ClockThứ Bảy, 19/10/2013 06:24

Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế

TTH - Phát huy tính cần cù sức sáng tạo, vượt khó đi lên từ chính bàn tay và khối óc của mình, nhiều phụ nữ đã trở thành các chủ trang trại, chủ doanh nghiệp thành đạt, giải quyết việc làm cho nhiều lao động...

Không cam chịu đói nghèo

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, chị Phan Thị Thí, hội viên phụ nữ phường Hương Sơ, TP Huế tâm sự: Được như ngày hôm nay chị đã phải bươn chải khắp nơi để thu gom chai bao, phế liệu. Từ sự bươn chải đó, chị đã học được qui trình tái chế phế liệu. Từ đó chị mạnh dạn thế chấp nhà vay vốn mua hai máy sơ chế phế liệu và bắt đầu mở cơ sở tái chế phế liệu. Hiện nay, chị đã làm chủ hai cơ sở thu mua tái phế liệu với tổng vốn gần tỷ đồng, mỗi tháng thu lãi 30 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập 3 triệu đồng mỗi người mỗi tháng. Chị Thí tâm sự: “Tui chỉ mong hai cơ sở của tui ngày càng ăn nên làm ra để tạo được việc làm cho nhiều chị em cực khổ như tui trước đây”.

Phụ nữ học nghề để có việc làm ổn định, tăng thu nhập

Táo bạo, năng động, chịu khó đã đưa chị Nguyễn Thị Hến, thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc từ một phụ nữ buôn thúng bán mẹt trở thành chủ cơ sở chế biến các loại mắm nổi tiếng. Chi Hến cho biết, từ khi được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã tạo điều kiện cho vay vốn và được học phương pháp chế biến các loại mắm do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức, chị đã mạnh dạn đầu tư thu mua các loại cá nục, cá cơm, cá rò.... để chế biến thành mắm. Nhờ khéo léo, vận dụng đúng kỹ thuật trong quá trình sản xuất, sản phẩm mắm của chị nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh thành phía nam như Đà Nẵng, Nha Trang... Nói về quá trình vượt khó thành công của mình, chị Hến chia sẻ: “Để sản phẩm đứng vững được thị trường không có cách nào khác là sản phẩm làm ra phải bảo đảm chất lượng ngay từ những khâu nhỏ nhất”. Bên cạnh làm giàu từ chế biến sản xuất các loại mắm, chị Hến còn tận dụng phụ phẩm trong chế biến mắm chăn nuôi heo. Mỗi năm chị xuất ra thị trường trên 2 tấn heo thịt, mang lại thu nhập thêm cho gia đình trên 200 triệu đồng mỗi năm. Không những thế, chị Hến rất nhiệt tình tham gia công tác hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh của mình cho các chị em mới vào nghề.

Không chỉ phụ nữ miền xuôi, phụ nữ miền núi cũng tích cực tham gia phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Phôn, 28 tuổi, xã Hồng Quảng, mồ côi mẹ lúc còn nhỏ, gia đình lại khó khăn nên sống trong cảnh nghèo đói. Lớn lên, lập gia đình chị kiên quyết không cam chịu nghèo đói. Qua kênh phụ nữ xã, chị đã vay vốn để phát triển kinh tế. Với 1 triệu đồng tiền vốn lúc đầu, chị mua heo về chăn nuôi, nhờ chịu khó chăm sóc, từ hai cặp heo lúc đầu nay chị đã nhân lên thành trang trại chăn nuôi với hàng trăm con heo, gà vịt. Chưa dừng lại ở đó, tận dụng nhà ở trung tâm xã Hồng Quảng chị mở đại lý bán hàng bán hàng tạp hóa và kinh doanh cà phê, karaoke… Hiện nay, vợ chồng chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài những tấm gương tiên tiến trên, còn rất nhiều hội viên, chủ doanh nghiệp nữ dám nghĩ, dám làm, năng động phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tuy điều kiện hoàn cảnh khác nhau, song các chị có một điểm chung là không cam chịu đói nghèo, biết khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. 

Tạo đà cho hội viên

Trong 6 tháng đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã giải ngân trên 166 tỷ đồng cho gần 6.000 hộ vay, nâng tổng dư nợ trên 932 tỷ đồng cho hơn 91.000 hộ vay. Phát triển mới 1 CLB doanh nghiệp nữ, nâng tổng số lên 36 CLB doanh nghiệp nữ. Xây dựng được 38 mô hình mới về phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, nâng tổng số mô hình phụ nữ làm kinh tế lên 328 mô hình.

Tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua Hội LHPN các cấp đã không ngừng quan tâm hỗ trợ giúp đỡ chị em hội viên dưới mọi hình thức, trước hết là hỗ trợ vốn. Ngoài nguồn vốn chủ đạo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội còn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các tổ chức phi Chính phủ, như nguồn vốn tín dụng Việt - Bỉ; NAV... Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên. Từ đó, nhiều cá nhân, tập thể tận dụng thế mạnh của địa phương và gia đình phát triển sản xuất như mô hình trồng rau sạch, rau an toàn của phụ nữ Quảng Điền; mô hình trồng nấm rơm, trồng hoa của phụ nữ Phú Vang; mô hình trồng cây ăn quả, trồng măng, keo, cao su của phụ nữ Nam Đông, A Lưới… Hội cũng phối hợp, mở các lớp tập huấn hướng dẫn về khởi sự doanh nghiệp; cung cấp những thông tin về thị trường nhằm giúp chị em nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng dẫn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về quy trình sản xuất chế biến sạch, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các mặt hàng truyền thống như: chế biến nước mắm; tôm chua; mè xửng... Từ đó, nhiều cơ sở sản xuất do phụ nữ quản lý đứng vững trên thị trường, trở thành mặt hàng truyền thống phục vụ du lịch như mè xửng Thiên Hương; cơ sở chế biến thực phẩm Tấn Lộc; tôm chua Đức Tín...

Chị Phan Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, trong thời gian tới hội tiếp tục bám sát cơ sở, đưa các hoạt động hướng về cơ sở, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tham gia phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phụ nữ về vốn, giống, khuyến khích họ mở rộng sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các cấp hội nắm bắt nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của hội viên để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp chị em mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo của tỉnh.

Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Đồng hành cùng chi hội trưởng

Đề xuất tăng phụ cấp cho chi hội trưởng (CHT), đổi mới các phong trào để thu hút hội viên, cùng các CHT nắm bắt tình hình, hoàn cảnh chị em để có cách giúp đỡ hợp lý, kịp thời... là cách mà hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và chính quyền địa phương đồng hành cùng các CHT trong việc xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ trên toàn tỉnh.

Đồng hành cùng chi hội trưởng
Để phụ nữ an toàn trên không gian mạng

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng chính là những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng bởi chính sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu kiến thức trong ứng dụng công nghệ số.

Để phụ nữ an toàn trên không gian mạng
Return to top