Thế giới

Đông Nam Á: Cần thêm hỗ trợ dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu

ClockThứ Sáu, 27/05/2022 20:26
TTH - Hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty được xem là “kỳ lân” (với giá trị trên 1 tỷ USD); song, khu vực này cần có thêm sự hỗ trợ dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu (deep tech), trong đó tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sâu rộng.

Asean Economist: Việt Nam là hệ sinh thái công nghệ tích cực thứ 3 của Đông Nam Á

Sản phẩm thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 27, được tổ chức ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 26 - 27/5, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm Real Tech Holdings (Nhật Bản), ông Akitaka Wilhelm Fujii cho rằng, các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu đang phải đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng nhân tài, cũng như tìm kiếm nhà đầu tư.

"Chúng ta đã có một thế hệ các nhà khởi nghiệp thực sự mạnh mẽ đầu tiên, đã tạo ra những "kỳ lân" từ con số 0, nhưng khi nói đến công nghệ sâu, lĩnh vực này vẫn đang trong quá trình phát triển ở Đông Nam Á", ông Akitaka Wilhelm Fujii nói thêm. Được biết, deep tech là các công ty công nghệ nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở trình độ nghiên cứu khoa học cao với bằng sáng chế.

 Trong một động thái liên quan, bà Sandhya Sriram, Giám đốc Điều hành, kiêm Đồng sáng lập Công ty Shiok Meats (Singapore) cho biết, các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học như công ty của bà cần trở nên phổ biến hơn, bởi họ có thể giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai. Bên cạnh đó, bà Sandhya Sriram nhận định: "Ở châu Á, thậm chí ở Singapore, tinh thần khởi nghiệp công nghệ sinh học không quá phổ biến. Hầu hết các nhà sinh học ở lại các trường đại học và viện nghiên cứu với vai trò là nhà khoa học".

Cũng theo bà Sandhya Sriram, sự hỗ trợ từ Chính phủ Singapore và ngành công nghiệp thực phẩm đã giúp công ty của bà phát triển. Singapore hồi năm 2020 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận việc bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, mở ra cánh cửa cho các công ty công nghệ thực phẩm được mở rộng.

Đáng chú ý, Đông Nam Á là quê hương của các công ty khởi nghiệp nổi bật như Grab (Singapore) và GoTo (Indonesia), những công ty thu hút sự chú ý từ các khu vực còn lại trên thế giới. Khi được hỏi liệu các nhà khởi nghiệp Đông Nam Á có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trên toàn cầu hay không, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm Real Tech Holdings khẳng định, sự đa dạng phong phú về văn hóa, giới tính và nền tảng học thuật trong khu vực chính là chìa khóa cho sự đổi mới sáng tạo.

"Sự đa dạng đó rất quan trọng đối với đổi mới sáng tạo. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất tốt không chỉ trong khu vực, mà còn trên toàn cầu", ông Akitaka Wilhelm Fujii nhấn mạnh.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei Asia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết

Gần đây, Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, với hàng trăm ca tử vong. Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp như thả muỗi mang vi khuẩn đặc biệt nhằm giảm số lượng muỗi mang virus gây bệnh, cùng với hàng loạt nỗ lực của cộng đồng nhằm giải quyết bệnh sốt xuất huyết. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, những biện pháp này hiệu quả đến mức nào?

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết
Return to top