Thế giới

Đông Nam Á: Cần luật tiền điện tử mạnh mẽ để giải quyết gian lận, tài trợ khủng bố

ClockThứ Bảy, 29/05/2021 11:04
TTH - Một bài viết được đăng tải trên Tạp chí ASEAN Today cho rằng, sự phổ biến ngày càng tăng của các loại tiền điện tử ở Đông Nam Á khiến các Chính phủ phải “đau đầu” với câu hỏi về việc quản lý chúng như thế nào.

Đông Nam Á chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm COVID-19 mớiCải thiện cơ hội mở rộng công nghệ giáo dục (EDTECH) ở Đông Nam Á

Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, các Chính phủ Đông Nam Á cần phối hợp và hành động nhanh chóng, trong bối cảnh tiền điện tử làm tăng nguy cơ gian lận trong ngành thương mại điện tử đang phát triển, và loại tiền này cũng đã được sử dụng để chuyển nguồn tài chính cho các nhóm khủng bố.

Nhanh chóng hành động

Sự phổ biến của tiền điện tử đang mở rộng song song với sự phát triển của thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa có cách tiếp cận chủ động đối với các quy định của họ.

Với việc số hóa giao dịch và thương mại đang tăng, gian lận tài chính trực tuyến có xu hướng leo thang trong khu vực. Theo báo cáo của ADVANCE.AI, một công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở chính tại Singapore, cứ 3 người ở Đông Nam Á thì có 1 người từng bị lừa đảo trực tuyến. Sự bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay đã dẫn đến các vụ gian lận trực tuyến gia tăng, và gian lận trực tuyến sẽ là rủi ro kinh doanh lớn đối với các tổ chức trên khắp khu vực trong những năm tới.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Đông Nam Á là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế khu vực lớn thứ 4 vào năm 2030. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng sự tăng trưởng này sẽ thúc đẩy thị trường thương mại điện tử, với nền kinh tế kỹ thuật số sẽ tăng từ mức 31 tỷ USD trong năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025. Trong năm nay, doanh thu từ thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á được dự báo đạt 67,6 tỷ USD, đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm là 10,3%.

Các công ty chuỗi khối (blockchain) cũng đang tìm cách tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển của Đông Nam Á. Họ cung cấp tiền điện tử như một phương thức thanh toán thay thế cho khoảng 438 triệu người không có ngân hàng ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi số lượng người dân ở Đông Nam Á quan tâm đến tiền điện tử ngày càng tăng, hầu hết trong số họ không nhận thức đầy đủ về những rủi ro liên quan.

Việc sử dụng tiền điện tử gia tăng đặt ra nguy cơ gian lận trực tuyến lớn hơn. Báo cáo của ADVANCE.AI nói rằng, 71% gian lận trực tuyến là do hành vi trộm cắp danh tính gây ra bởi các vấn đề trong xác minh danh tính. Trong các giao dịch tiền điện tử, người dùng có thể giấu danh tính, khiến các giao dịch này dễ bị lừa đảo hơn.

Đáng chú ý, theo một báo cáo vào tháng 5/2020 của Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines (PIPVTR), hoạt động tài trợ khủng bố đã gia tăng ở Đông Nam Á. Ở Philippines, các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã và đang sử dụng tiền điện tử để tài trợ cho các hoạt động khủng bố của chúng.

Cũng theo báo cáo của PIPVTR, việc tài trợ khủng bố thông qua các loại tiền điện tử bao gồm 2 giai đoạn: những kẻ tài trợ mua Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử khác, và các nhóm khủng bố hoặc chi nhánh của chúng chuyển đổi tiền điện tử trở lại thành tiền tệ thông thường. Những giao dịch này khó để truy vết và danh tính của những kẻ liên quan được giấu kín.

Tình trạng pháp lý

Bài viết nói trên cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á có quan điểm khác nhau về việc quản lý tiền điện tử. Brunei, Lào và Myanmar cấm sử dụng tiền điện tử. Các ngân hàng trung ương của 3 quốc gia này xem giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp.

Trong khi đó, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan đều đã bắt đầu quản lý các giao dịch và trao đổi tiền điện tử. Vào tháng 2/2019, Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai của Indonesia (Bappebti) đã quản lý hoạt động giao dịch tài sản tiền điện tử trong sàn giao dịch tương lai. Quy định này đưa ra các yêu cầu chẳng hạn như yêu cầu về vốn, hệ thống bảo mật, và quy trình đánh giá rủi ro. Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC) quản lý các nền tảng tiền tệ kỹ thuật số hoạt động trong nước, đặt ra quy tắc cho những dịch vụ trao đổi ban đầu (IEO) và các cơ quan giám sát tài sản kỹ thuật số (DAC).

Ở Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) quản lý các giao dịch tiền điện tử nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố; song, khẳng định rằng luật pháp sẽ không gây trở ngại đối với sự đổi mới. Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các thử nghiệm trong không gian blockchain, có thể bao gồm việc sử dụng tiền điện tử. Một số sự đổi mới này có thể trở nên hữu ích về mặt xã hội hoặc kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cảnh giác với những rủi ro mới”.

Tại Việt Nam, Chính phủ đang xem xét một khuôn khổ pháp lý cho các giao dịch tiền điện tử, trong đó cho phép các cơ quan chức năng quản lý giao dịch điện tử và bảo vệ công dân một cách hợp pháp. Hiện tại, Việt Nam chưa coi tiền điện tử là phương thức thanh toán hợp pháp.

Quy định về tiền điện tử là một thách thức đối với các Chính phủ trên toàn thế giới và lập trường rất khác nhau về cách thức kiểm soát chúng. Khi nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử phát triển, các Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết những lỗ hổng trong quy định về tiền điện tử, nhằm ngăn chặn gian lận tài chính và tài trợ cho khủng bố.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ ASEAN Today)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết

Gần đây, Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, với hàng trăm ca tử vong. Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp như thả muỗi mang vi khuẩn đặc biệt nhằm giảm số lượng muỗi mang virus gây bệnh, cùng với hàng loạt nỗ lực của cộng đồng nhằm giải quyết bệnh sốt xuất huyết. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, những biện pháp này hiệu quả đến mức nào?

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết
Return to top