ClockThứ Sáu, 28/06/2019 16:32
CHÀO MỪNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6)

Đồng lòng xây tổ ấm

TTH - Từ khó khăn vất vả, nhiều gia đình ở huyện miền núi A Lưới đã biết vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng mái ấm.

Phú Vang: Các gia đình hạnh phúc tranh tài

Mẹ con chị Trần Thị Hinh hạnh phúc với công việc dệt zèng

Đồng lòng

Trái ngược với cái nóng thiêu đốt khi chạy xe mấy chục cây số từ thị trấn A Lưới về xã A Đớt, cảm giác bình yên, mát lành ùa đến khi chúng tôi bước chân vào ngôi nhà của chị Trần Thị Hinh, người Tà Ôi ở thôn Chi Lanh – A Roh. Cảm giác ấy có lẽ đến từ hình ảnh chị Hinh cùng cô con gái ngồi dệt zèng bên khung cửi, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa của hai mẹ con như xua cái nắng, sự ngột ngạt của ngày hè oi ả.

Trong ngôi nhà nhỏ ấy, cuộc sống gia đình chị Hinh hạnh phúc, êm ấm. Ngày ngày, chị Hinh chăm chỉ với khung cửi dệt zèng, còn anh Ra Pát Nhung, chồng chị phụ vợ xâu cườm, cuốn sợi. Anh Nhung vốn là thợ mộc, mỗi khi không theo công trình, anh phụ vợ làm ruộng, làm zèng và thu mua thêm của bà con trong bản để mang vào Quảng Nam bán.

Lập gia đình khi mới ngoài 20, những ngày mới ra riêng, cuộc sống của vợ chồng anh Nhung, chị Hinh khốn khó trăm bề. Nhớ lại những ngày khó khăn, chị Hinh kể: “Lúc ấy, không hiểu sức mạnh từ đâu để tôi xoay sở vượt khó, một mình kiếm tiền chăm chồng, nuôi con. Ban đầu, không có tiền đi xe đò, tôi lội bộ băng rừng ròng rã hai ngày trời từ A Lưới sang Quảng Nam bán vải zèng”.

Chưa thể gọi là khấm khá nhưng chị Hinh tạm hài lòng với thu nhập đủ để nuôi hai cô con gái ăn học. Cô con gái đầu lòng đang học ở Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế, bé gái thứ hai học lớp 10 Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Hai cô con gái cũng được mẹ truyền nghề từ hồi tiểu học, phụ giúp mẹ dệt zèng những khi rảnh rỗi. Chị Hinh chia sẻ: “Vì gia đình đông con, tôi không được học nhiều. Dẫu chưa có con trai nhưng vợ chồng tôi nghĩ khác, con gái cũng là con nên chỉ dừng lại ở hai con để nuôi chúng ăn học tới nơi, tới chốn. Vợ chồng tôi cần mẫn làm việc để con không phải thiếu thốn”.

Sống với nhau hơn 20 năm nhưng vợ chồng chị Hinh chưa to tiếng bao giờ. Là phụ nữ, chị thu vén khéo léo trong việc xây dựng tổ ấm, gắn kết các thành viên, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Chị Hinh tâm sự: “Vợ chồng mình lúc nào cũng đồng lòng, làm việc gì cũng phụ nhau, san sẻ. Như thế mới làm gương cho các con”.

Vợ chồng anh Sơn, chị Phương chăm sóc vườn cây ăn quả

Quả ngọt từ mảnh đất khô cằn

Đến xã miền núi Hương Phong, ai cũng ngưỡng mộ cơ ngơi của vợ chồng chị Đoàn Thị Bích Phương và anh Nguyễn Văn Sơn với ngôi nhà khang trang vừa mới xây, đồ dùng vật dụng không thiếu thứ gì, cây cảnh được cắt tỉa ngăn nắp và khu vườn rộng 8 nghìn m2 với cây trái sai quả... Tất cả đều được anh chị gầy dựng từ đôi bàn tay trắng.

Cưới nhau năm 2001, thuở ấy, anh Sơn, chị Phương nghèo lắm, phải sống trong căn nhà tạm. Chị Phương đi làm thuê, còn anh Sơn là tài xế lái xe đường dài. Một lần xe gặp nạn, anh Sơn đành phải bỏ nghề, thế là hai vợ chồng quyết định lập vườn. Ban đầu, họ trồng chuối, trồng tiêu, thấy không hiệu quả nên chuyển sang trồng cây ăn quả.

Từ mảnh đất khô cằn, khu vườn của anh chị giờ xanh um với bao loại cây trái: cam, quýt, ổi, sa pô chê, vú sữa… Cây trái được anh chị chăm bón an toàn, sử dụng phân hữu cơ và không phun thuốc hóa học nên ai cũng tìm mua. Họ còn làm ruộng, nuôi gà, thả cá. Việc nhà nhiều vậy nhưng chị Phương vẫn tranh thủ đi làm thuê phát rẫy. Làm việc quần quật, sau bao năm tích lũy, vợ chồng chị Phương vừa xây được ngôi nhà trị giá 400 triệu đồng. Hai đứa con trai, đứa lớn đang theo học nghề ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, đứa nhỏ đang học lớp 11 ở A Lưới.

Chị Phương chia sẻ: “Sau bao năm cố gắng, chúng tôi may mắn đã ổn định cuộc sống. Con cái ngoan ngoãn, vợ chồng thuận hòa là điều người phụ nữ nào cũng mong mỏi khi lập gia đình. Vợ chồng tôi đồng cam cộng khổ nên rất hiểu và yêu thương nhau, làm việc gì cũng chia sẻ. Ngôi nhà này cũng do vợ chồng tôi tự xây dựng, chồng xây, vợ phụ mà không cần kêu thợ. Chúng tôi đã bỏ nhiều mồ hôi, công sức mới gây dựng được cơ ngơi này”.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, dẫu còn khó khăn nhưng nhiều gia đình ở A Lưới đã biết chăm lo xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Trước đây, gia đình nào cũng đông con, đói nghèo, thiếu thốn, thất học… nhưng giờ nhận thức của bà con đã thay đổi, biết vươn lên từ khó khăn, quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho con cái học tập, nhiều gia đình là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn

TIN MỚI

Return to top