn hơn đầu tăm tí xiu, nhưng hình hài múp míp, đáng yêu, được xem là “linh hồn” chứa đựng hương thơm thanh khiết, tao nhã của hoa sen.

Người làm trà gạo sen phải giữ cho mình một tâm hồn thanh tịnh, an nhiên, cơ thể có mùi hương tự nhiên, không được lẩn khuất vào đó mùi của nước hoa, xà phòng hay sữa tắm, cũng không được dùng các loại quạt gió để tránh làm lẫn mùi hay mất mùi hương sen. Ướp trà sen gạo được xem là “nghề chơi cũng lắm công phu” bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn. Cứ một lớp trà sẽ thêm một lượt gạo sen, ấp ủ, sàng sấy rồi lại ướp. Quy trình đó lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi trà và hương quyện vị, hòa lẫn vào nhau.

Nếu trà sen xổi thường không đi được xa, hoặc có thể gửi đường dài bằng những thùng xốp có trữ đá khô giữ lạnh thì trà sen gạo tiện dụng hơn, được bảo quản như những loại trà khô thông thường, có thể gửi đi cả nước ngoài. Dù là trà sen tươi hay trà sen khô thì điểm chung là đã thành công trong việc “đóng băng” hương sen, gói ghém cả hương mùa hè tinh khiết của Huế vào trong những bông sen hay túi trà nhỏ.

Trà sen xứ Huế cũng dịu dàng, e ấp như người thiếu nữ Huế tuổi xuân thì. Khi thưởng thức chén trà, hương sen không vội vàng xộc vào mũi mà lẩn khuất trong vị trà, càng nhấp môi nếm trà, hương sen càng len lỏi, âm thầm toả và lưu hương trong khoang miệng khiến bao trà khách say mê, lưu luyến.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Màu của sen Huế

Tưởng chỉ mỗi người xứ này mới mong chờ mùa sen thơm ngát hương ngày mới, hoặc thư thả thưởng thức chén chè hạt sen bùi bùi đậm dư vị của Huế.

Màu của sen Huế
Mùa sen

Cứ độ tháng 4 đến tháng 6, từng đoàn người tứ phương nô nức kéo về làng La Chử (Hương Chữ, Hương Trà) của tôi bằng đủ loại phương tiện, đa phần là ô tô, xe máy, đích đến là các hồ sen xen kẽ giữa cánh đồng lúa đã trĩu bông, chuẩn bị thu hoạch. Tùy đối tượng mà cách tiếp cận với sen cũng khác - có người ngồi thiền trên bờ, hít thở hương sen thoang thoảng, thuần khiết, nhiều bạn trẻ và các bà, các cô tạo dáng nhằm có được bức ảnh ăn ý nhất bên hoa sen, các nhiếp ảnh gia chạy tới, ngó lui thực hiện phóng sự ảnh…

Mùa sen
Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích

Rất nhiều "Ngày chủ nhật xanh" đã được tổ chức, Xanh- sạch- sáng đã trở thành phong trào của cả tỉnh và được nhiều địa phương duy trì thường xuyên, vậy mà sao vài vị trí rất đáng để mắt như nơi đống rác kia “tọa lạc” lại bị bỏ sót...

Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích
Khai mạc ngày hội Sen Huế 2023 - Sen tô sắc Huế

Tối 23/6, ngày hội Sen Huế 2023 với chủ đề “Sen tô sắc Huế” chính thức được khai mạc tại hồ Tịnh Tâm, TP. Huế. Sự kiện do UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì phối hợp với công ty TNHH LAATA Việt Nam thực hiện, với sự đồng hành của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet và một số doanh nghiệp khác ở trong và ngoài tỉnh. Đến dự lễ khai mạc ngày hội có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Khai mạc ngày hội Sen Huế 2023 - Sen tô sắc Huế
Đa dạng các món ăn từ sen Huế

Chiều 23/6, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Hội LHPN thành phố tổ chức hội thi Tinh hoa ẩm thực sen Huế với chủ đề “Cha mẹ đồng hành cùng con”.

Đa dạng các món ăn từ sen Huế
Return to top