ClockThứ Sáu, 15/07/2016 14:07

“Dòng sông Vua” và sự ứng xử văn hóa

TTH - Có một nhánh cũ của sông Hương chảy từ chợ Kim Long đến Bao Vinh, xưa gọi là sông Kim Long. Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long xây dựng và mở rộng kinh thành Huế, một phần con sông này nằm trong lòng thành, dòng chảy không thông.

Năm 1805, do nhu cầu vận chuyển hàng hoá ra vào kinh thành, vua cho khơi đào nạo vét đoạn từ Đông Thành Thuỷ Quan đến khu vực kho tàng của triều đình, gọi là sông Thanh Câu. Năm 1825, vua Minh Mạng tiếp tục cho đào đoạn từ khu vực kho tàng của triều đình đến Tây Thành Thuỷ Quan, nhập với sông Thanh Câu. Sông nối liền sông Đông Ba với sông Kẻ Vạn, chia kinh thành ra hai phần Nam và Bắc. Tên gọi của dòng sông là Ngự Hà, nghĩa là “dòng sông vua”.

Bao bọc kinh thành, thuở ấy vào những chiều mát mẻ hay những ngày xuân đẹp trời là nơi dạo chơi bằng thuyền rồng của các vua nhà Nguyễn. Cái cảm giác thú vị khi dạo thuyền rồng trên dòng Ngự Hà trong một đêm trăng đã được vua Thành Thái ghi lại qua những vần thơ: “Trăng sáng treo lơ lửng giữa trời/ Ngự Hà nước biếc cả dòng khơi…”. Còn nữa một thuở, nước sông Ngự Hà trong xanh, có nơi sâu đến vài mét, cá tôm nhiều và thuyền ra vào nhộn nhịp. Xưa lúc trời vào hạ, sen Ngự Hà tưng bừng hoa nở, khoe sắc toả hương cả một vùng.“Dòng sông vua” đã trở thành một trong những phần chính của di sản văn hóa Cố đô Huế được UNESCO công nhận.

Rồi cũng dòng sông ấy, một thời lại được nhắc với cái tên đầy xót xa: “Dòng sông chết”. Bởi nhiều lý do khác nhau, dọc hai bên dòng sông, lâu ngày không được ngó ngàng, chăm sóc nên tha hồ cỏ dại, choán hết không gian thoáng đãng. Mang tiếng là sông mà dòng chảy hầu như không thể lưu thông được do lòng sông quá cạn vì ít khi được nạo vét tới nơi tới chốn. Thêm vào đó, khó lòng thấy được màu xanh của dòng sông khi mà rau muống, rác thải và nhiều chất ô nhiễm khác tồn đọng khiến Ngự Hà ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Nhắc lại chuyện xưa và cách nay không lâu để thấy rằng, “dòng sông vua” của một thời đã trở lại. Con sông đã trở về với dáng vẻ của ngày xưa, mặt nước trong xanh, cảnh quang đôi bờ thoáng đãng. Thấp thoáng đâu đó con thuyền của những người thả câu. Trên những đoạn kè đã được sửa chữa khang trang, sạch sẽ, buổi sáng tinh mơ hay buổi chiều tà có bao người ngồi ngắm sông. Rồi nữa, các lễ hội sông nước như đua ghe cũng bắt đầu được trở lại. Đổi thay đó là kết quả của dự án cải tạo sông Ngự Hà mới đây. Lần thứ ba trong vòng 40 năm thực hiện chỉnh trang, sông Ngự Hà không chỉ được nạo vét triệt để mà còn được chú ý đến vấn đề xử lý nước thải nhằm hạn chế ô nhiễm và cùng với đó là thái độ cương quyết lập lại trật tự, giáo dục ý thức giữ gìn vẻ đẹp dòng sông cho người dân đôi bờ và cả những du khách.

Chuyện về “dòng sông vua” được hồi sinh đặt ra vấn đề về thái độ, sự quyết tâm và cách ứng xử văn hóa đối với những giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Nó cần được phát huy và nhân rộng ở một đô thị văn hóa như Huế.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top