Kinh tế Xây dựng - Giao thông
“Đóng - mở ” trong quy hoạch phát triển đô thị Huế
TTH - Đóng và mở là hai vấn đề tưởng chừng như rất mâu thuẫn nhưng lại là quan điểm phải được lưu tâm trong quy hoạch, phát triển đô thị Huế. “Đóng” - là để bảo tồn những giá trị của di sản trước sự xâm thực của làn sóng phát triển và “mở” là lan tỏa, kết nối với các đô thị để bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững và có sức sống sau này.
“Đóng” để bảo tồn
Đầu tiên, để bảo tồn những giá trị văn hóa quý giá nhất của Huế cần thiết phải có giải pháp để hạn chế phát triển ở những khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt. Hạn chế phát triển các khu dân cư với mật độ cao ở trong Kinh thành, các khu vực tiệm cận các di tích lịch sử văn hóa quan trọng, hạn chế phát triển các công trình cao tầng, có khối tính lớn ở các khu vực sát bờ sông Hương… Những biện pháp này được thực thi với chế tài của Luật Di sản văn hóa, Luật Quy hoạch đô thị cũng như những quy hoạch kiến trúc, quy định của địa phương. Cùng với đó là kế hoạch dành các nguồn lực đặc thù cho các dự án giải tỏa, chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo Hệ thống Kinh thành Huế. Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này có thể sẽ không được như mong muốn, ngược lại còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bất cập, nếu như đơn thuần “đóng” theo cảm tính, ngăn cấm sự phát triển một cách cứng nhắc ở nhiều khu vực. Để làm tốt điều này, cần thiết không chỉ là khoanh vùng để xác định các khu vực cần bảo tồn, mà phải tùy nơi để quyết định mức độ đóng, mở khác nhau nhằm bảo đảm tính hợp lý, dung hòa xung đột giữa sự đòi hỏi phát triển của cộng đồng dân cư và nguyên tắc bảo tồn.
![]() |
Ảnh: Một góc đô thị Huế |
Xác định quan điểm “đóng” đối với đô thị Huế là hết sức quan trọng, nếu thỏa hiệp, để dân cư phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, hệ lụy về một đô thị “nén” là điều không tránh khỏi. Lúc này, muốn “thoát” ra không có cách nào khác phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho công tác đền bù, giải tỏa. Trường hợp bất khả kháng, không thực hiện được phải chọn phương án nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng cũ, cũng chưa hẳn hợp lý, nhiều lúc mới giải quyết được vấn đề trước mắt (như vấn nạn ùn tắc, ô nhiễm, lụt lội) song lại ảnh hưởng đến tỷ lệ không gian của đô thị vốn dĩ được quy hoạch phù hợp với các công trình kiến trúc hiện hữu. Ở một khía cạnh tích cực, làm tốt việc “đóng” ở các khu vực vùng lõi của đô thị là tạo cơ hội cho các vùng phụ cận phát triển, từ đó hạn chế sự cách biệt về hình ảnh giàu nghèo giữa các khu vực. “Đóng” cũng chính là để tạo điều kiện để bảo đảm tốt vấn đề an sinh xã hội, giảm thiểu áp lực về hạ tầng đường sá, trường học, các công trình phúc lợi… Ngược lại, nhường không gian ưu tiên cho phát triển du lịch theo hướng cao cấp mà chúng ta đang hướng đến.
“Mở” để phát triển
Với vai trò đô thị trung tâm, cực chủ đạo, động lực phát triển của thành phố trực thuộc TW trong tương lai trong mối quan hệ đối sánh với các đô thị trọng điểm trong vùng, Huế phải làm tốt sứ mệnh kết nối với các đô thị vệ tinh chung quanh, làm tốt chức năng đối ngoại không chỉ với các vùng miền, trung tâm khác của đất nước, mà phải vươn ra ở tầm khu vực và quốc tế. Việc “mở” của đô thị có định hướng và hoạch định rõ nét sẽ là cơ hội để Huế có thể nhận được sự hỗ trợ hoặc chia sẻ áp lực với các đô thị khác. Đó cũng là tiêu chí để xây dựng Huế trở thành đô thị sinh thái và phát triển bền vững. Ở đây, chúng ta có thể đi lên từ chính thế mạnh văn hóa - thiên nhiên và phát triển du lịch - dịch vụ chứ không cố tình gượng ép, xuất phát từ ý kiến chủ quan (ví dụ nhồi nhét các nhà máy, khu công nghiệp ở những khu gần trung tâm đô thị chẳng hạn) để rồi hệ quả là phát triển chồng chéo, sự cạnh tranh không cần thiết và thiếu lành mạnh giữa các đô thị. Tất nhiên, làm được điều đó không đơn giản, phải đi kèm với việc quy hoạch phân công các nhiệm vụ cụ thể, hợp lý cho các khu vực của đô thị, mà trước tiên là các đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó là đến các đô thị của vùng, liên vùng. (Lấy ví dụ, thành phố Huế đảm nhiệm chức năng là đô thị di sản, Thành phố Festival và du lịch đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, khu vực Hương Thủy phát triển công nghiệp, đa ngành, công nghiệp phục vụ du lịch, dịch vụ, Hương Trà phát triển công nghiệp đa ngành, công nghiệp phục vụ kinh tế biển và đầm phá. Đô thị Chân Mây - Lăng Cô là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, cảng biển, Đô thị A Lưới là khu kinh tế cửa khẩu, kết hợp vùng rừng cảnh quan sinh thái.)
Linh hoạt
Thực ra, “đóng - mở” trong quy hoạch phát triển đô thị Huế không phải là quan điểm bất di bất dịch, mà là sự chuyển hóa trong cơ thể đô thị vốn dĩ rất sinh động. “Đóng” như thế nào và “mở” như thế nào, “đóng” ở đâu, “mở” ở đâu đều phải có những hoạch định mang tính chiến lược, được phân tích thấu đáo dựa trên nền tảng tư duy khoa học và thực tiễn chứ không thể chỉ nói suông. Lấy ví dụ, khi đã nghiên cứu, chúng ta có thể quyết định, ở khu vực trung tâm “đóng” ở phương diện hạn chế phát triển dân cư nhưng cũng có thể sẽ “mở” ở khía cạnh tiện nghi, hiện đại hay cho phát triển theo hướng thích nghi để phục vụ du lịch.
“Đóng hay mở” là một vấn đề mang tính vỹ mô của các cơ quan quản lý Nhà nước, song phải được đồng thuận và nhìn nhận với ý thức cao từ phía người dân. Bởi “đóng” cũng đồng nghĩa với việc hy sinh những lợi ích trước mắt, khi những người không đủ điều kiện phải “ra đi” và một bộ phận còn lại đành phải chấp nhận những quy định mang tính ràng buộc cao, như: chặt chẽ về hình thức kiến trúc, mỹ thuật, tầng cao, diện tích xây dựng, khoảng lùi của công trình… Tất nhiên, những người ở lại cũng sẽ được mở ra những cơ hội mới, đó là thoát khỏi cuộc sống chật chội, thoải mái hơn trong việc thụ hưởng một môi trường cảnh quan trong lành, đáng sống. Hơn hết, nếu được tạo điều kiện để phát triển kinh tế họ sẽ hài lòng khi đảm nhiệm sứ mệnh người “gác đền”, gìn giữ tinh hoa di sản vật chất và tinh thần ở trong vùng lõi của đô thị di sản.
Quan trọng hơn cả, quan điểm “đóng - mở” này không chỉ được thể hiện nhất quán trên các đồ án quy hoạch phát triển ở tầm vỹ mô (chẳng hạn như đồ án quy hoạch đô thị vùng tỉnh, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế) hay các quy định cụ thể về kiến trúc ở các trục đường mà sắp tới thành phố sẽ xây dựng mà phải được thể hiện ngay trong tư duy, thái độ của những người sẽ thực hiện đồ án này, bao gồm cả nhà quản lý và cả người dân. Nếu không làm được điều này, tất cả cũng chỉ là trên giấy tờ, lúc đó chúng ta có thể phải thất vọng, bởi sự khác biệt giữa những điều được kỳ vọng và kết quả thực tế sau này.
Ý kiến của các chuyên gia về vấn đề đóng – mở, bảo tồn – phát triển trong quy hoạch phát triển đô thị Huế.
![]() ![]() ![]() ![]() ![]() Ph. Quang(ghi)
|
Quang Phong
- Nông dân Phú Lộc cùng vượt khó, làm giàu (14/08)
- “Bà đỡ” xây dựng nông thôn mới ở Quảng Điền (14/08)
- Tháng 9 sẽ trình Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (14/08)
- Bệnh chậm của đầu tư công (13/08)
- Các ngân hàng thực hiện chính sách rút tiền linh hoạt có lợi cho khách hàng (13/08)
- Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp (13/08)
- Tăng tiện ích, giảm chi phí hỗ trợ người dân (13/08)
- Cảng cá Thuận An sau gần 3 năm thi công (12/08)
-
Rộng cửa đón các nhà đầu tư Nhật Bản
- Giữ gìn cảnh quan sông đầm
- Phân loại rác tại nguồn: Đừng để “đá ném ao bèo” - Bài 1: Niềm mong chưa cũ
- Đợi hàng hóa “quay đầu” theo giá xăng, dầu
- Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh
- Hành khách bất ngờ nhận quà Trung thu sớm từ Vietnam Airlines
- merry land
- Khu đô thị Vinhomes Wonder Park
- Liền kề Vinhomes Ocean Park The Empire
- https://imperiariverview.land/
- Mẫu thiết kế khách sạn tân cổ điển
- Bảng Giá Vinhomes Văn Giang Hưng Yên
- Tra cứu quy hoạch trực tuyến Meey Map
- Cập nhật Tiến độ dự án Bất động sản