ClockThứ Hai, 04/04/2022 06:29

Đông Sơn, ngày càng thêm xanh

TTH - Đông Sơn là xã biên giới nghèo của huyện A Lưới. Tuy còn những khó khăn, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc sống người dân nơi đây có sự đổi thay.

Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Đông Sơn và A Lưới xuống mức thấp nhất“Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” tại xã Đông Sơn

Cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 - Quân khu 4 giúp người dân Đông Sơn phát triển kinh tế vườn

Vươn lên trong gian khó

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Đông Sơn được biết đến với sân bay A So - “điểm nóng” của địa bàn A Lưới, có hàm lượng tồn dư chất dioxin cao trong đất, ảnh hưởng đến sinh thái và con người sinh sống trong vùng. Từ khi vào định cư năm 1992, xã Đông Sơn đã có 3 lần di giãn dân để phòng, tránh chất độc da cam/dioxin (2001, 2003, 2007). Qua mỗi lần di dân đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh tế - xã hội của xã...

Khó khăn là thực tế, nhưng với người dân nơi đây, không cớ gì cứ để cái nghèo, cái khó bám víu mãi. Qua không ít lần thất bại trong phát triển sản xuất đã cho người dân nhiều kinh nghiệm quý giá. Khu vực đất đai này trồng trọt không được, người dân chuyển sang canh tác, chăn nuôi ở khu vực khác. Loại cây này không phát triển được ở đây, người dân chuyển sang trồng loại cây khác phù hợp hơn…

Cứ thế, người dân dần hiểu rằng, có ý chí, có phấn đấu thì dù khó khăn vất vả đến mấy cũng vượt qua. Cùng với sự cố gắng thay đổi tư duy canh tác của người dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong xã luôn đồng hành để tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho họ.

“Đảng bộ xã Đông Sơn vui mừng khi đến nay đã có 8 chi bộ Đảng, với 134 đảng viên. Đây chính là những “hạt nhân” không chỉ giữ vững sự đoàn kết, mà luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn Lê Thanh Tường chia sẻ.

Tuy hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhưng không ít người dân xã Đông Sơn đã biết thâm canh, tăng vụ ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống. Đó là, trường hợp vợ chồng bà Lê Thị Sáu, nhờ tích cực học hỏi, cùng sự hỗ trợ của cán bộ địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng lúa nước cho năng suất ngày càng cao, có vụ đạt trên 50 tạ/ha. Ông Hồ Văn Tanh trồng 3ha rừng, nuôi 17 con trâu, cho thu nhập ổn định…

Để có một Đông Sơn như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền, người dân nơi đây không sao quên được những hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; huyện và các mạnh thường quân.

“Được Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế hỗ trợ bò, gia đình tôi tích cực chăn thả để nhân rộng. Đồng cỏ ngày cành rộng thêm là điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình nghèo trong xã đầu tư chăn nuôi, tiến tới xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo”, ông Quỳnh Tể, dân tộc Pa Cô, trú tại thôn Loah - Ta Vai, xã Đông Sơn chia sẻ.

Hiện nay, Bộ Tư lệnh Hóa học - Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So”, với kinh phí hơn 70 tỷ đồng; góp phần khôi phục môi trường sinh thái phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân. Nhiều công trình văn hóa, thể thao, khu trưng bày, nhà lưu niệm sẽ được mọc lên ngay chính mảnh đất này.

“Chuẩn hóa” trình độ đội ngũ cán bộ

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng để đổi thay cuộc sống người dân, điều mà nhiều người nhận rõ ở Đông Sơn đó là, việc “chuẩn hóa” trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chú trọng, trở thành niềm tự hào của không ít thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân vùng biên giới này. 

“Hiện, cán bộ, công chức của xã có 22 người; trong đó, có 1 trình độ thạc sĩ, 18 đại học, 1 cao đẳng, 2 trung cấp. Đó là sự nỗ lực rất lớn không dễ gì có được đối với một xã biên giới còn nhiều khó khăn như Đông Sơn”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn - Lê Thanh Tường thông tin.

Vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất cao là động lực để Đông Sơn phát triển hơn nữa trong thời gian tới; chủ động hơn nữa trong phân công cho từng cán bộ, đảng viên ở các chi bộ Đảng phụ trách từng địa bàn, gắn với hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo. Đây là một trong những mục tiêu và giải pháp đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Đông Sơn.

“Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới xác định, Đông Sơn là 1 trong 11 xã phải giảm hộ nghèo xuống còn 25 - 30% từ nay đến năm 2025. Với sự thay đổi nhận thức, tự mình vươn lên trong cuộc sống của người dân; sự linh hoạt trong lãnh, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vùng đất giàu truyền thống cách mạng này ngày càng thêm xanh, cuộc sống của người dân đang thay đổi từng ngày”, Bí thư Huyện ủy A Lưới - Huỳnh Công Quảng bày tỏ.

Đông Sơn có diện tích hơn 2.670ha, giáp với xã Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Toàn xã có 3 thôn, 404 hộ, với 1.614 nhân khẩu; trong đó, có 384 hộ, 1.561 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có 301 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo đều là dân tộc thiểu số... 

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEAN LẦN THỨ 56 (AMM-56):
Kêu gọi một ASEAN ngày càng trưởng thành

Từ ngày 11 - 14/7/2023, các nhà ngoại giao hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cùng tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) diễn ra tại Jakarta (Indonesia). Qua đó, đánh dấu nửa chặng đường cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Indonesia kể từ khi nước này đảm nhận vai trò vào tháng 1.

Kêu gọi một ASEAN ngày càng trưởng thành
Tình trạng bạo lực mạng ngày càng gia tăng

Thời đại công nghệ phát triển, ngày càng nhiều trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội từ bé. Từ đó, nhiều nguy cơ tiềm ẩn về bạo lực mạng đối với trẻ em ngày một tăng lên.

Tình trạng bạo lực mạng ngày càng gia tăng
Điểm tựa cho bà con

Với người dân ở xã Hương Sơn (Nam Đông), Trung úy Sơn Ka không chỉ là Phó Trưởng Công an xã tận tình, trách nhiệm, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Điểm tựa cho bà con
Biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, xu thế thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã có những chia sẻ thông tin về BĐKH cũng như những nỗ lực, giải pháp trong công tác ứng phó thiên tai.

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt
Return to top