ClockThứ Sáu, 29/03/2019 08:41

Dòng sông trôi mãi

TTH - Về để bôi tro trát trấu lên gia đình bà chắc? Không biết con trai bà biết chuyện, nó sẽ phản ứng ra sao?

Đến với tình yêuCô bé trong truyện cổ tích

Bà Dìn hớt hải chạy sang nhà chị gái, giọng oang oang: “Chị biết gì chưa? Con Hiền vừa về tới làng, còn dắt theo một thằng lạ hoắc. Đã vậy còn vác thêm cái bụng bầu lùm lùm. Cả làng ngoài kia người ta đang xôn xao kìa”. Vừa nói, bà vừa thả người xuống chiếc ghế tre, tay cầm chiếc quạt mo cau trên bàn quạt lấy quạt để. Ngoài cửa sổ, trời đã nhá nhem tối, mà không khí như bị ai nấu lên, oi nồng đến khó tả. Bà Dìn vươn tay đập mấy con muỗi bu trên bắp chân. Bà mới ngoài ruộng vào thì nghe dân làng bàn tán, liền đi thẳng đến nhà chị gái.

Nghe em gái nói, bà Chối đặt chén nước lá xuống bàn kêu cái cạch. Nước trong chén sóng sánh màu hổ phách, tràn cả ra chiếc bàn tre, nhỏ long tong xuống nền nhà. “Đã bỏ đi, thì đi cho khuất mắt, còn về làm chi”, mẹ Đăng nghiến răng nghiến lợi, dù hàm răng đã rụng gần hết, chỉ còn lưa thưa vài cái. Về để bôi tro trát trấu lên gia đình bà chắc? Không biết con trai bà biết chuyện, nó sẽ phản ứng ra sao?

Thằng Đăng đã biết vợ nó dắt theo trai về làng chưa? Như đọc được suy nghĩ của bà Chối, bà Dìn cất tiếng hỏi. Bà Chối lắc đầu. Bà nghiêng đầu nhìn qua khung cửa sổ, Đăng đang ngồi một mình ở ghế đá nơi góc vườn. Tối ba mươi, trời đen như mực, có trăng có sao đâu mà ngồi ở đó, chỉ làm mồi cho muỗi. Mẹ Đăng lẩm bẩm. Nhìn con trai, lòng bà chua xót. Giá như ngày đó…

Bà Chối với bà Dìn là chị em. Hồi đó khi mẹ bà Chối sinh ra bà, vì người cha ghen tuông, không nhận bà là con, mẹ bà giận quá, mới đặt cho bà cái tên nghe rất chối tai: Chối. Đến lúc sinh em bà, cha bà mới nhìn nhận, vậy là mẹ bà đặt luôn tên cho đứa con gái thứ hai là Dìn. Để có được cuộc sống như hôm nay, mẹ bà cũng trải qua không biết bao nhiêu long đong lận đận. Nghĩ đến người mẹ già sống phía bên kia con sông, lại nhìn đến đứa con trai đang ngồi bất động ngoài kia, bà lại lần nữa lặng lẽ thở dài.

***

Đăng ngồi nơi ghế đá đặt dưới hàng dừa. Hồi đó, Hiền cứ bảo, nếu ngồi ở đây, có ngày dừa rụng vỡ đầu mất. Kỳ thực giữa hai gốc dừa còn có một gốc mít chen vào giữa. Chiếc ghế đá đó, chính xác là đặt dưới gốc mít. Dừa có rụng, cũng chẳng thể rớt đến chiếc ghế đá kia. Vậy mà đêm nay, bỗng dưng Đăng có ý nghĩ kỳ cục trong đầu, nếu Đăng ngồi đây, mà có quả dừa nào rớt xuống trúng đầu thì khỏe quá. Vậy là khỏi suy nghĩ. Khỏi nghe thấy tiếng lao xao từ nhà Hiền vọng lại. Chẳng hiểu sao, nhà Hiền cách nhà Đăng những mấy khu vườn, nhưng đêm nay tiếng nói cười từ nhà Hiền vọng đến lại nghe rõ mồn một, như nhéo thẳng vào lòng Đăng.

Đêm mỗi lúc một khuya. Gió càng lúc càng lạnh buốt, như thấm thẳng vào trái tim mệt mỏi của Đăng. Sương đêm dần dần nặng hạt. Trong tiếng rơi lộp độp của sương khuya là tiếng lục đục từ trong nhà chốc chốc lại vọng ra. Đăng biết, mẹ mình cũng không ngủ được. Mà Đăng cũng không thể cứ ngồi mãi ở đây. Bởi có ngồi nữa, cũng chẳng thể nghĩ được điều gì khác. Trong đầu Đăng là một mớ hỗn loạn. Đăng biết, ngày mai bước ra đường, đối với anh thật khó khăn.

***

“Vợ bỏ theo trai đã đành. Đằng này nó còn dám dắt cả thằng kia về làng. Mày qua đánh chết thằng đó cho tau. Tau đi đánh phụ”. Ông chú hàng xóm phùng mang trợn mắt như thể chính ông mới là kẻ bị vợ cắm sừng. Đăng ngồi im, lặng lẽ rót đầy cốc bia. Nhưng lạ lắm. Bia này càng uống càng tỉnh. Đăng chỉ muốn uống thật say, rồi lăn ra ngủ, sáng mai lại dậy ra đồng, cặm cụi làm việc cho đến hết ngày. Bây giờ, Đăng chỉ muốn thời gian trôi qua như thế. Nhịn hết. Đăng biết, mớ bòng bong mình vướng phải, chẳng cách nào gỡ được. Vậy thì cứ để đó, giống như dãy đá ngầm chìm nổi nơi dòng sông trước làng, mặc dòng nước xô đẩy bào mòn.

Hồi Đăng và vợ chuẩn bị cưới, Đăng bàn với Hiền ra xã đăng ký kết hôn trước. Hiền nói bận bịu lo chuyện cưới hỏi muốn sấp mặt, không có thời gian đi. Đợi cưới xong thảnh thơi, vợ chồng dẫn nhau đi đăng ký cũng không muộn. Ai biết cưới xong còn chưa đến mấy bữa, trong một lần vợ chồng xích mích, Hiền khăn gói bỏ đi. Cứ nghĩ vợ chỉ giận hờn, đôi ba ngày lại về, vậy mà Hiền đi một lần mất nửa năm...

Thằng bạn Đăng bảo: “Mày về nhà nó, bắt nó trả hết vàng cưới. Nó định lừa ai? Định cưới mày để lừa mớ vàng làm vốn rồi đi cưới thằng khác chắc?”. Thằng bạn tức tối, nói mà phun cả nước bọt vào mặt Đăng cũng không hay. Đăng cười khổ. Nụ cười méo mó còn khó coi hơn cả khóc. Đăng biết, thằng bạn mình chỉ nói cho bỏ tức.

“Mày buông được không?”. Nó hỏi Đăng trong một lần hai đứa ngồi nhậu đến khuya dưới gốc cây lộc vừng. Nhìn đám hoa lộc vừng lắc lư trong gió, hương thơm dịu dàng lan tỏa khắp mọi ngõ ngách của khu vườn. Cây lộc vừng này Đăng và Hiền cùng nhau trồng nhiều năm trước. Hiền nói, khi nào cây trổ hoa, Hiền sẽ cùng Đăng bắc ghế ngồi dưới gốc ngắm hoa. Lúc đó, tóc của Hiền chắc cũng ướp đầy hương lộc vừng. Năm nay, lộc vừng mới ra lứa hoa đầu tiên. Hiền thì ở cách đó mấy khu vườn, nhưng không còn cơ hội cùng Đăng ngắm lộc vừng về đêm như đã hẹn.

***

Đăng chẳng biết người thanh niên Hiền dẫn về làng, có phải là “người yêu tin đồn” của Hiền hồi ở Sài Gòn không? Nhưng đúng hay không có lẽ cũng chẳng còn quan trọng. Đăng và Hiền yêu nhau mấy năm trời mới cưới. Hồi đó, mới yêu chừng một năm thì Hiền theo người bà con vào Sài Gòn làm công nhân may, mỗi năm đến tết mới về. Lần nào Hiền về quê, Đăng cũng giục cưới. Nhưng Hiền nói mấy đứa em còn nhỏ. Hiền muốn đi làm nuôi em ăn học thêm một thời gian. Một thời gian của Hiền là kéo dài những mấy năm trời.

Tình yêu xa của hai người hồi ấy cũng nhấp nhô dữ lắm, tựa như ngọn núi phía sau làng. Người trong làng đi Sài Gòn làm ăn cũng nhiều, đâu phải mỗi Hiền. Nên chuyện Hiền có “người mới”,  mọi người thi nhau kể cho Đăng. Lúc đó Đăng nghĩ, Hiền xa quê, sống nơi đất khách, gặp người đàn ông biết quan tâm chăm sóc, đôi lúc lạc lòng cũng dễ hiểu. Dẫu buồn, nhưng Đăng chẳng thể bỏ quê theo Hiền vào Nam. Đăng biết, mình chỉ phù hợp với ruộng đồng, bỏ xứ đi rồi, Đăng biết làm sao. Còn Hiền chỉ muốn ở phố.

Rồi Hân xuất hiện. Hân ở phố, nhưng lại thích ruộng đồng cây cỏ. Đăng có thể cùng Hân ngồi nói chuyện hàng giờ liền về mọi thứ ở quê mình. Đám tràm hoa vàng Đăng trồng trên rẫy đã mấy mùa qua nhưng vẫn chưa chịu lớn; đám trầm gió sau đồi đã khoan hơn năm nhưng vẫn chưa tạo dầu; rồi mủ cao su dạo này rớt giá thê thảm; chuyện về mấy luống chuối sau vườn bị gió xô ngã; đám hoa trồng trước sân chưa kịp trổ bông đã bị đàn gà hàng xóm ăn sạch. Hân lúc nào cũng nghe thích thú. Những chuyện mà Hiền không muốn nghe, Đăng đều có thể cùng Hân chia sẻ.

Bỗng dưng những cuộc điện thoại đường dài của Hiền lại tiếp nối. Lần này Hiền là người giục cưới, chứ không như những lần trước. Đăng lưỡng lự. Nhưng chút xao động mới nhen nhóm với Hân, sao bì được khoảng thời gian dài yêu đương cùng Hiền. Đăng chọn Hiền. Cứ tưởng cái nắm tay ấy sẽ kéo dài mãi mãi.

***

Sáng nay, ngôi làng nhỏ nằm ven sông lại rộn ràng bàn tán. Người thanh niên lạ mặt Hiền dẫn về, cuối cùng cũng đi khỏi làng. Trước khi đi còn để lại trên mặt Hiền mấy vết bầm tím. Mấy người sống cạnh nhà Hiền còn kháo nhau, tối hôm đó Hiền và “chồng hờ” đánh nhau to. Nhưng nguyên nhân dẫn đến xung đột thì chẳng ai biết. Hiền ít ra đường hẳn. Mặt lúc nào cũng buồn buồn. Người trong làng bảo Đăng, thôi thì “gương vỡ lại lành”. Đăng cười. Nụ cười vẫn khó coi như trước.

Mỗi lần nhìn bóng lưng cô đơn của Hiền đi qua ngõ, Đăng lại thấy lòng chua chát. Đăng không ngại gặp Hiền, không ngại hỏi thăm dăm ba câu, giúp đỡ Hiền đôi ba việc vặt. Nhưng Đăng biết, có những thứ khi đã đánh rơi, mãi mãi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giọng Huế của con

Giọng nói như một dòng sông dài rộng đầy nước, ta lớn lên và tha hồ bơi lội trong ấy mà không mảy may suy nghĩ.

Giọng Huế của con
Bếp lửa đêm giao thừa

Ba ngồi nhóm lửa bên hè nghe thế liền gật đầu cái rụp, bảo vậy ở nhà hết canh bánh tét với ba.

Bếp lửa đêm giao thừa
Những vọng âm lịch sử

“Bạc màu áo ngự” là tập truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang ra mắt độc giả vào tháng 11 vừa qua, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành.

Những vọng âm lịch sử
Mùa rêu ngát xanh

Phố đang vào mùa xanh rêu. Đó là khi lang thang qua mấy ngõ nhỏ, thấy rêu đã phủ kín những bờ tường, trên những lối xanh non.

Mùa rêu ngát xanh
Bế mạc hội diễn “Câu hò nối những dòng sông”

Sau 3 ngày diễn ra, hội diễn “Câu hò nối những dòng sông” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức đã chính thức bế mạc vào tối 30/7 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh (41A Hùng Vương, TP. Huế).

Bế mạc hội diễn “Câu hò nối những dòng sông”
Return to top