ClockChủ Nhật, 12/09/2021 07:57

Động lực mới cho đô thị Huế.

TTH - Mở rộng địa giới hành chính, TP. Huế không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm mà trở thành đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá, núi. Đây là cơ hội để Huế tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hơn 17 tỷ đồng triển khai dự án điện chiếu sáng các tuyến đường thuộc TP. Huế mở rộngĐưa cầu Chui đường sắt-Bùi Thị Xuân vào sử dụng

Đô thị Huế được mở rộng hơn 3,7 lần

Đầu tư kết nối hạ tầng

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, trú phường Thuận An cho rằng, Thuận An có bãi biển đẹp với chiều dài hơn 12 km, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và chỉ cách trung tâm thành phố hơn 10 km. Nếu so với các bãi biển nổi tiếng như biển Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang… thì không thua kém gì. Thế nhưng, nhiều năm qua, biển Thuận An chưa được đầu tư các hạ tầng thiết yếu; các tuyến đường giao thông dẫn về các bãi tắm khá nhỏ, thiếu hệ thống điện đường nên chưa thu hút khách. Đây chính là nguyên nhân khiến công tác thu hút đầu tư xây dựng các dự án lớn xung quanh khu vực bãi tắm Thuận An gặp khó khăn dẫn đến thiếu các khu resort, khách sạn cao cấp.

“Từ 1/7/2021, Thuận An sáp nhập vào TP. Huế, ai cũng vui mừng và mong muốn hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư, bãi tắm Thuận An sẽ khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để trở thành bãi tắm hấp dẫn du khách, tạo cơ hội cho người dân hưởng lợi từ các dịch vụ”, ông Hùng chia sẻ.

Tại một số địa phương, như Hương Thọ, Hương Hồ, Phú Mậu, Phú Dương…, hạ tầng giao thông xuống cấp, đường hẹp và chưa có vỉa hè; nhiều tuyến đường chưa có hệ thống điện chiếu sáng nên người dân gặp khó khăn khi lưu thông lên khu vực trung tâm thành phố. 

Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ, ông Nguyễn Xuân Lam cho rằng, để hoàn thiện hạ tầng dọc hai bờ sông Hương kết nối với tuyến đường đến Điện Hòn Chén và các lăng tẩm, đặc biệt là 2 lăng Gia Long, Minh Mạng, cùng với các dự án xây dựng đường giao thông, điện chiếu sáng UBND tỉnh và TX. Hương Trà đã và đang đầu tư. Sắp tới, thành phố cần tiếp tục phân bổ vốn đầu tư nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối với khu vực trung tâm thành phố, tạo điều kiện phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu giao thương, đi lại của người dân.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Võ Lê Nhật, việc sáp nhập thêm 13 xã, phường là cơ hội để thành phố khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực. Vì vậy, quy mô, cơ cấu kinh tế, phát triển ngành, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Trước mắt, thành phố quan tâm đến hạ tầng thiết yếu tại 13 xã, phường mới. Trong đó, tập trung đầu tư những tuyến đường liên vùng liên xã nhằm kết nối hạ tầng từ khu vực trung tâm thành phố đến các xã, phường, tạo bộ mặt cho đô thị Huế trong tương lai. Thành phố đang lên phương án tập trung đầu tư cho 5 xã, phường nhằm đảm bảo đủ các tiêu chí tạo động lực đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời cơ & vận hội

Theo UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Huế, ông Phan Thiên Định, việc điều chỉnh địa giới hành chính sẽ tạo ra những dư địa để thành phố phát triển mọi mặt, trở thành đô thị “hạt nhân”, là trung tâm văn hóa, chính trị, hành chính; trung tâm giao thương, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học của tỉnh. Thông qua việc cung cấp các hạ tầng thiết yếu cho giao thương, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn, thành phố sẽ trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội để Huế bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản, trở thành phần lõi căn bản và chủ đạo của mô hình đô thị di sản Thừa Thiên Huế mà toàn tỉnh đang tập trung xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ chính trị.

Hiện, khu vực trung tâm thành phố có tốc độ phát triển đô thị nhanh, tuy nhiên kết cấu hạ tầng đô thị ở khu vực vùng ven lại chưa tương xứng. Sắp tới, thành phố tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, trong đó tập trung cho 13 xã, phường mới. Thành phố đã thành lập các tổ công tác đánh giá vấn đề này để có định hướng đầu tư trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo nhằm tạo ra sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giữa các địa phương cũ và mới, tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ cho toàn thành phố.

Để hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông nội đô, thành phố vừa phê duyệt chủ trương và chuẩn bị triển khai dự án điện chiếu sáng một số tuyến đường từ trung tâm thành phố kết nối về các xã, phường mới sáp nhập, bao gồm các tuyến đường dọc sông Hương từ xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu về đến cầu Diên Trường, ngược lên xã Hương Vinh đến trung tâm thành phố. Riêng xã Hải Dương sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cả tuyến trung tâm đoạn từ giáp ranh xã Quảng Công đến cửa biển Thuận An và một số tuyến đường kết nối với các phường Hương An, Hương Hồ, xã Hương Thọ, Thuỷ Bằng...

Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, 2021 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước 2025, với “lõi trung tâm” là TP. Huế mở rộng. Vì vậy, vai trò của TP. Huế khi mở rộng được tỉnh và thành phố xác định rất rõ. Nếu như trước đây, TP. Huế đóng vai trò là trung tâm văn hóa, hành chính, chính trị thì giờ đây, với sự cộng thêm của các nguồn lực thì thành phố phải trở thành trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Theo ông Võ Lê Nhật, xác định chiến lược cho thành phố trong tương lai, TP. Huế tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tận dụng các tiềm năng, lợi thế; tích cực triển khai và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; sát sao với tình hình thực tế của thành phố mở rộng góp phần đưa toàn tỉnh xứng tầm là một trong những trung tâm văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực...

Bài: Thanh Hương - Ảnh: Tuấn Kiệt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Return to top